Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết 102 giống lúa được phổ biến là quá nhiều, chỉ cần ít giống nhưng giá trị cao, năng suất ổn định.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về chính sách tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ nông dân sản xuất, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về giống. Những năm qua, Bộ đã giúp dân chọn 102 giống lúa được phổ biến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Tới nay tôi thấy con số này là quá nhiều. ĐBSCL cần ít giống hơn, có năng suất cao và ổn định. Tôi đã đặt các viện nghiên cứu những giống lúa có giá trị cao, năng suất ổn định, có loại giá trị 800 USD/tấn”.
Tiếp tục các hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Thủ tướng đã ký quyết định hỗ trợ nông dân mua máy móc, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp; Thúc đẩy kinh doanh lúa gạo bền vững, có khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phải tổ chức lại sản xuất. Đa phần nông dân sản xuất lúa manh mún, đã đến lúc DN phải liên kết với nông dân. Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang là một bài toán hiệu quả. Mô hình cánh đồng lớn không chỉ áp dụng trong sản xuất lúa gạo mà đang thí điểm nhân diện rộng với các loại sản phẩm khác. Vừa qua, Thủ tướng ban hành ký quyết định về cánh đồng mẫu lớn.
Về thu mua lúa gạo tạm trữ, Bộ trưởng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. “Có đại biểu hỏi tại sao chúng ta lại cứ phải sử dụng giải pháp tình thế. Không phải năm nào cũng sử dụng giải pháp này. Mà chỉ khi nào người trồng lúa không đảm bảo có lãi 30% như mục tiêu đã đề ra thì mới sử dụng để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu. Giải pháp này đã thành công trong vụ hè thu vừa qua, có lúc mức giá hỗ trợ lên tới 800 đồng/kg lúa”.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sản xuất lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phải triển khai xây dựng giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát qui hoạch vùng trồng lúa.
“Chúng ta có lợi thế về lúa nước nhưng không có nghĩa trồng lúa ở mọi nơi mà nên tập trung vào vùng ĐBSCL, Sông Hồng. Còn những vùng ven đất cát, miền Trung, phải bơm nước thì không nên. Nên tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi. Thủ tướng đã ký ban hành hướng dẫn nhân dân chuyển đổi đất lúa”./.
Theo VOV