Sáng nay (29/10/2013), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính thế giới (IFC) đã tổ chức công bố báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2014.
Bản báo cáo xếp Việt Nam thứ 99 về môi trường kinh doanh trên tổng số 189 nền kinh tế thế giới. Đây là thứ hạng thấp nhất kể từ năm 2006.
Dù đã thực hiện tới 21 cải cách kể từ năm 2005 – nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – nhưng xếp hạng của Việt Nam “vẫn dậm chân tại chỗ”. Trong đó, cải cách trong lĩnh vực thuế còn bị đánh giá là gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
“Việt Nam vẫn cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước”, bà Wendy Werner, đại diện của IFC, nhận định.
Báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, Việt Nam đã có các biện pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho Doanh nghiệp Nhà nước.
Trong khi Việt Nam cải cách nhiều nhưng không tạo đột biến, các quốc gia trong khu vực lại đang được WB đánh giá rất cao.
Philippines là một trong 10 nền kinh tế tiến bộ nhất trên thế giới trong cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Chính phủ Philipines đã thực hiện cải cách pháp lý trong ba lĩnh vực quan trọng là thuế, giải phóng đất đai và vay vốn.
Myanmar, quốc gia lần đầu tiên được WB thống kê, cũng cho thấy nỗ lực cải thiện các quy định kinh doanh, thông qua việc gỡ bỏ những trở ngại trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp.
Malaysia năm nay còn góp mặt trong số 10 nền kinh tế có môi trường thể chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cùng với Singapore, Hồng Kông và các quốc gia phát triển khác.
Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 là báo cáo thường niên do Ngân hàng Thế giới và IFC công bố, đánh giá thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ số của 189 nền kinh tế. Đây là năm thứ 11 báo cáo này được công bố.
Theo Trí Thức Trẻ