Tín hiệu từ các doanh nghiệp niêm yết

Theo số liệu thống kê tổng thể của tất cả các doanh nghiệp niêm yết cho thấy là kết quả kinh doanh bước vào ổn định, đem lại hiệu quả lợi nhuận sau thời gian dài khó khăn.

Qua phân tích số liệu về doanh thu, lợi nhuận, chi phí lãi vay và rất nhiều thông số khác cho thấy những tín hiệu mới phát đi từ doanh nghiệp niêm yết.
Dựa theo các thống kê này, cho thấy các công ty niêm yết trên cả 2 sàn HoSE và HNX trong nửa đầu năm 2013 về doanh thu đã tăng nhích lên hơn 1% so với năm trước, đạt 362.592 tỷ đồng. So với mức tăng trưởng chung, đây là con số khá thấp, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì đây được coi là tín hiệu khá tích cực.

Chi phí giảm, lợi nhuận nhích lên
Hơn thế nữa, mức tăng trưởng lợi nhuận gộp rất ấn tượng đạt gần 19%. Cụ thể, nếu hợp nhất tất cả các doanh nghiệp trên sàn lại với nhau (trừ ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) thì lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ trong bán niên 2013 đạt 28.347 tỷ đồng, tăng mạnh 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp cải thiện nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào giảm mạnh so với trước đây. Hoạt động tài chính cải thiện hiệu quả, một phần nhờ giảm chi phí lãi suất. Doanh thu hoạt động tài chính gia tăng đáng kể, đạt 14.090 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ lãi tiền gửi, thanh lý các khoản đầu tư, hoàn nhập dự phòng chứng khoán, lãi chênh lệch tỷ giá… Thêm vào đó, chi phí tài chính cũng giảm 9,12% chỉ còn 13.490 tỷ đồng (chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm 7,5% so với cùng kỳ đã giúp hoạt động tài chính đóng góp tích cực. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động tài chính lên tới 600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4.982 tỷ đồng.
Trong đó, đáng ngại nhất là các khoản phải thu khách hàng tiếp tục tăng cao lên 187.450 tỷ đồng, làm gia tăng tỷ lệ trong cơ cấu tài sản. Vòng quay khoản phải thu cũng liên tục đi xuống từ năm 2008 đến nay và tốc độ sụt giảm ngày càng nhanh.
Điều này cho thấy tình hình kinh tế khó khăn đã khiến việc thu hồi các khoản nợ trở nên khó khăn hơn và các doanh nghiệp đã phải gia tăng cấp tín dụng để có thể đảm bảo doanh thu. Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại về khả năng bị chiếm dụng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động.
Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường đã biết sợ đầu tư tài chính, không dám tham gia đầu tư tràn lan như trước đây. Các khoản mục tiền và tương đương tiền tăng 8,6%, nâng tổng giá trị khoản mục này là 91.763 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn đang sợ mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, tăng tích trữ tiền mặt, thủ thế để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh thời khủng hoảng.
Theo số thống kê cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu vay vốn mạnh trở lại khi lãi suất giảm. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn vào cuối tháng 6/2013 đang ở mức 302.847 tỷ đồng. Việc lãi suất giảm và cơ hội tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn đã thúc đẩy sử dụng lại nợ vay tài trợ cho hoạt động.
Trước đây, doanh nghiệp ngại vay vốn vì không dám mở rộng đầu tư, nhưng đến nay, các ngân hàng đã liên tục hạ thấp lãi suất huy động tiền gửi. Điều này giúp giới đầu tư hy vọng lãi suất đi vay của các doanh nghiệp sẽ được tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, mức lãi suất vay vốn mà doanh nghiệp phải trả trên thực tế vẫn cao chứ không như quảng cáo của các ngân hàng.

Đầu tư vào đâu?
Theo dự báo của các công ty chứng khoán về kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2013, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tốt. Trong đó, có những cổ phiếu tốt như Vinamilk sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ đưa nhà máy sữa Việt Nam tại Bình Dương vào hoạt động, bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Còn đối với cổ phiếu KDC đang vào mùa thu hoạch Trung thu, doanh thu tăng, nhưng chỉ được khuyên nắm giữ cho trung hạn. Riêng cổ phiếu BMP của Công ty CP Nhựa Bình Minh sau giai đoạn điều chỉnh khá mạnh, trong nửa cuối tháng 8, đã bắt đầu trở nên ổn định hơn. Thanh khoản của cổ phiếu BMP đặc biệt tăng cao, cho thấy sự chủ động thuộc nhiều hơn về bên mua.
CSM cũng là cổ phiếu tốt được khuyên tiếp tục nắm giữ vì doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng cao, nhờ giá cao su tự nhiên sụt giảm (chiếm 50% giá thành).
Trong khi đó, cổ phiếu khoáng sản đã bị loại trừ khi lợi nhuận sụt giảm, không còn tăng đột biến, nếu đầu cơ sẽ gặp không ít rủi ro. Mặc dù các công ty khoáng sản niêm yết đều báo lãi trong 6 tháng đầu năm nhưng trị giá lợi nhuận rất ít, nhiều công ty lợi nhuận giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Ở lĩnh vực này, sức tiêu thụ vẫn yếu, hàng tồn kho ứ đọng, mức độ quay vòng rất thấp.
Như vậy, trước đây, dù TTCK suy giảm, thì cổ phiếu khoáng sản vẫn thu hút các nhà đầu cơ, lúc thì khi tạo sóng tăng ào ạt, lúc giảm rất mạnh.
Tuy nhiên, giờ đây, đầu tư vào những cổ phiếu ngành khoáng sản có thể gặp nhiều rủi ro, vì các yếu tố độc quyền hay trữ lượng khoán sản vẫn chỉ là trên giấy phép, chứ không đúng với lợi nhuận đạt được thực tế.
Sắp tới, thông tin về thăm dò, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp niêm yết sẽ công khai và minh bạch chứ không còn “tù mù” như hiện nay và nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc.

Theo Thời báo kinh doanh