Nội dung nổi bật:
– Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, tỷ lệ người được hỏi đồng ý rằng kinh tế sẽ cải thiện trong 6 tháng tới giảm còn 34% so với mức 39% cùng kỳ năm ngoái. Niềm tin về việc làm, chi phí và tiêu chuẩn cuộc sống đều giảm sút.
– 2 nguyên nhân khiến kênh mua sắm siêu thị chững lại: 50% người được khảo sát cho rằng giá cả tại siêu thị cao hơn kênh truyền thống nhưng chất lượng không tốt hơn nhiều; mua sắm ở siêu thị kém tiện lợi.
Hôm 15.10, Kantar Worldpanel – một công ty chuyên về nghiên cứu thị trường – tổ chức hội thảo chủ đề “Kết nối với người tiêu dùng 2013 – đường đến thành công”, công bố những nhận định từ kết quả nghiên cứu mới nhất hành vi người tiêu dùng đối với hàng tiêu dùng nhanh.
Kantar Worldpanel cho rằng, cùng với việc phát triển chậm của nền kinh tế, thị trường hàng tiêu dùng nhanh cũng có xu hướng chững lại. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng lo lắng hơn về tương lai. Theo khảo sát vào quý 2/2013, tỷ lệ đáp viên đồng ý rằng “nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển tốt hơn sáu tháng tới so với hiện tại” đã giảm còn 34% so với 39% của cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ người tiêu dùng ngày càng trở nên đắn đo hơn trong mua sắm.
Niềm tin về việc làm, chi phí và tiêu chuẩn cuộc sống đều giảm sút. Khoảng một nửa số hộ gia đình thành thị nghĩ rằng, đây không phải là thời điểm tốt để tiến hành các mua sắm lớn.
Ở thành thị Việt Nam, những thay đổi hành vi mua sắm đã kéo mức tăng trưởng về mặt giá trị chậm lại trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, từ 16% năm ngoái xuống còn 10% trong năm nay. Trong khi các hộ gia đình thu nhập cao vẫn chọn lựa những sản phẩm đắt tiền và chi tiêu nhiều hơn thì ở nhóm các hộ thu nhập thấp phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt với các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đóng hộp. Họ chọn mua sản phẩm có khuyến mãi hay những sản phẩm giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, chọn sản phẩm rẻ hơn không có nghĩa là chọn sản phẩm kém chất lượng. Các nhãn hàng riêng (của siêu thị) trong thời gian gần đây có xu hướng tăng trưởng chậm, một trong những lý do là người tiêu dùng đã thay đổi kênh mua sắm, dịch chuyển từ các siêu thị, đại siêu thị về các cửa hàng tiện ích hoặc tiệm tạp hóa gần nhà.
Tình trạng suy thoái kinh tế tại Việt Nam đang lan rộng ảnh hưởng đến kênh mua sắm hiện đại. Trong bối cảnh đó, ngày càng ít người đi mua sắm tại siêu thị và đại siêu thị, một số người thậm chí đã chuyển từ kênh mua sắm hiện đại về các cửa hàng tạp hóa. Sự chững lại này có thể được lý giải bởi một số lý do: thứ nhất, 1/2 người mua nghĩ rằng giá cả tại các siêu thị cao hơn các kênh truyền thống nhưng chất lượng hàng hóa thì không tốt hơn bao nhiêu.
Thứ hai, việc mua sắm tại các kênh hiện đại kém tiện lợi hơn. Dù vậy, với những ưu điểm rõ ràng, kênh mua sắm hiện đại hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Do đó, sự cạnh tranh trong nội bộ kênh mua sắm này sẽ càng trở nên khốc liệt hơn nữa, các nhà sản xuất cần nỗ lực nhiều để thể hiện sự nổi bật hơn mới mong thu hút được người tiêu dùng.
Giám đốc khách hàng của Kantar Worldpanel Antoine Louat De Bort dự đoán chỉ số CPI sẽ tiếp tục hạ thêm và bối cảnh kinh tế sẽ khả quan hơn, do đó thị trường Việt Nam được mong đợi sẽ có những kết quả phát triển tốt hơn trong những tháng cuối năm. Để giành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hiện tại các nhà sản xuất cần: tiếp tục đầu tư vào truyền thông để xây dựng thông điệp về giá trị sản phẩm; bắt kịp với các thay đổi của người tiêu dùng về lựa chọn giá và bao bì; điều chỉnh các chiến lược phân phối phù hợp.
Theo Sài Gòn tiếp thị