Đầu tư chứng chỉ quỹ: Nhận biết rõ thế mạnh đối tác

Đầu tư vào CCQ, NĐT đã gửi niềm tin vào giới chuyên nghiệp. Nhưng trên thực tế, hiệu quả hoạt động của đa số quỹ không đạt kỳ vọng.

Chỉ trong ít tuần gần đây, TTCK ghi nhận một loạt quỹ mở chào bán chứng chỉ quỹ (CCQ) ra công chúng, như trường hợp của Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED), Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược (VCBF – TBF), hay trường hợp Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) vừa được UBCKNN cấp phép thành lập quỹ mở có quy mô 1.000 tỷ đồng.
Sự chuyển đổi nêu trên, theo các chuyên gia, là tất yếu vì giải quyết được những hạn chế căn bản của quỹ đóng và tạo ra các sản phẩm đầu tư mới.
Về lý thuyết, ưu thế của quỹ mở là thu hẹp khoảng cách giữa thị giá và giá trị tài sản ròng; bảo vệ nhà đầu tư (NĐT) tốt hơn; đối với công ty quản lý, quỹ mở giúp linh động hơn trong thay đổi quản trị danh mục… Với ưu thế đó, đầu tư vào CCQ mở được kỳ vọng sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn của những NĐT không nhiều thời gian tham gia thị trường.
Tuy nhiên, đón nhận thông tin VCBF ra đời, cả NĐT và chuyên gia thị trường đều tỏ ra dè dặt. Dù đây là quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam đầu tư cân bằng vào cả trái phiếu và cổ phiếu. Ông Nguyễn Tuấn, chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, đầu tư cân bằng thì có thể giữ lại được tiền nếu chẳng may xuất hiện đợt giảm giá cổ phiếu mạnh.
Nhưng bản cáo bạch của VCBF cho thấy, tỷ lệ lớn trong tổng tài sản của quỹ được đầu tư vào cổ phiếu niêm yết có vốn hóa lớn. Theo ông Tuấn, cần đặt trọng tâm vào tính hiệu quả, bởi thị giá của cổ phiếu vốn hóa lớn thường rất cao, đã được kiểm soát bởi các quỹ hoặc NĐT tổ chức lớn…
Ông Hoàng Đình Kế, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VSM cũng cho biết, cổ phiếu vốn hóa lớn thường thuộc DN đã khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường và có tỷ lệ an toàn khá cao. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư chỉ dành cho số ít NĐT ngắn hạn, chứ không khuyến khích toàn thị trường trong dài hạn. Ông còn lưu ý, các quỹ đầu tư là những NĐT tài chính chuyên nghiệp, họ không có khái niệm giá cổ phiếu cao hay thấp mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kỳ vọng. Vì vậy, những cổ phiếu có thị giá quá cao sẽ không thu hút được sự quan tâm của các quỹ.
Đầu tư vào CCQ, NĐT đã gửi niềm tin vào giới chuyên nghiệp. Nhưng trên thực tế, hiệu quả hoạt động của đa số quỹ không đạt kỳ vọng. Đầu năm 2013, UBCKNN cho biết, kết quả kiểm tra tình hình hoạt động của 47 công ty quản lý quỹ (tổng vốn điều lệ là 3.126 tỷ đồng, quản lý khối tài sản 98.000 tỷ đồng) cho thấy, có 33 công ty hoạt động tương đối tốt, có lãi; 14 công ty nhỏ hoạt động cầm chừng, thua lỗ.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Hiệp, một trong những NĐT chuyên nghiệp đầu tư vào CCQ Bảo Thịnh (VFF), loại hình quỹ mở đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, hiện hiệu quả đầu tư vào CCQ này dường như khá tốt, nếu so sánh giá giữa lúc mua 10.000 đồng (tháng 4/2013) và nay đã lên đến 12.870 đồng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng phải chờ đến cuối năm, tức sau 12 tháng kể từ khi đầu tư. Song, ông Hiệp cũng tỏ ra an tâm hơn bởi VFF đã cam kết mang lại cho NĐT tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân, do Ngân hàng HSBC công bố định kỳ vào đầu mỗi tháng.
“Phải nhìn quỹ đó hình thành trên cơ sở của tập đoàn nào? DN lớn trong nước hay nước ngoài, có kinh nghiệm hay không?”, ông Hiệp lưu ý. Với VFF, quỹ này khai thác tối đa thế mạnh từ VinaCapital và đội ngũ chuyên viên đầu tư trái phiếu giàu kinh nghiệm từ Anh Quốc. Họ có thể nắm bắt các cơ hội đầu tư, áp dụng phương pháp phân tích chặt nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt nhất với mức rủi ro nhất định, ông Hiệp phân tích tiếp.
Cũng bởi, khi một quỹ được hình thành từ những tập đoàn, DN uy tín, kinh doanh hiệu quả, đó thực sự là tiền đề tốt để công ty quản lý quỹ phát triển. “Có đơn vị chống lưng là có một phần đảm bảo. Nếu công ty con thua lỗ, đơn vị chống lưng sẽ chịu trách nhiệm, tất nhiên trách nhiệm không phải 100%”, một chuyên gia lập luận. Hơn nữa, nếu công ty con thua lỗ, để bảo đảm uy tín, các công ty mẹ thường lập tức thay đổi lãnh đạo cấp cao, công nghệ, thậm chí là hỗ trợ tài chính…

Theo Thời báo ngân hàng