Sắn khó bán, bị ép giá thấp

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng của mưa, lũ gây nhập úng nhiều diện tích sắn, người dân phải bán đổ bán tháo, dẫn đến bị thương lái ép giá dây chuyền.

Giá sắn tươi đầu vụ 1.700 đ/kg, nay tụt xuống từ 1.200 đ/kg, thậm chí 800 – 900 đ/kg.
Dịp này đi qua những con đường ngõ xóm ở vựa sắn huyện Quế Sơn sẽ chứng kiến cảnh sắn chất từng đống cao hai bên đường chờ thương lái thu mua. Có những đống sắn bị thối bốc mùi do để lâu ngày. Còn trước nhà máy chế biến sắn của Cty CP FOCOCEV Quảng Nam (đóng tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn), hàng chục xe tải đậu chật kín chờ đến lượt nhập sắn.
Ở các ruộng sắn của dân, thương lái lác đác đến tận ruộng “kén cá chọn canh”, thấy ruộng nào ngon mới ra giá thu mua với giá rất bèo. Bà Nguyễn Thị Hòa, ở thôn Diên Lộc Nam, xã Quế Minh cho biết: Nhà bà làm 1 sào sắn nhưng do mưa lũ bị thối nên thương lái không mua. Bà Hòa phải nhổ lên đưa về chặt khúc phơi khô. Nhưng ông trời không thương lại mưa liên tục.
Tại xã Quế Châu tình hình cũng vậy. Hiện toàn xã có 292,2 ha sắn đang vụ thu hoạch. Ông Lương Trọng Yến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, mưa lũ khiến diện tích sắn đang bị hư thối chiếm đến 30% và con số này có thể tăng lên trong vài ngày tới. Sắn rớt giá đã đành, vậy mà thương lái còn ép đủ đường. Nào là hàm lượng tinh bột ít, thối nhiều hòng hạ giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng, xã Quế Châu buồn bã: “Sắn mới thu hoạch thương lái trừ 5%, sắn nhổ lên để 3 – 4 ngày thì bị trừ 15%. Ngoài ra, còn trừ đất, cát… tính ra một sào sắn chẳng được bao nhiêu. Người dân đầu tư công sức, phân bón nhưng đến khi thu hoạch phải bán với giá rẻ. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là nông dân chúng tôi lại điêu đứng với cây sắn”.
Thương lái thì có cái lý riêng của họ khi thu mua sắn. Họ cho rằng do khó khăn trong việc nhập sắn với nhà máy nên mới xảy ra tình trạng trên. Chở xe 10 tấn sắn đến nhà máy, thường bị trừ mất 3 – 4 tấn nên đành ép lại nông dân. 
Đang thu mua sắn tại xã Quế Minh, bà Ph. một thương lái cho hay: Mỗi ngày, bà thu mua gần 50 tấn sắn của bà con, nhưng trước khi mua phải chọn lựa kỹ càng. Bởi khi vào nhà máy, những thương lái như bà cũng bị trừ đủ thứ, nếu không cẩn thận thì lỗ vốn. Do đó, cánh thương lái buộc phải mua với giá thấp.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Quế Sơn, hiện địa phương có 2.600 ha đất trồng sắn. Vụ này người dân trồng hơn 800 ha sắn, trong đó đã thu hoạch 500 ha. Trên địa bàn huyện có hai nhà máy chế biến sắn nhưng phần lớn Cty CP FOCOCEV Quảng Nam thu mua là chủ yếu.
Thế nhưng nhà máy ép giá khinh khủng, họ ép về hàm lượng bột, ép về trọng lượng, như trừ đất, cát quá cao…Lúc thiếu nguyên liệu thì họ đẩy giá lên khiến nông dân ào ạt chuyển sang trồng sắn, còn khi dư thừa nguyên liệu thì hạ giá thê thảm.
Trao đổi với ông Hồ Đắc Tuyên, Trưởng phòng Tổng hợp của Cty CP FOCOCEV Quảng Nam, ông cho hay: “Cty không ép giá bà con. Ngay từ đầu vụ, Cty đã gửi bản báo giá về tận các xã và ngoài cổng Cty, chúng tôi có dán thông báo. Hiện Cty mua sắn theo hàm lượng bột, như sắn có độ bột từ 29-30% mua 2.150 đ/kg; dưới 16% là 1.050 đ/kg”.
Còn về việc đầu tư cho vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con, theo ông Tuyên: “Trước đây, Cty bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng việc cung cấp giống, phân bón cho bà con. Thế nhưng đến vụ thu hoạch bà con không bán cho Cty và tiền Cty bỏ ra đầu tư cũng không thu lại được. Do đó, Cty đã bỏ chính sách này”.
Liên quan đến việc ứ đọng sắn vụ này, ông Hồ Đắc Tuyên, Trưởng phòng Tổng hợp của Cty CP FOCOCEV giải thích, do công suất nhà máy mỗi ngày chỉ ép được 400 tấn nhưng nhập về gấp đôi, gấp ba… nên có những xe phải chờ 2 – 3 ngày mới nhập được. Xe nào đến trước thì nhập trước, cứ theo thứ tự. Nếu bà con chở bằng xe bò, công nông thì được ưu tiên. Song vẫn không đáp ứng được yêu cầu của dân…

Theo Nông nghiệp Việt Nam