Các doanh nghiệp chưa hết khó khăn trong quý III

Chưa vào mùa báo cáo kết quả quý III nhưng theo ước tính của Hiệp hội các ngành, khó khăn vẫn còn đeo bám doanh nghiệp và phải tăng tốc nhiều hơn nữa mới mong hoàn thành kế hoạch cho cả năm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may 6 tháng đầu năm tăng trưởng 16-17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đến quý III đã chững lại, thị trường tiêu thụ sụt giảm cho nên mức độ tăng trưởng chỉ còn 5-7% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính do giá xuất khẩu giảm trong khi đơn hàng thấp khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đi xuống. Các đơn đặt hàng đã vào thời kỳ bão hòa. Mặt khác, việc cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng gay gắt gây khó cho ngành dệt may. Một số đơn hàng chất lượng tốt nhưng giá vẫn cao hơn các nước khác buộc giới kinh doanh phải hạ giá thành để cạnh tranh.
Theo ông Hồng, do chỉ tiêu đặt ra đầu năm ở mức thận trọng và 2 quý đầu năm kinh doanh khá sáng sủa nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may hiện đều đạt 70% kế hoạch doanh thu và sản lượng.
Đối với ngành thủy sản, theo Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, hoạt động quý III của các đơn vị trong ngành không khả quan, thậm chí khó khăn hơn. Thị trường xuất khẩu cá tra phập phồng trong các vụ kiện, nguyên liệu không ổn định lúc thừa lúc thiếu, chưa kể rào cản kinh tế thương mại như chống bán phá giá, kiện tụng luôn đe dọa giới kinh doanh. Do đó, các công ty “lượng sức mình” và đưa ra kế hoạch phù hợp cho năm nay, nhưng đến nay cho thấy khó có khả năng hoàn thành các chỉ tiêu.
“Ngành thủy sản đang trong quá trình cầm cự nên cố gắng duy trì ở mức ổn định là tốt lắm rồi. Tôi hy vọng sang năm 2014 thị trường sẽ có chuyển biến tích cực hơn, khi ấy doanh nghiệp thủy sản mới có cơ hội phát triển và đạt lợi nhuận tốt”, ông Hòe nói.
Cũng gặp khó khăn về giá nên tăng trưởng quý III của ngành cà phê kém lạc quan. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp Hội cà phê Việt Nam, kinh doanh của doanh nghiệp khá chật vật, do giá cà phê liên tục giảm.
Hiện giá cá phê xuống gần 1.600 USD một tấn, trong khi năm ngoái là 2.000 USD một tấn. Đa số doanh nghiệp thiếu vốn nên khả năng mua bán còn bấp bênh. Ngoài ra, một số nơi đầu cơ làm giá khiến giá cà phê thu mua từ nông dân thiếu ổn định. Các công ty xuất khẩu không dám mua cà phê trên thị trường vì lo không thể được hoàn thuế và giá bị đầu cơ… nên quý III năm nay, xuất khẩu chỉ đạt 300.000 tấn, giảm 25% so với 2012.
Riêng nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi có chuyển biến tích cực khi thoát khỏi tình trạng thua lỗ so với cũng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, quý III năm nay ngành chăn nuôi đã có lợi nhuận trở lại với mức lãi 5-15%. Đối với doanh nghiệp chăn nuôi heo lãi 5% vì giá thịt heo hơi tăng lên 44.000-46.000 đồng một kg thay vì chỉ 36.000-37.000 đồng như cùng kỳ năm ngoái (năm ngoái với giá này doanh nghiệp lỗ 1,5 tỷ đồng một tháng). Sản xuất trứng cũng đã có lãi từ tháng 8.
Các đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã ổn định hơn trước. Giá nguyên liệu trên thế giới nhập vào rẻ, vùng nguyên liệu trong nước ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên không gây ra tình trạng khan hiếm hàng, giá chỉ tăng trong biên độ 0,1-0,4%.
Đánh giá chung về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong quý III, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, quý III là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng thấp hơn so với 2 quý đầu năm, tuy nhiên vẫn còn sáng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bản thân các doanh nghiệp đã thận trọng và đề ra chỉ tiêu kinh doanh khiêm tốn hơn các năm trước nên phần doanh thu, lợi nhuận phải đạt được trong quý III không quá sức đối với doanh nghiệp như mọi năm.
Ông dự đoán nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt nhất vẫn là năng lượng, tiêu dùng và thực phẩm, cao su. Còn bất động sản, chứng khoán, tài chính vẫn còn khó khăn.
Gặp nhiều trở ngại nhưng một số doanh nghiệp địa ốc trụ vững cho tới bây giờ vì đã tái cấu trúc, cắt bỏ những phần thừa dồn lực cho những mục tiêu quan trọng hơn. Còn ngành tiêu dùng thực phẩm tuy sức mua có phần giảm sút nhưng đây là những nhóm hàng thiết yếu cần thiết cho người tiêu dùng nên mức tăng trưởng luôn ổn định.
Ông Khánh dự báo, sang năm 2014, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm, khu vực kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, một số ngành như bất động sản, chứng khoán phục hồi dần và có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Theo Vnexpress