Ray Kroc không chỉ làm xoay chuyển bộ mặt ngành công nghiệp ăn nhanh nước Mỹ mà còn thổi bùng thương hiệu McDonald’s trở thành thương hiệu thống lĩnh thị trường đồ ăn uống thế giới (F&B – Food and Beverage sales)
Ông Ray Kroc.
Ray Kroc và những tháng ngày mưu sinh
Ray Kroc có tên đầy đủ là Ray Albert Kroc, ông sinh năm 1902 tại Oak, bang Illinois, Mỹ. Năm 1917, khi mới 15 tuổi, Raymond Kroc đã khai sai tuổi để được lái xe cứu thương cho Red Cross.
Sau đó ông bị phát hiện và bị gửi tới Connecticut để cải tạo. Những năm tiếp sau, Knoc phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ việc bán cốc giấy vào ban ngày cho hãng Lily Tulip Cup rồi chơi piano cho một đài phát thanh vào buổi tối, tất cả những việc có thể giúp ông kiếm ra tiền.
Hai mươi năm sau, trong một lần bán những chiếc cốc giấy, ông gặp Earl Price – ông chủ của một công ty phân phối máy xay sinh tố. Thích thú với tốc độ và hiệu quả của máy, Kroc đã về làm cho Earl Price hai chục năm liền.
Công việc bán máy xay sinh tố khoảng ấy thời gian chỉ giúp ông có được một cuộc sống ổn định, và cũng chính khoảng thời gian dài đó đã khiến cho Kroc tự an phận với những gì mình đang có.
Chuyến đi định mệnh và ý tưởng táo bạo
Trong những chuyến đi bán máy xay sinh tố khi còn đang làm việc cho Earl Price, ông đã chú ý đến một nhà hàng ở San Bernardino, bang Califorlia của hai anh em Dick và Mac McDonald, người đang cần 8 máy xay để phục vụ cho công việc kinh doanh hàng ngày.
Ray Kroc được bình chọn là một trong số “100 người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong thế kỷ 20” theo bình chọn của tạp chí Time danh tiếng.
Kroc biết nhà hàng này từ năm 1954, và đã bị chính sự hoạt động hiệu quả của nó mê hoặc. Đây là một nhà hàng bán bánh hamburger với cung cách phục vụ và chế biến rất công nghiệp. Dù cửa hàng nhỏ nhưng lại rất đông khách, và rồi Kroc phát hiện ra sức hút của cửa hàng nằm ở những chiếc bánh và giá cả.
Bất chợt, một ý tưởng vĩ đại lóe lên trong đầu ông là cần phải hợp tác với anh em nhà McDonald để mở nhiều cửa hàng phân phối loại bánh này.
Lúc đó trong đầu ông đã hình thành ngay ý tưởng táo bạo là xây dựng một hệ thống các cửa hàng ăn McDonald’s trên toàn nước Mỹ, mỗi cửa hàng được trang bị khoảng 8 chiếc máy xay sinh tố và sẽ luôn làm việc không ngừng để tạo ra nhiều lợi nhuận. Với tham vọng không tưởng cùng tài ăn nói khéo léo của mình ông đã thuyết phục được anh em nhà Mcdonald và họ đã quyết định bán McDonald’s cho Ray Kroc với giá 2,7 triệu USD tiền mặt.
Dần dần từ đó, McDonald’s đã bắt đầu gây dựng được cho mình những nguồn thu nhập đáng để khích lệ tinh thần. Công ty Franchise Realty của Raymond Kroc cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc trong lĩnh vực kinh doanh. Đây có thể coi là một bước tiến xuất sắc nhưng cũng đầy táo bạo của ông vua ngành công nghiệp ăn nhanh nước Mỹ.
Ngay lập tức, Raymond Kroc đã quyết định dùng tài sản để thành lập công ty Franchise Realty, một công ty trực thuộc của McDonald’s. Sau đó, ông mua những dải đất rộng và cho thuê lại nhằm mục đích phát triển mô hình franchising (nhượng quyền kinh doanh) của mình.
Với tham vọng chuỗi cửa hàng nhượng quyền kinh doanh của mình ngày càng phải được nhân rộng và được toàn bộ cư dân Mỹ biết đến, Raymond Kroc đã chi một khoản tiền không nhỏ cho những chương trình quảng cáo mang tầm cỡ quốc gia để phục vụ cho mục đích của mình.
Đến năm 1970, khi nhận thấy tình hình kinh doanh của công ty mẹ ở Mỹ có dấu hiệu sụt giảm, ông liền bắt tay ngay vào chiến dịch quảng bá thương hiệu McDonald’s ra toàn thế giới và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ công chúng.
Thời kì đó được coi là thời kì hoàng kim của Raymond Kroc, McDonlad’s nổi tiếng đến nỗi hàng ngày cứ bốn người Mỹ thì lại có một người ghé vào quán fastfood của McDonald’s, điều mà bất cứ hãng fastfood nào cũng đều mơ ước.
Cuộc chiến nảy lửa giữa các đế chế kinh doanh hùng mạnh
Thị trường đồ ăn nhanh như một chiếc bánh thơm ngon hấp dẫn mà bất cứ doanh nghiệp nào kinh doanh trong lĩnh vực này đều mong muốn giành được phần nhiều hơn. Thành công vang dội của Mcdonald đã vô tình châm ngòi cho cuộc chiến nảy lửa giữa các đế chế kinh doanh hùng mạnh.
Điển hình là Burger King đã có một cuộc chiến dai dẳng với McDonald’s khi tìm ra được điểm yếu của gã khổng lồ này chính là đồ ăn chưa đáp ứng được hầu hết khẩu vị của khách hàng.
Bắt được điểm yếu này, Burger King đã tấn công toàn lực vào điểm yếu đó và đưa ra rất nhiều chiến lược nhằm đánh bật McDonald’s. Đã có lúc tưởng chừng như Burger King đã bắt kịp được gã khổng lồ, tuy nhiên vì những sai lầm nhất thời trong việc quyết định đưa ra chiến lược và sự thiếu kiên trì mà Burger King đã bị hụt hơi và phải chịu thua trong cuộc đua song mã đường dài.
Hỷ hả khi đánh bại được Burger King chưa lâu thì Wendy’s và Subway chen chân vào giành thị phần. Biết được sức hút của McDonald’s là chủ yếu đối với trẻ em, vì vậy mà Dave Thomas – Phó chủ tịch của chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC quyết định ra kinh doanh riêng với thương hiệu Wendy’s – đã thực hiện những chiến lược rất khác biệt cho thương hiệu của mình khi thực hiện những chiến dịch quảng cáo nhằm vào đối tượng khách hàng là người lớn.
Subway – chuỗi nhà hàng ăn nhanh có tốc độ phát triển nhượng quyền nhanh nhất thế giới cũng đã nắm được thóp của thị trường đồ ăn nhanh đó là càng ngày càng có nhiều cảnh báovề tác hại của đồ ăn chiên rán nên đã kiên định phát triển chiến lược mở rộng thị trường của mình theo trục “ăn đồ tươi”. Subway đã dần dần khẳng định được vị thế của mình trong lòng khách hàng và trở thành một đối thủ đáng gờm của McDonald’s.
Trước những cuộc tấn công của các đế chế hùng mạnh như vậy, McDonald’s vẫn tự tin với chiến lược và phân khúc thị trường mà mình đã lựa chọn bởi McDonald’s biết rằng phân khúc khách hàng trẻ em vẫn là phân khúc tạo thành lợi nhuận tốt nhất, và đó cũng là điểm mạnh nhất của mình, thà rằng nắm giữ phân khúc của mình còn hơn đuổi theo phân khúc khác không phải và không bao giờ là của mình.
Chính bởi sự kiên định trong kinh doanh cùng tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén trong thời cuộc đã giúp McDonald’s luôn đứng ở vị trí số 1 trong ngành công nghiệp ăn nhanh thế giới.
Ray Kroc chính là vị thủ lĩnh xuất sắc của ngành công nghiệp ăn nhanh thế giới
Có thể nói rằng sự thành công của McDonald’s trên thương trường là minh chứng hùng hồn nhất cho sự tư duy sáng tạo vô tận của Raymond Kroc khi ông biết cách đưa những cây xúc xích hambuger tầm thường lên dây chuyền máy móc để biến chúng thành công cụ kiếm tiền cho mình. Món hambuger một thời bị coi thường thì giờ đây đã có mặt hầu hết trên các máy bay, tàu điện, ô tô và trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Mỹ.
Với tốc độ phát triển cực nhanh của mình, từ một cửa hàng gia đình phục vụ đồ ăn rất nhỏ, McDonald’s đã phát triển thành một hệ thống các cửa hàng phục vụ ăn nhanh với giá trị hàng tỉ đôla Mỹ với khoảng 31.000 nhà hàng tại hơn 120 quốc gia trên thế giới, phục vụ 43 triệu lượt khách mỗi ngày.
Ray Kroc qua đời vào tháng 1 năm 1984, ở tuổi 81, đúng 10 tháng trước khi Mcdonald bán chiếc hambuger thứ 50 tỷ. Có thể không ngoa mà nói rằng Ray Kroc chính là vị thủ lĩnh xuất sắc của ngành công nghiệp ăn nhanh thế giới khi mà giờ đây, những hình vòm màu vàng trứ danh đã xuất hiện trong mọi ngõ ngách trên địa cầu nhờ vào những chiến lược kinh doanh xuất sắc của vị huyền thoại thập niên 70.
Theo Đời sống và pháp luật