Về mặt giá cả, báo cáo cho biết tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã khiến giá cả tăng lên, các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng giá bán lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay.
Hôm nay, ngày 2/11/2013, HSBC đã công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 10/2013.
Báo cáo cho thấy, môi trường kinh tế cải thiện đã thúc đẩy sản lượng và đơn đặt hàng mới trong tháng 10/2013. Kết quả PMI tháng thứ 10 của Việt Nam vẫn duy trì mức điểm 51,5, bằng với mức kỷ lục tháng 9 vừa qua.
Sau 4 tháng suy giảm, các điều kiện sản xuất nói chung liên tục được cải thiện, sản lượng sản xuất tăng là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy PMI đạt chỉ số khá cao như vậy.
Một điểm lạc quan nữa, theo dữ liệu mới nhất, lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.
Trong tháng 10, trước tình hình đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng, các doanh nghiệp đã phải tăng số lượng nhân công trong tháng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng nhân công khá nhẹ và thấp hơn so với mức tăng kỷ lục của tháng 9 vừa qua.
Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng và tồn kho hàng hóa đầu vào lần đầu tiên tăng kể từ tháng 11/2011. Các nhà sản xuất cho rằng tăng trưởng có được là nhờ vào những nỗ lực đáp ứng mức tăng hiện tại, và họ đồng thời kỳ vọng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng trong những tháng tới.
Về mặt giá cả, báo cáo cho biết tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã khiến giá cả tăng lên. Chi phí đầu vào vì vậy tiếp tục tăng với tốc độ đáng kể. Trước tình hình chi phí đầu vào trung bình tiếp tục tăng, các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng giá bán lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay.
Chuyên viên HSBC nhận định, kết quả chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang dần ổn định. Hoạt động kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI ổn định.
Theo Trí Thức Trẻ/HSBC