Viễn thông và phần mềm đóng góp tới gần 60% lợi nhuận của FPT

Kết thúc 9 tháng đầu năm, tập đoàn FPT công bố đạt 1.839 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84 tỷ, tương ứng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng giữa các mảng kinh doanh của tập đoàn này có sự phân hóa khá mạnh.
– Mảng viễn thông với nòng cốt là FPT Telecom đạt 659 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp hơn 1/3 tổng lợi nhuận của tập đoàn và tăng trưởng 24% so với cùng kỳ. Đây luôn là bộ phận đóng góp nhiều nhất vào tổng lợi nhuận và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
– Mức tăng trưởng cao nhất thuộc về mảng phần mềm (nòng cốt là FPT Software), tăng trưởng 28%. Phần mềm đã vượt qua thương mại để trở thành bộ phận đóng góp nhiều thứ 2 vào tổng lợi nhuận.
– Mảng tích hợp hệ thống (nòng cốt là FPT IS) tuy tăng 25% về doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ tăng 9%. Đây là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng khi các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin.
– Lĩnh vực thương mại (FPT Trading và FPT Retail) ghi nhận doanh thu tăng gần 20%, tương ứng tăng 2.000 tỷ lên lên xấp xỉ 12.400 tỷ đồng. Lĩnh vực này hiện đóng góp 60% tổng doanh thu của tập đoàn. Mảng bán lẻ bao gồm 2 mảng chính là phân phối và bán lẻ; tuy nhiên FPT không công bố chi tiết kết quả của 2 mảng con này.

Hai mảng kinh doanh “buồn” nhất là Nội dung số và Giáo dục.
Từ năm 2013, mảng nội dung số do FPT Online phụ trách không còn kinh doanh thẻ cào điện thoại nên doanh thu bị giảm mạnh. Thẻ cào mang lại doanh thu cao nhưng lợi nhuận không đáng kể và chứa đựng nhiều rủi ro.
Vì vậy mà doanh thu của mảng này giảm ½ so với cùng kỳ, xuống còn 658 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng giảm tới 27% từ 175 tỷ xuống còn 128 tỷ đồng.
Lợi nhuận của nội dung số sụt giảm có thể do hoạt động kinh doanh game online vẫn chưa phục hồi sau khi giảm rất mạnh trong năm ngoái.
Mảng giáo dục ghi nhận doanh thu giảm 12% và lợi nhuận giảm tới 37%.

Theo Trí Thức Trẻ