Tuyệt chiêu của ngân hàng ‘dụ’ khách bằng mùi thơm

‘Mắt thấy, tai nghe’ thôi chưa đủ, ‘mũi ngửi, miệng nếm’ nữa mới xong.
Nội dung nổi bật:
– Mùi hương có khả năng tác tăng cao doanh số vì: (i) giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn; (ii) khơi gợi cảm giác khách mong muốn: thư thái, thanh lịch, sang trọng hay tự do, phấn chấn…
– Ngày càng nhiều ngân hàng sử dụng phương pháp marketing tinh tế này, doanh số, khách hàng đều tăng mạnh.
– Nếu không hấp dẫn qua khứu giác thì đánh vào “cái bụng” cũng là một cách hay.
Những công ty thuộc các loại hình kinh doanh như khách sạn, ô tô… đều sử dụng “tiếp thị hương thơm” để củng cố bản sắc thương hiệu. Các doanh nghiệp tài chính nay cũng đi theo xu hướng này, tạo ra những “ngân hàng thơm” để hút hợi nhuận.
Mùi hương vốn có khả năng tác động trí nhớ, ảnh hưởng nhận thức và… tăng cao doanh số nên việc ngày càng nhiều các ngành nghề vốn mang tính truyền thống, tẻ nhạt nhất cũng đã nghĩ đến việc tìm cho mình một mùi hương đặc trưng, “hàng độc”.

Chọn hương gì thì phải “ngửi” bằng mũi của khách hàng
“Khá ít ngân hàng xây dựng thương hiệu đánh vào khứu giác, nhưng thực ra số lượng này cũng nhiều hơn bạn tưởng”, Jenifer Dublino, phó chủ tịch phát triển cho Scent World Events, thuộc Scent Marketing Institute – tổ chức phi lợi nhuận chuyên tư vấn tiếp thị hương thơm cho các công ty cho biết, “Nhiều doanh nghiệp đầu tư hay nhà môi giới cao cấp thường làm vậy bởi mùi hương mang lại cảm giác sang trọng cho các khách hàng “to” của họ”.
Vậy một ngân hàng, hay một doanh nghiệp nói chung nên có mùi hương như thế nào? Dublino khuyên rằng: “Còn tùy thuộc vào thương hiệu mỗi nơi: vị trí ở đâu, màu sắc là gì. Nếu công ty có màu da cam thì mùi hương có thể pha chút vị cam, còn gam màu dịu hơn như vàng, xanh da trời thích hợp với những mùi tươi mát.”
Mùi hương được coi là hiệu quả khi nó khơi gợi được đúng cảm xúc cho khách hàng, giả dụ như thư thái, an toàn hay thanh lịch… Dawn Goldworm, đồng sáng lập công ty xây dựng thương hiệu khứu giác 12.19 cho biết đó là những gì hãng đã làm khi tạo ra mùi hương “độc quyền” cho một trong những khách hàng ngân hàng lớn của mình.
Thật vậy, giữa mùi hương và cảm xúc có một mối quan hệ mật thiết. Theo Goldworn: “Người Mỹ thích mùi hương mặn mà của muối, ẩm ướt của gió biển vì nó gợi ra hình ảnh của bãi biển rộng lớn, không gian thoáng đãng và cảm giác tự do. Người Mỹ sinh trước năm 1940 thường thích hương gỗ mộc mạc, còn thế hệ sinh sau năm 1940 thì ưa mùi hương tổng hợp, mùi hương hoa quả giống gắn liền với những thứ làm nên tuổi thơ của họ như mùi đất nặn, sáp màu hay mùi cỏ. Nói chung là phải phụ thuộc vào khách hàng”.
Dưới đây là một số cảm xúc được tạo ra bởi những mùi hương khác nhau:
· Mùi vani và hổ phách đem lại cảm giác ấm cúng, thư thái, có đôi khi phảng phất hoài niệm.
· Hương cam chanh gợi cảm giác lạc quan, hạnh phúc.
· Mùi da và thuốc lá tạo cảm giác sang trọng, tin cậy.
· Hương thảo và bạc hà khiến người ta tỉnh táo, phấn chấn, nhận thức sắc bén và làm việc nhanh nhạy hơn.
“Mắt thấy, tai nghe” thôi chưa đủ, “mũi ngửi, miệng nếm” nữa mới xong
Những tên tuổi tiên phong trong việc dùng hương thơm để marketing của giới tài chính bao gồm Ocean Bank ở Floria, Helm Bank, National Australia Bank, China Merchant’s Bank, Bank Leumi, và Velocity Credit Union ở Texas.
“Ocean Bank chọn một loại nước hoa cao cấp bắt đầu với mùi quýt ngọt lịm, hương vị trong lành mát mẻ và cuối cùng là lục đậu khấu, đi kèm với tiêu đen và xạ hương”, Dublino cho biết.
Helm Bank (Mỹ) khi tái thương hiệu cũng sử dụng đến mùi hương của rêu sồi, bạc hà và thoang thoảng hương thơm của sô cô la. Theo Dublino, nhờ đổi mới logo, màu sắc và thương hiệu âm thanh, lợi nhuận cũng như lượng tài khoản người dùng của Helm Bank đã tăng gấp đôi. Sự hài lòng của khách hàng tăng thêm 20%, lên tới 90%.
Nhưng dĩ nhiên không phải công ty tài chính nào cũng thích dùng việc đánh vào khứu giác để marketing. Có những công ty như First Bank ở Georgia, Mỹ lại thích đánh vào “cái bụng” bằng cách lắp đặt máy bán bỏng ngô trong chi nhánh để khách đến đây cảm thấy được hoan nghênh.

Theo Trí Thức Trẻ/Businessweek