Có một nhận xét lạ mà thật: Thị trường bia, rượu, nước giải khát Việt Nam như một mảnh sân chơi rào kín, nói cách khác, hầu như chưa thoát khỏi “tự sản, tự tiêu”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2012, sản lượng bia cả nước hơn 2,8 tỷ lít, tăng 9,7% so với năm 2011, trong đó bia hơi 357,4 triệu lít, bia chai gần 1,67 tỷ lít, bia lon 790 triệu lít; 8 tháng đầu năm, sản lượng bia các loại xấp xỉ 1,9 tỷ lít.
Còn theo Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát Việt Nam, năm 2012, sản lượng nước giải khát khoảng 4,22 tỷ lít, rượu trên 400 triệu lít…
Có một nhận xét lạ mà thật: Thị trường bia, rượu, nước giải khát Việt Nam như một mảnh sân chơi rào kín, nói cách khác, hầu như chưa thoát khỏi “tự sản, tự tiêu”. Phải chăng vì thế mà con số kim ngạch xuất, nhập khẩu bia, rượu, nước giải khát đều không hiện diện trên các bảng thống kê của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan? Vì là số “0” tròn trĩnh hay ít không đáng kể?
Thời điểm vòng hàng rào khép kín bị phá dỡ sắp đến. Tại một vài diễn đàn gần đây đã vang lên lời cảnh báo: Khi đặt bút ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải mở toang thị trường bia, rượu, nước giải khát, thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, sản phẩm của doanh nghiệp ngoại rất dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong sân chơi rộng mở mới, doanh nghiệp Việt Nam yếu thế sẽ thua một cách… toàn diện.
Hiện tại, hầu hết các dòng sản phẩm bia, rượu nội đều nằm ở phân khúc bình dân, không có sản phẩm bia nào đứng trong phân khúc cao cấp. Khi những “tên tuổi” bia, rượu lớn của các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Chi lê… tấn công, giá bán bia, rượu cao cấp lẫn bình dân giảm thấp, người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao để uống bia, rượu ngoại, doanh nghiệp bia, rượu nội sẽ ra sao?
Tương tự, Pepsi, Coca-Cola đang làm mưa gió làm gió trên thị trường nước giải khát, doanh nghiệp nội lép vế, thị phần nhỏ bé, duy chỉ có Tân Hiệp Phát tạo dựng được vị thế nhất định. Song, khi dòng lũ nước giải khát ngoại tràn vào với nhiều chủng loại, chất lượng tốt, giá rẻ, doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam có trụ nổi?
Cũng có những lời khuyên “có cánh”: Hàng ngoại “đánh” thị trường nội, thì doanh nghiệp nội đem hàng “đánh” lại thị trường ngoại! Doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát Việt Nam nên tận dụng cơ hội của TPP, tìm đường xuất khẩu sản phẩm. Khổ nỗi, lâu nay các sản phẩm đồ uống nội chất lượng “thường thường bậc trung”, chỉ tiêu thụ loanh quanh ở thị trường nội địa, xuất ngoại là điều… không tưởng!
Mỗi năm, ngành đồ uống đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, riêng năm 2012 trên 20.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động… Vì vậy, khi nhập cuộc TPP, những con số đó có còn giữ nguyên, chưa nói tăng lên? Doanh nghiệp Việt Nam không thể “bình chân như vại” với cái sự “thua” được báo trước!
Theo Báo công thương