Bạn có thể – và nên – chinh phục nỗi sợ chào bán hàng với những người hoàn toàn xa lạ. Quy trình sau sẽ giúp bạn làm được điều này.
(Ảnh minh họa)
Connie Kadansky đã hỏi thẳng tôi rằng: “Anh có ngần ngại mỗi khi gọi điện chào hàng không?”
Tôi ấp úng: “Um…”. Bà là huấn luyện viên bán hàng tại trung tâm Sales Call Reluctance với 20 năm kinh nghiệm trong nghề. Đáng ra tôi mới là người phỏng vấn bà. Nhưng tôi đã buột miệng nói ra rằng tôi thà bị khoan răng còn hơn là chào hàng qua điện thoại với những người hoàn toàn xa lạ qua điện thoại.
Nếu bạn cũng cảm thấy như vậy thì bạn nên tận dụng những bí quyết tạo ra các cuộc điện thoại bán hàng hiệu quả sau từ Kadansky, ngay cả khi việc nhấc điện thoại khiến bạn bị ra khỏi vùng thoải mái của mình.
1. Hãy đối mặt với nó, vì bạn là người bán hàng. Giống như bất cứ người nào khác
Kadansky cho rằng: “Có quá nhiều người cưỡng lại thực tế rằng họ là những người bán hàng. Họ đã từng gặp phải những người bán hàng quá kém chuyên nghiệp”. Theo bà, nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy người bán hàng là người giải quyết các vấn đề để thu về lợi nhuận. Hãy nhìn nhận việc bán hàng và những người bán hàng mà bạn biết theo cách đó.
2. Hãy tin vào giá trị của chính bạn
Bạn là một người có những giá trị riêng, và các sản phẩm, dịch vụ bạn đang bán cũng tạo ra những giá trị tuyệt vời và phù hợp với đúng đối tượng khách hàng. Kadansky cho rằng: “Khi mọi người thuyết phục ai đó về các giá trị của họ, họ sẽ nói không ngừng. Nếu ai đó ở đầu dây bên kia tỏ ra bất lịch sự hoặc không đón nhận, thì họ cũng không lấy làm phiền.” (Nếu bạn không tin rằng những thứ bạn bán ra có giá trị thực sự thì bạn nên chuyển sang bán thứ khác).
3. Đặt ra một mục tiêu kết nối với các khách hàng tương lai hằng ngày
Kadansky cho hay: “Tôi khuyến khích mọi người nghĩ tới một con số trong đầu. Mỗi ngày tôi sẽ tiếp cận với hai người qua điện thoại, thư điện tử hoặc qua mạng LinkedIn. Mục đích là chủ động với những mối liên hệ mới hằng ngày, và việc này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu bạn coi đó là việc ưu tiên”.
4. Sử dụng một kịch bản lấy khách hàng làm trung tâm
Kịch bản này cần tập trung vào khách hàng chứ không phải bạn. Kadansky gợi ý bạn sử dụng câu: “Nhiều công ty tương tự như công ty của ông đã tín nghiệm chúng tôi trong việc… (bạn tự điền vào chỗ trống).
5. Để lại những tin nhắn khó cưỡng
Hãy học cách để lại những tin nhắn thực sự hiệu quả qua hộp thư thoại, và bạn sẽ nhận lại những cuộc gọi lại thường xuyên hơn bạn tưởng. Kadansky cho rằng: “Bạn biết động lực của công ty mình là gì. Hãy cố gắng có một hệ thống đo lường các giá trị mục tiêu của bạn, chẳng hạn như các khách hàng sẽ tăng lượt truy cập web thêm 25%. Và hãy chắc chắn rằng bạn thực sự yêu cầu các khách hàng gọi lại cho bạn. Thường mọi người sẽ không gọi lại vì họ không được yêu cầu làm như vậy”.
6. Lắng nghe bản thân bạn
Kadansky khuyên bạn: Nếu hệ thống thư thoại cho bạn cơ hội đánh giá thông điệp của bạn, thì hãy làm như vậy. Điều đó sẽ cho bạn cơ hội nghe không chỉ những gì bạn nói mà còn cả giọng điệu của bạn. Khi nói chuyện điện thoại, chỉ 27% sự giao tiếp nằm ở lời nói, và 73% nằm ở giọng điệu của mọi người”.
7. Theo dõi
Bạn không nhận được phản hồi? Hãy tiếp tục cố gắng. Kadansky cho biết bà sẽ cố gắng liên hệ với người đó 3 lần/tuần, rồi tạm dừng trong 2-3 tuần rồi lại tiếp tục thử lại. Và bà sẽ tiếp tục thử theo nhiều giai đoạn sau đó. Bà chắc chắn sẽ để lại thông điệp mong muốn của mình để tạo cảm hứng hành động. “Sẽ chẳng có ai trả lời?” “Không. Tuy nhiên nhiều người đã trả lời”.
Theo Inc