Fitch đánh giá kinh tế Việt Nam khá vững vàng

Triển vọng kinh tế trong trung hạn và hồ sơ tín dụng của Việt Nam vẫn bị đè nặng bởi tốc độ tái cấu trúc khu vực ngân hàng khá chậm và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp.

Hôm nay (30/9), hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra một vài nhận định về nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế đã tiếp tục ổn định và chống đỡ khá tốt với nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi khác ở khu vực lao đao. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trong trung hạn và hồ sơ tín dụng của Việt Nam vẫn bị đè nặng bởi tốc độ tái cấu trúc khu vực ngân hàng khá chậm và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp.
Theo Fitch, nền kinh tế vĩ mô có được xu hướng ổn định là do chính sách tài khóa và tiền tệ được quản lý theo cách hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện rõ qua các chỉ số như cán cân vãng lai thặng dư nhẹ và lạm phát được giữ ở mức một con số. Trong khi đó, tăng trưởng GDP được cho là đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất với mức tăng 5,5% trong quý III, cao hơn mức 4,9% của 6 tháng đầu năm 2013.
Thêm vào đó, xu hướng ổn định của kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường tài chính như các nền kinh tế khác trong khu vực. Ở Ấn Độ và Indonesia, những biến động này đã khiến đồng nội tệ lao dốc, xói mòn bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp và ngân hàng. Cuối cùng, chính sách ở các nước này bị thắt chặt.
Một trong những lý do tạo nên sự ổn định tài chính của Việt Nam chính là việc chuyển từ trạng thái thâm hụt sang thặng dư vãng lai kể từ năm 2011. Điều này giúp giảm bớt nhu cầu vay vốn từ nước ngoài đồng thời giúp tăng dự trữ ngoại hối lên 27 tỷ USD (tương đương 2,7 tháng nhập khẩu) tính đến cuối tháng 5 vừa qua. 
Lý do khác nằm ở việc Việt Nam ít phụ thuộc hơn vào danh mục đầu tư vốn biến động mạnh sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng và khiến các thị trường mới nổi chao đảo. 
Cuối cùng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam có những diễn biến tích cực – tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 15 tỷ USD. Dòng vốn FDI đã giúp cải thiện cán cân thanh toán. Việt Nam đã có lịch sử thu hút được nhiều vốn FDI (tính theo % GDP) so với các nước có cùng mức xếp hạng. Điều này cũng giúp ích cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Vốn FDI dồi dào cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu kể từ năm 2012 tới nay. 
Dẫu vậy, Fitch vẫn nghi ngờ về khả năng tốc độ tăng trưởng GDP vụt tăng và quay trở lại với mức 7% của thập kỷ trước. Fitch đưa ra hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhận định này. 
Thứ nhất, khu vực ngân hàng của Việt Nam vẫn bị đè nặng bởi nợ xấu. Fitch không cho rằng các biện pháp tái cấu trúc gần đây (kể cả thành lập VAMC) là chưa đủ để ngay lập tức đem lại tăng trưởng tín dụng lành mạnh phục vụ khu vực sản xuất. Nới room sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng (như những gì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra) có thể giúp thu hút vốn và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các ngân hàng. Tuy nhiên, những chi tiết cụ thể về động thái này vẫn chưa được đưa ra. 
Thứ hai, công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOE) diễn ra chậm chạp. Các báo cáo gần đây cho thấy hoạt động tái cấu trúc có thể được đẩy mạnh đồng thời đi kèm theo đó là tính minh bạch và nhiều yếu tố tuân theo quy luật thị trường. Đây là những nhân tố tích cực đối với mức xếp hạng của Việt Nam. 
Mặc dù dấu hiệu về sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã khá rõ ràng, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh vẫn chưa rõ nét. Khu vực ngân hàng của Việt Nam đã tăng trưởng quá nóng, với tỷ lệ tín dụng tư nhân/GDP lên tới 95% tính đến cuối năm 2012. Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước vốn ngập trong nợ và hoạt động không hiệu quả lại đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế. 
Nếu tốc độ tái cơ cấu và giảm đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhà nước không được đẩy mạnh, xếp hạng tín nhiệm B+ của Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro.

Theo Trí Thức Trẻ