Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, khi niêm yết trên thị trường chứng khoán bị nhà đầu tư xả hàng, dìm giá nằm dưới đáy của vạch xuất phát.
Câu chuyện mà doanh nghiệp phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá được bàn thảo nhiều. Cho tới nay mới có một doanh nghiệp được cấp phép phát hành bằng nửa mệnh giá, nhưng việc bán rẻ chính mình cũng không hề dễ dàng.
Trên thị trường chứng khoán, đầy rẫy cổ phiếu nằm bẹp dưới mệnh giá mà không thể nào “ngóc đầu” lên được. Các doanh nghiệp thì lại khát vốn, muốn huy động thêm từ cổ đông, đã gặp rất nhiều khó khăn, nên buộc phải phát hành dưới mệnh giá.
Tiên phong có thành công?
Cho đến thời điểm này, mới chỉ có Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) được cấp phép phát hành cổ phần với giá 5.000 đồng. Thời hạn đăng ký mua thêm cổ phiếu đã hết từ lâu nhưng chưa thấy TTF công bố thông tin là có bán được cổ phiếu phát hành thêm hay không. Cùng thời điểm trên, các cổ đông lớn tích cực đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu, nhưng cuối cùng không mua cổ phiếu nào.
Qua phân tích, dù TTF chỉ ra được tính hợp lý, bảo đảm hài hòa trong lợi ích cổ đông và có thặng dư vốn cổ phần đủ để bù đắp phần thiếu hụt khi phát hành cổ phần dưới mệnh giá, thì phương án phát hành sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phê duyệt.
Mới đây, TTF đã công khai số nợ ngân hàng của mình là 1.174 tỷ đồng, đang đối mặt với nguy cơ phá sản, nếu các ngân hàng không gia hạn nợ cho doanh nghiệp này. Qua cuộc họp với 13 ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, TTF kiến nghị được 9 ngân hàng đồng ý gia hạn mức tín dụng thêm 1 năm nữa, nếu có triển vọng mới gia hạn tiếp.
Như vậy, tình hình tài chính của TTF là vô cùng khó khăn và tương lai khá mờ mịt. Trước đó, TTF muốn bán rẻ chính mình cũng vẫn khó khăn, nếu thành công sẽ giúp doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn, nhưng với chục tỷ đồng cũng chẳng bõ bèn gì.
Đối với phương án phát hành của TTF là phát hành cho chính cổ đông hiện hữu nên việc dùng tiền chính của họ bù đắp cho họ là điều hoàn toàn hợp lý. Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc TTF, cho biết tính hợp lý trong phương án phát hành và có thặng dư vốn cổ phần đủ bù đắp thì phương án hoàn toàn có thể được UBCKNN phê duyệt. HĐQT đã phân tích về pha loãng đồng thời xem xét cẩn trọng lợi ích so với thiệt hại giữa mới và cũ nên đã quyết định phát hành.
Việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là chuyện chẳng đừng
Điều này đã hé mở “lối thoát” cho việc huy động vốn của nhiều doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Trên đây, chúng ta chỉ thống kê các khoản nợ so với mong muốn bán cổ phiếu dưới mệnh giá mới thấy hết khó khăn của doanh nghiệp.
Hiện cũng có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết muốn tìm đến con đường phát hành dưới mệnh giá và đã được cổ đông chấp thuận. Điều này tưởng như mở ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp trong việc thu hút vốn, nhưng xét từng doanh nghiệp, đây gần như bước đường cùng nên mới phải bán rẻ chính mình.
Vẫn còn tăm tối
Một số doanh nghiệp niêm yết khác như Công ty Cổ phần Mirae (KMR) đã lên kế hoạch phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu, chào bán với giá 10.000 đồng cho 2 cổ đông chiến lược là công ty mẹ Mirae Fiber và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KMR. Ngoài ra, cam kết góp vốn của Công ty mẹ đối với KMR có thể bằng tiền hoặc bằng tài sản, trị giá 56 tỷ đồng.
Rõ ràng, thỏa thuận giữa người mua và kẻ bán trong thương vụ này dễ dàng hơn rất nhiều khi là “người nhà” của nhau. Đây là doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài, nên không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được đối tác như KMR!
Mới đây, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) cũng đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ khi giá giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu mà công ty mạnh dạn đề xuất kế hoạch phát hành thêm 21,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Khả năng phát hành thành công của HVX được đặt nhiều dấu hỏi. Với phương án nào, HVX cũng không tránh khỏi các khoản lỗ, dù ít dù nhiều.
Một con nợ khác là Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) cũng muốn phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nhìn các điều kiện hiện có của công ty, có thể thấy việc phát hành thêm là tương đối khó khăn: nợ ngắn hạn gấp đôi vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có xu hướng giảm dần, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối còn không đáng kể so với vốn điều lệ, thị giá dưới mệnh giá…
Việc phát hành dưới mệnh giá vẫn là chuyện chẳng đặng đừng. Trên thực tế, không một doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án đó. Do nợ nần chồng chất, nếu không muốn phá sản thì buộc phải huy động vốn bằng mọi giá để cứu doanh nghiệp thoát khỏi bóng tối.
Cổ đông mua vào những cổ phiếu này cũng chả hy vọng gì cổ tức, hay giá sẽ tăng trong thời gian tới. Bởi nguồn cung tăng lên, giá sụt giảm, chỉ có ai muốn thâu tóm doanh nghiệp thì mới mua vào thời điểm này. Đây cũng là cơ hội hiếm có khi thị trường chứng khoán xuống dốc thảm hại, cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí với giá của “cọng hành”, “mớ rau”.
Thế nhưng, đói vốn, cạn tiền là vấn đề không của riêng ai. Việc vay nợ không phải đơn giản, khi hết tài sản thế chấp, ngân hàng sợ nợ xấu tăng cao nên siết chặt cho vay, hạn chế nới các khoản nợ vay cũ vì các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp cũng khó giữ các tỷ lệ được coi là đẹp.
Trên thực tế, việc phát hành dưới mệnh giá còn gây nên mâu thuẫn quyền lợi giữa cổ đông cũ và mới. Có thể hình dung đơn giản, khi cổ phiếu phát hành thêm được bán dưới mệnh giá, người mua chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng để sở hữu cổ phần được ghi nhận là 10.000 đồng trong sổ sách. Không khó để nhận thấy sự bất công đối với các cổ đông hiện hữu.
Trở lại việc phát hành thêm của TTF, so với tình hình tài chính khó khăn, nợ nần chồng chất, thì dù TTF có đủ thặng dư vốn cổ phần để bù đắp khoản thâm hụt dưới mệnh giá, nhưng nếu không thành công thì điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều.
Theo Thời báo kinh doanh