Đa ngành có phải là bẫy?

Năng lực cốt lõi chính là gốc rễ của việc phát triển kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành.

Khủng hoảng kinh tế đòi hỏi các DN quay trở lại với những giá trị cốt lõi của mình, tuy nhiên, nhìn nhận như thế nào cho hợp lý về kinh doanh đa ngành hay quay lại với kinh doanh cốt lõi vẫn đang gây ra những bàn thảo trái chiều trong dư luận mà một kết luận mở còn để ngỏ.
Việc dễ dàng huy động vốn trước đây khiến DN đầu tư tràn lan vào ngân hàng, bất động sản hoặc cổ phiếu…
Tác động nhân quả giữa sức khỏe kinh tế VN và hoạt động đa ngành vẫn còn là dấu hỏi. Tình hình vĩ mô kém dẫn đến sự không hiệu quả của tập đoàn đa ngành, hay chính các tập đoàn đa ngành đã khiến cho điều kiện vĩ mô của VN kém đi? Nói cách khác là do lỗi mô hình hay lỗi hệ thống?

Thất bại vì ảo tưởng vào giải cứu
TS Võ Trí Thành nhận định: Chính việc thi hành chính sách “đồng tiền dễ dãi” của Chính phủ trong nhiều năm và lấy chỉ số tăng trưởng làm thước đo gần như duy nhất cho nền kinh tế đã thúc đẩy hoạt động đa ngành nhiều hơn. Giá các loại tài sản trên thị trường tài chính tăng giá chóng mặt. Đi kèm với đó là việc dễ dàng huy động vốn và đầu tư tràn lan vào ngân hàng, bất động sản hoặc cổ phiếu. Thừa tiền, kết quả tất yếu là DN luôn nỗ lực tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới để bỏ vốn.
Theo ông Dominic Scriven – Tổng giám đốc Dragon Capital, những định kiến về sự thất bại của kinh doanh đa ngành trên thế giới và VN chủ yếu do dựa vào các mối quan hệ chính trị; trả giá quá cao cho việc đi thâu tóm các Cty; chần chừ trong việc cắt bỏ các khoản đầu tư kém hiệu quả; thiếu một chiến lược xuyên suốt bền vững; và quản trị DN yếu.
Trên thực tế các Cty đa ngành ở VN dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng để tồn tại và hoạt động. Khi nguồn vốn rẻ bị cắt (các ngân hàng giảm tăng trưởng tín dụng, lãi suất vọt lên), giá tài sản giảm mạnh lẽ ra họ phải nhanh chóng quyết định thoát khỏi ngõ cụt. Thay vào đó họ vẫn nuôi hy vọng như kinh tế sắp phục hồi, Nhà nước sẽ can thiệp, mà những ảo tưởng về việc Chính phủ sẽ có các biện pháp cứu chứng khoán, cứu bất động sản như vừa qua là một ví dụ điển hình. Cho đến khi họ nhận ra rằng tái cơ cấu kinh tế là quãng đường dài và Nhà nước sẽ chẳng có chương trình giải cứu nào, thì họ bắt tay vào giảm nợ.
Quan sát kỹ lưỡng cho thấy một tỷ lệ không nhỏ DN đã nỗ lực bằng mọi cách giảm nợ vay qua việc thu hẹp quy mô đầu tư, bán tài sản, cắt bỏ mảng kinh doanh không có doanh thu… Đây là một trong những lý do vì sao tín dụng năm nay tăng trưởng khá thấp. Một phần vì ngân hàng thắt chặt cho vay, phần khác DN không còn muốn sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đâu phải bởi “đơn, đa”
Liệu đầu tư đa ngành có phải là một cái bẫy? 
Kinh doanh cốt lõi của Cty cổ phần cơ điện lạnh (REE) là sản xuất, phân phối, cung ứng thiết bị điện lạnh cho các công trình dân dụng và tiêu dùng. Nhưng từ nhiều năm nay REE đã lấn sân sang kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và ngay cả trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, Cty vẫn có lời.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị REE cho biết: “Chúng tôi không thấy kinh doanh đa ngành là xấu, là mô hình thất bại. Vấn đề là bản lĩnh, năng lực và tầm nhìn của DN”.
Để chứng minh cho điều này, hiện tại REE tiếp tục rót vốn mua cổ phần các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy nước và chuẩn bị thành lập Cty con chuyên về năng lượng.
“Trong bão, các DN, các tài sản được định giá rẻ. REE tìm mua DN giá rẻ và đợi khi bão đi qua để bán được giá cao” – bà Mai Thanh cho biết.
Đụng chạm đến đa ngành, không ít DN thẳng thắn cho rằng, có cơ hội là phải chớp lấy. Họ cho rằng kinh doanh cốt lõi không có nghĩa là phải cố định vào một nghề bắt buộc. Quan trọng là kinh doanh làm sao có hiệu quả. Một số DN thất bại trong đa ngành cần phải xem lại năng lực quản trị, điều hành, tư duy, đặc biệt là năng lực cốt lõi chứ không phải đổ lỗi cho đơn ngành, đa ngành.

Năng lực cốt lõi
Theo các chuyên gia, DN phát triển bền vững, dù đa ngành hay đơn ngành đều phải có năng lực cốt lõi. Và sự phát triển của các thương hiệu lớn, đôi khi cũng xuất phát từ việc thay đổi năng lực cối lõi để bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội.
Yamaha là nhãn hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhạc cụ. Bên cạnh đó, Yamaha còn nổi tiếng về xe máy lớn thứ hai trên thế giới. Hai ngành nghề này chẳng liên qua gì nhau, từ khách hàng mục tiêu đến công nghệ sản xuất. Ngoài ra, người ta còn thấy Yamaha kinh doanh cả sân golf, xe trượt tuyết, động cơ nổ…
Năng lực cốt lõi chính là gốc rễ của việc phát triển kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành.

DN VN đã có năng lực lõi chưa? Trong bối cảnh toàn cầu hóa, năng lực cốt lõi không thể chỉ xét trong mối tương quan chỉ ở sân chơi trong nước (đối thủ cạnh tranh trong nước). Năng lực cốt lõi phải được xem xét trong mối tương quan với thị trường quốc tế (đối thủ cạnh tranh quốc tế). FPT là doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Nhưng mỗi năm, FPT xuất khẩu được bao nhiêu giá trị phần mềm hoặc có bao nhiêu phần mềm thương mại hóa và nằm ở đâu trên bản đồ phần mềm thế giới? Rộng hơn, thế giới có nhu cầu mua sản phẩm về công nghệ thông tin VN? VN có phải là quốc gia hàng đầu trong lựa chọn mua dịch vụ IT của thế giới không? Vậy, FPT có năng lực cốt lõi IT chưa? Vinamilk là DN hàng đầu về sản xuất sữa ở VN. Phải chăng năng lực cốt lõi của Vinamilk là sản xuất sữa? Chưa hẳn. Giá thành sữa của Vinamilk so với thế giới thế nào? Mức độ đa dạng về sản phẩm, các nghiên cứu cơ bản từ giống, nguồn nguyên liệu sữa, ảnh hưởng của sữa và chế phẩm từ sữa đến sức khỏe con người ở từng độ tuổi khác nhau như thế nào? Có bao nhiêu sản phẩm mới ra đời từ những nghiên cứu của Vinamilk hàng năm?

Các DN VN, kể cả các DN hàng đầu như Kinh Đô, Vinamilk, FPT, Vietcombank, Sài Gòn Coop hay REE có quy mô còn nhỏ bé so với các đối thủ cạnh tranh, và năng lực cốt lỗi mới chỉ là bắt đầu hình thành. Vì thế, rủi ro khi các DN kinh doanh đa ngành cao hơn các DN nước ngoài đã khẳng định được năng lực cốt lõi.
Tuy nhiên, năng lực cốt lõi của DN còn phụ thuộc vào môi trường, vào điều kiện cơ chế, chính sách cụ thể từng thời kỳ.
TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế không thể không nhắc đến DN ngoài quốc doanh bởi đây là lực lượng rất quan trọng, chiếm tới 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu không có những chính sách cụ thể đối với lực lượng này thì sẽ rất khó khăn cho quá trình tái cấu trúc của các DN ngoài quốc doanh.
Và như vậy, trong lúc này, ổn định vĩ mô, bình đẳng, minh bạch, cơ chế phù hợp… có lẽ sẽ là một trong những nền tảng giúp DN tạo ra và phát triển năng lực cốt lõi của mình!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp