“Muốn điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng thì người đứng đầu doanh nghiệp cũng giống như nhà binh trong thời buổi chiến tranh phải khôn khéo, quyết liệt và dũng cảm” – Đó là chia sẻ của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
– Thưa Thượng tướng, được biết ông là tác giả phương châm “Bốn tại chỗ” đã được triển khai và ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Vậy xuất phát từ đâu mà ông đưa ra phương châm này?
Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, trải qua những cuộc chiến khốc liệt, tôi đã đúc kết được kinh nghiệm từ việc chiến đấu trên chiến trường, đặc biệt những cuộc chiến đấu trong thời bình với thiên tai, bão lũ và sau trận lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung. Qua nhiều năm công tác, được Chính phủ và Bộ Quốc phòng phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tôi đã đề xuất phương châm “Bốn tại chỗ” để áp dụng trong việc phòng chống thiên tai, lũ lụt. Hàng năm, nước ta thường xảy ra từ 6 đến 10 trận bão gây thiệt hại nhiều về người và của. Phương châm này đã được áp dụng rộng rãi trong các cuộc phòng chống thiên tai và mang lại được nhiều hiệu quả to lớn. Gần đây, nhất là cơn bão số 10 vừa qua cũng đã thực hiện triển khai phương châm “Bốn tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão số 10 gây nên. Phương châm “Bốn tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
– Vậy cụ thể của phương châm “Bốn tại chỗ” là gì, thưa ông ?
Thứ nhất, đó là yếu tố chỉ huy tại chỗ: Trong thiên tai, người chỉ huy phải bám vào phương án đã xây dựng để ra quyết định tại chỗ theo tình hình thực tế và dưới sự chỉ đạo của cấp trên; Theo dõi sát sao tình hình thiên tai, các hộ dân, cơ sở sản xuất. Trong diện gặp nguy hiểm cần cứu nạn hoặc di dời khẩn cấp; Chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tiếp tục bám trụ tại địa bàn, giúp dân chằng chống nhà cửa…; Tham gia sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tham gia cứu người, tài sản, cứu hộ các công trình phòng chống lụt bão đang bị sự cố…; Chủ động phối kết hợp chặt chẽ với cấp trên, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn; Chỉ đạo cung cấp lượng thực, thuốc men, chăn màn quần áo cho dân tại điểm sơ tán.
Thứ hai, đó là yếu tố lực lượng tại chỗ: Các đội thanh niên xung kích, dân quân, các tổ nhóm tự quản tích cực hỗ trợ nhân dân đối phó với thiên tai; Các lực lượng chuyên trách như: điện lực, cung cấp nước, trường học, y tế, thông tin liên lạc thực hiện các phương án cụ thể đối phó với tình huống thiên tai của ngành mình; Cung cấp đủ lực lượng hỗ trợ dân, di dời đến nơi an toàn; Tiếp tục tuần tra, canh gác tại các điểm xung yếu trên địa bàn; Trong trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp thì tích cực đối phó, hỗ trợ nhân dân.
Thứ ba, đó là yếu tố phương tiện tại chỗ: Huy động trưng thu, trưng dụng các phương tiện, vật tư đã lên danh sách từ trước; Cung cấp các phương tiện cần thiết cho các lực lượng tại chỗ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
Thứ tư, đó là yếu tố hậu cần tại chỗ: Phân bổ lương thực thuốc men và các vật dụng gia đình cần thiết cho các hộ dân tại các điểm sơ tán; Tiếp tục theo dõi nắm tình hình số hộ cần cứu trợ khẩn cấp, nhu cầu thiết yếu của người dân còn bám trụ tại địa bàn cũng như đang tạm cư tại các điểm sơ tán.
– Được biết, phương châm “Bốn tại chỗ” không chỉ áp dụng trong việc phòng chống thiên tai, mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt giúp doanh nghiệp vượt khó trong thời điểm hiện nay. Để áp dụng phương châm này trong phát triển doanh nghiệp thì cần phải hiểu và triển khai thực hiện thế nào, thưa Thượng tướng?
Tư tưởng chủ đạo của phương châm “Bốn tại chỗ” là “dựa vào sức mình là chính”. Các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay cũng giống như nhà binh trong thời buổi chiến tranh phải khôn khéo, quyết liệt, dũng cảm. Lúc còn chiến tranh, để đánh thắng được kẻ thù thì phải có lực lượng tại chỗ, có hậu cần tại chỗ, có chỉ huy tại chỗ, và có phương tiện tại chỗ để đánh phục kích. Còn khi thiên tai xảy ra thì gió to, bão lớn, nước dâng cao. Vào những hoàn cảnh này, thực tế máy bay cũng không bay được, tàu đi trên biển cũng rất khó khăn, không thể chờ máy bay đến cứu được. Muốn vượt qua được thiên tai, lũ lụt phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của cả dân tộc. Quân đội chỉ là nòng cốt, khi có thảm họa thiên tai thì huy động máy bay, tàu chiến của quân đội cứu trợ, còn nhân dân phải chủ động, nỗ lực bản thân ứng phó.
Đối với doanh nghiệp, Thứ nhất, yếu tố chỉ huy tại chỗ thì lãnh đạo phải là người thủ lĩnh tài giỏi và có sự quyết đoán, luôn xây dựng được các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho doanh nghiệp. Đưa ra được các biện pháp tối ưu nhất nhằm đối phó giải quyết với các cuộc khủng hoảng xảy ra, phải biết vận dụng và sáng tạo ra những cách làm mới. Hơn nữa, với công tác chỉ huy tại chỗ đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải luôn sâu sát với thực tế, phải cụ thể tỉ mỉ. Càng sâu sát, càng cụ thể càng hạn chế được những tổn thất và có nhiều cách làm sáng tạo.
Thứ hai, yếu tố lực lượng tại chỗ là những nguồn nhân lực chính đang làm việc tại doanh nghiệp. Cần có những cách thức phát huy tính sáng tạo của nhân viên, phải huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của mọi nhân lực trong chính doanh nghiệp.
Thứ ba, yếu tố phương tiện tại chỗ là những phương tiện hiện có của doanh nghiệp, những yếu tố cơ sở vật chất, công nghệ… Cần phải tận dụng tối đa các cơ sở vật chất hiện tại và phải biết kết hợp với các yếu tố phương tiện bên ngoài một cách hợp lý. Phải sử dụng đúng mục đích, đúng thời điểm thì mới có giá trị và mang lại hiệu quả cao.
Thứ tư, yếu tố hậu cần là những cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ cho nhân viên. Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc cho nhân viên, đảm bảo được cuộc sống cho người lao động, như vậy họ mới yên tâm phát huy được hết năng lực, sự sáng tạo của bản thân cống hiến cho doanh nghiệp. Phải quan tâm đến vấn đề con người để phục vụ con người.
– Vậy theo ông, nếu doanh nghiệp vận dụng phương châm “Bốn tại chỗ” trong thời điểm khó khăn hiện nay sẽ mang lại kết quả gì?
Kết quả phòng chống thiên tai ở các địa phương đã chứng minh rằng, nơi nào chuẩn bị và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, nơi ấy giảm thiểu đáng kể những thiệt hại về người và tài sản trong các cuộc bão lớn. Đối với doanh nghiệp, việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” sẽ phát huy được tiềm năng trí tuệ, nâng cao năng lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và mang lại được nhiều hiệu quả kinh tế.
Nhận thấy được những hiệu quả to lớn của việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” trong các cuộc phòng chống thiên tai, đã có một số doanh nghiệp áp dụng thành công phương châm “Bốn tại chỗ” vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa phổ biến trên diện rộng. Đơn cử, một trong những doanh nghiệp ứng dụng thành công phương châm này trong hoạt động sản xuất kinh doanh đó là Công ty TNHH sản xuất vật liệu Composite. Mặc dù trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp này vẫn luôn phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt 30%/năm”.
Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp nên vận dụng phương châm “Bốn tại chỗ” hơn nữa trong hoạt động kinh doanh để phát huy một cách hữu ích và có hiệu quả. Các doanh nghiệp bây giờ cũng đừng nên chờ đợi Chính phủ, nếu cứ chờ Chính phủ, chờ viện trợ nước ngoài thì không ai làm được việc gì, mà phải tự mình phát huy sức mạnh nội lực của chính bản thân, phải tự thân vận động. Mình phải làm chủ thì mới quyết định vận mệnh của mình được. Từng doanh nghiệp nếu không chủ động thì không thể giải quyết hết được những vấn đề nóng, những khó khăn đang chồng chất. Tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu phát huy được tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
– Xin cảm ơn Thượng tướng.
Là một vị tướng nhưng ông lại có phong cách giản dị, luôn sống chan hòa với tất cả mọi người. Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, ông đã đưa ra phương châm “Bốn tại chỗ” không chỉ áp dụng trong việc phòng chống thiên tai mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt giúp doanh nghiệp “vượt cạn” trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay.
Phương châm “Bốn tại chỗ” được vận dụng vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong thời chiến, với thành công lớn của 67 trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, ông đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trở lại với thời bình, ông có nhiều cống hiến góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Hiện nay, ông là Viện sĩ viện Hàn Lâm Khoa học quân sự liên bang Nga (Nghệ thuật chiến tranh) và tiếp tục cống hiến cho Khoa học quân sự, cho môi trường và nhân đạo…
|
Theo DĐDN