Thời gian qua, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành đã “nhấp nhổm” tăng mạnh, như bất động sản (BĐS), thuỷ sản, dệt may hay vận tải biển…
Phần lớn những nhóm ngành này đều có thông tin hỗ trợ, như thủy sản thì doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm và cá tra đang có những tín hiệu khả quan, BĐS xuống đáy có khả năng khởi sắc, còn dệt may sẽ hưởng lợi khi giảm thuế.
Các “sóng” ngành sôi động xen kẽ với nhau và cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về thị trường đang diễn biến như thế nào. Đặc trưng của sóng ngành là nó được tạo nên bởi sự tăng giá đột ngột của các cổ phiếu trong ngành đó, kèm theo tăng đột biến khối lượng giao dịch – biểu hiện của dòng tiền đổ vào ngành.
Nhận biết các “sóng” ngành tăng
Trước khi tăng trưởng, “sóng” ngành cũng trải qua thời kỳ tích lũy, thường được biểu hiện bởi khối lượng giao dịch tăng dần và giá đi ngang. Khi kết thúc, “sóng” ngành có thể phản ánh thời kỳ phân phối: khối lượng giao dịch sau khi tăng đột biến chuyển sang giảm dần, giá không tăng lên được nữa.
Tuy nhiên, “sóng” ngành có thể lại trỗi dậy khi có đủ thông tin hỗ trợ. “Sóng” các ngành thường chỉ bắt đầu khi 2 điều kiện cơ bản được đáp ứng sự tăng trưởng thuận lợi của VN-Index, hoặc kỳ vọng VN-Index sẽ tăng ổn định (tuy nhiên, yếu tố này sẽ không tác động đến các ngành mang tính dẫn dắt thị trường) và có các tin tốt hỗ trợ cho ngành đó.
Một điều đáng lưu ý là “sóng” ngành có thể diễn ra song song, hoặc trước, hoặc chậm hơn so với tăng trưởng của VN-Index. Một số ngành có tính chất “dẫn dắt” VN-Index trong khi một số ngành khác “ăn theo”, đi sau. Một số ngành có thể có “sóng” gần như kết thúc cho dù VN-Index vẫn còn tiếp tục tăng.
Nhìn chung, “sóng” ngành thường được quan tâm ở một số góc độ. Thứ nhất là cường độ của “sóng”: mức độ tăng giá cao hơn, thấp hơn hay tương đương so với VN-Index. Hơn nữa, mức độ tăng trưởng của khối lượng giao dịch, phản ánh độ lớn của dòng tiền đổ vào khiến cho “sóng” ngành diễn ra dài hay ngắn, có lặp lại hay không.
Mỗi nhóm ngành đều có những cổ phiếu có đặc điểm dẫn dắt ngành đó, nên khi “sóng” ngành bắt đầu, những cổ phiếu này sẽ tăng trưởng đầu tiên. Các cổ phiếu này tăng mạnh kéo theo các cổ phiếu khác trong ngành tăng theo.
Theo các chuyên gia, đây là thời cơ thích hợp để xúc tiến đầu tư vào những nhóm ngành có triển vọng phát triển ổn định. Vì vậy, việc tìm kiếm cổ phiếu tốt đầu tư nên được quan tâm khi đã mức tăng ấn tượng trở lại.
Các doanh nghiệp niêm yết dù không có lợi nhuận đột biến, nhưng đang có kết quả kinh doanh khá ổn định, nên xứng đáng có mức giá cao hơn. Trong đó, nhóm BĐS bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường đóng băng, nhưng với gói kích thích, hỗ trợ thị trường, nhiều khả năng sẽ ấm trở lại nên đã tăng giá khá ấn tượng.
Hơn nữa, dòng tiền đầu cơ tích cực tìm kiếm cổ phiếu có khả năng sinh lời để đánh lên và chấp nhận rủi ro cao đối với những cổ phiếu từng thua lỗ hoặc vừa thoát nạn cảnh báo để mua vào.
Thủy sản và gì nữa?
Qua phân tích nhóm ngành cổ phiếu thủy sản đang có nhiều thuận lợi. Trước đây, khi những mặt hàng cá tra, tôm kinh doanh thua lỗ kéo dài đã khiến diện tích và sản lượng nuôi trồng tại nhiều tỉnh ĐBSCL liên tiếp sụt giảm. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra và tôm trong những tháng cuối năm đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Việc thiếu hụt tôm nguyên liệu xuất khẩu rất khó khắc phục khi dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng tôm trong nước. Hơn nữa, sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu từ các thương lái nước ngoài và người nuôi tôm găm hàng chờ giá tăng cao hơn, khiến doanh nghiệp khó hoàn thành đơn hàng xuất khẩu.
Mặc dù gặp khó khăn ở những thị trường chính nhưng thị trường xuất khẩu cá tra vẫn được mở rộng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm (Chứng nhận quốc tế như ASC, Global GAP…) sẽ là trở ngại không nhỏ.
Mới đây, tín hiệu hoạt động xuất khẩu cá tra đã bắt đầu tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Triển vọng mặt hàng tôm khả quan hơn, khi sản lượng tôm nuôi của Thái Lan giảm mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm ở những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng cao. Đặc biệt, mặt hàng tôm Việt Nam đã thoát 2 “tròng” thuế khi xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế 0%.
Ngoài ra, nhiều khả năng, tỷ giá USD/VNĐ sẽ được nới rộng sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động xuất khẩu, nhất là những DN đã có hợp đồng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ khoản chênh lệch tỷ giá tăng thêm này.
Một nhóm ngành đặc biệt có tác động mạnh đến nền kinh tế, đó chính là BĐS. Chỉ cần giải quyết nợ xấu ổn thoả, BĐS được phá băng, nền kinh tế sôi động trở lại thì cổ phiếu nhóm ngành này sẽ có những đợt tăng giá ngoạn mục.
Trong nhịp hồi phục của thị trường, nhóm cổ phiếu BĐS, vận tải biển, một số cổ phiếu ngành Dầu khí và nhóm cổ phiếu dệt may có kỳ vọng hưởng lợi từ Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP) đã tăng giá khá mạnh. Ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu cơ bản tầm trung đa số không tăng giá nhiều sau quá trình tăng tốt ở nửa đầu năm.
Điều này cho thấy các dòng tiền nội chủ yếu vẫn là đầu cơ và hướng tới nhóm cổ phiếu đã giảm giá sâu nhằm đón “sóng” hồi phục. Những DN chứng khoán, dầu khí, săm lốp… sẽ có nhiều cơ hội tăng khi dòng tiền đầu cơ bắt đầu dịch chuyển mạnh mẽ.
Trên TTCK, dòng tiền tuy chưa thực sự mạnh và chỉ mang tính đầu cơ cao, thể hiện ở sự tăng giá của các nhóm cổ phiếu nhỏ. Hơn nữa, khối NĐT nước ngoài mua ròng trở lại dường như đang hỗ trợ tốt cho thị trường. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi những dòng tiền đầu tư thường ở lại với thị trường lâu hơn và mang những kỳ vọng cơ bản rõ rệt hơn và sẽ kéo dài thêm thời gian nữa.
Với nền tảng của một chu kỳ mới của các dòng tiền ngoại và những chuyển biến tích cực của các nhóm ngành khác nhau, nên thị trường sẽ có “sóng” tập trung vào những cổ phiếu mới vượt qua khó khăn đang trong giai đoạn phục hồi.
Theo Thời báo kinh doanh