Không thể phủ nhận vai trò của thương lái trong việc thu mua nông sản

Thương lái là 1 thành phần kinh tế. Trong kết quả đạt được về việc thực hiện chính sách an ninh lương thực có đóng góp không nhỏ của thương lái.

Phiên họp Quốc hội ngày 31/10/2013 khá nóng với những vấn đề về tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam, xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và các chính sách trong khâu quản lý hoạt động mua bán nông sản. Nhiều ý kiến và giải pháp đề cập về việc quyền lợi kinh tế trong hoạt động mua bán nông sản gần như thuộc về thương lái, còn người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là bị thu mua nông sản với giá rất thấp.
Trả lời cho những ý kiến này, Bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu:
“Thương lái là 1 thành phần kinh tế. Trong kết quả đạt được về việc thực hiện chính sách an ninh lương thực có đóng góp không nhỏ của thương lái. Chính sách hiện nay là chủ trương bình đẳng với các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, bà con nông dân ở khu vực miền Tây Nam Bộ với tập quán kinh doanh là trữ lúa gạo tại khu vực sản xuất (ngay tại đồng lúa), ít khi có trường hợp gặt hái rồi tập trung tại kho bãi nên việc tiêu thụ phải trông vào thương lái trong khi DN có đủ điều kiện để vươn tới các ngõ ngách.
Do đó không thể phủ nhận vai trò của thương lái. Vấn đề là làm sao duy trì vai trò tích cực của đối tượng này đồng thời để những ưu đãi trong chính sách của Chính phủ đến được với người nông dân.”
Bộ trưởng cũng điểm lại những nỗ lực của Chính phủ cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Về việc tiêu thụ lúa gạo trong xuất khẩu cho nông dân, đặc biệt là ĐBSCL, Chính phủ đã giao cho Bộ công thương, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính, NHNN rà soát lại bất cập trong NĐ 109. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo đối với vấn đề quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo theo tinh thần tạo điều kiện cho DN đáp ứng được tiêu chí trong kinh doanh XK gạo có thể tiếp cận thị trường XK và nông dân tham gia quá trình này.
Với tinh thần của NĐ 109, Chính phủ khuyến khích DN mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia XK gạo nếu đáp ứng đủ điều kiện. Những DN 2 năm liền XK không đủ sản lượng tối thiểu 10.000 tấn/năm sẽ bị rút giấy phép. DN có hợp đồng dài hạn trong tiêu thụ lúa gạo đối với bà con nông dân được đặc biệt ưu tiên.
Trong hoạt động tìm kiếm thị trường, Chính phủ đã nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là lúa gạo và trái cây khác bằng việc thúc đẩy ký kết các hiệp định CP về XK lúa gạo. Thời gian qua đã ký hợp đồng gia hạn XK gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia 1,5 triệu tấn/năm, Philipin cũng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Các hợp đồng “Chính phủ” này bình quân có thể tiêu thụ được 50% sản lượng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, tức khoảng 3,5 – 4 triệu tấn gạo.
Chính phủ cũng đã thúc đẩy đàm phán hiệp định tự do, tập trung vào 3 Hiệp định lớn: Hiệp định liên minh châu Âu, TPP, HĐ liên minh hải quan với liên bang Nga, kazăcxtan. 3 hiệp định quan trọng này có thể kết thúc được trong năm 2014 tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc các nước thực hiện rào cản thương mại với Việt Nam. Ví dụ như điều tra chống bán phá giá mà gần đây nhất là vụ Hoa kỳ điều tra thuế chống trợ đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh. Mỹ đã tuyên bố không áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm này. Qua quyết định đó, kim ngạch XK tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam qua Mỹ đã tăng hàng trăm triệu USD.

Theo Trí Thức Trẻ