Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao và hoạt động kinh doanh của họ sẽ khó khăn nếu như chịu mức lãi suất như hiện nay trong dài hạn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2013, NHNN đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND. Từ cuối tháng 6 cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Với các giải pháp trên kết hợp với điều hành linh hoạt cung ứng tiền, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Tại thời điểm cuối năm, lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ còn 7 – 9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 – 10,5%/năm ở khối NHTM Nhà nước và 9,5-11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Dẫu vậy, một báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) khảo sát công bố ngày 25/12 lại cho thấy, vẫn nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn vì lãi suất còn cao và khẳng định sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất hiện nay trong dài hạn.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 34,8% doanh nghiệp không vay vốn trong năm 2013, trong đó 40,5% doanh nghiệp trả lời vì lãi suất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi; 21,1% cho rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác. Chỉ có 2,7% là do đang có nợ xấu nên không vay được vốn.
Còn kết quả khảo sát thực hiện trong tháng 12/2013 thì cho thấy, có tới 32,7% số doanh nghiệp phải vay ở mức lãi suất trên 12%. Có 63,3% số doanh nghiệp cho biết sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất này trong dài hạn.
Theo Trí Thức Trẻ