Tình hình xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) đang gặp khó do nhiều thị trường giảm đơn đặt hàng, giá nguyên phụ liệu tăng và tư duy “ăn xổi’ của một số doanh nghiệp xuất khẩu (XK) ngành hàng này.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcrart), kim ngạch XK TCMN 9 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, sự tăng trưởng này lại không phản ánh đúng thực trạng của các DN trong ngành khi lợi nhuận của DN 9 tháng đầu năm đã giảm trung bình tới 10%.
Ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Vietcrart – cho biết, nếu nhìn vào bức tranh XK của ngành TCMN từ năm 2000 trở lại đây sẽ thấy sự “đi xuống” rõ rệt. Giai đoạn 2000- 2009, tuy kim ngạch đạt được không cao nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt trên 12%/năm, có những năm đạt tới 17-18%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, mặc dù kim ngạch vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng XK của ngành lại giảm mạnh, chỉ còn ở mức bình quân 6%/năm.
Cũng theo ông Ngọc, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng XK chắc chắn không phải do thiếu khách hàng, bởi 3 năm trở lại đây, các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, EU sang Việt Nam khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tại sản xuất trong nước khó khăn, chi phí đầu vào ngày một tăng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm ngày một giảm.
TS. Tôn Gia Hóa- Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam – cho rằng, những vấn đề các DN sản xuất TCMN đang gặp phải không phải là mới mà là những khó khăn cố hữu của ngành. Đặc biệt là do tâm lý “ăn xổi”, thiếu sự đầu tư đúng mức về công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm, các DN trong ngành vẫn chấp nhận làm hàng giá rẻ, lấy công làm lãi. Trước sự biến động của thị trường và “xử ép” của khách hàng các DN không thể tránh khỏi bất lợi. Số liệu thống kê của Vietcraft cho thấy, 2 năm qua, có đến 30% DN trong ngành rơi vào tình trạng sản xuất không có lãi, buộc phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất.
Với vai trò “bà đỡ” cho DN, bà Đào Thu Vịnh- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – khẳng định, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khơi thông thị trường. Trước hết là hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường XK, tăng lượng bán hàng. Sở Công Thương Hà Nội nâng cao vai trò cầu nối thiết lập và củng cố mối liên hệ giữa các DN sản xuất và DN phân phối nhằm đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ hàng hóa.
Ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Vietcrart:
Để hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch XK của ngành TCMN Việt Nam hết năm 2013 đạt khoảng 1,5- 1,6 tỷ USD, các DN phải bỏ tư duy ăn xổi, đầu tư công nghệ cho sản xuất và tập trung vào sản phẩm cũng như phân khúc mục tiêu. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất theo hướng kết hợp giữa công nghệ và sản xuất thủ công, để vừa tăng năng suất mà vẫn đảm bảo được sự tinh tế, độc đáo của sản phẩm…
Theo Báo công thương