Phận cổ đông nhỏ lẻ

Việc hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ do phát hiện những sai phạm trong quá trình tổ chức không phải là điều mới mẻ.

Nếu như trong xã hội, các đối tượng dễ bị tổn thương, không có khả năng tự vệ là trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật với tính chất nhạy cảm…., thì trong một doanh nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là các cổ đông nhỏ lẻ. Vậy thì, quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ đã và đang được thực thi ra sao, có thực sự được bảo vệ theo đúng pháp luật (luật doanh nghiệp, luật chứng khoán…)?

Từ việc “cản trở” tham dự ĐHCĐ

Trong thông báo của CTCP Bánh kẹo Hải Châu, cổ đông nắm giữ dưới 12.000 cổ phiếu sẽ không “đương nhiên” được dự họp mà phải liên kết cử người đại diện dự họp. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi phản ánh, điều khoản lạ lùng trên của Hải Châu đã được gỡ xuống, đồng nghĩa với việc cổ đông nhỏ lẻ của công ty vẫn được trực tiếp tham gia ĐHCĐ. 
Bánh kẹo Hải Châu không phải là trường hợp duy nhất cản trở sự tham dự ĐHCĐ của các cổ đông nhỏ lẻ. Có doanh nghiệp còn “tinh vi” hơn khi lựa chọn địa điểm ĐHCĐ thường niên ở…xa trung tâm, mặc dù công ty có hoạt động và văn phòng ở các thành phố lơn. Việc đi lại không thuận tiện, cân nhắc với số lượng cổ phiếu ít ỏi mà cổ đông nắm giữ, rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ đã phải từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình. 

Đến những quyết sách quan trọng
Để bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, nghị định 58/2012 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc hủy niêm yết. Theo đó, phải có ít nhất một nửa số cổ đông nhỏ lẻ tham dự cuộc họp đồng ý, việc hủy niêm yết mới được thông qua và ghi vào biên bản. Như vậy, việc hủy niêm yết, xuất phát từ đề nghị của HĐQT, mà thực chất là của các ông lớn đứng sau, sẽ được giao cho các cổ đông nhỏ lẻ quyết định. Điều này là hết sức đúng đắn, vì việc hủy niêm yết ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, những người vốn đã chịu nhiều “thiệt thòi” về thông tin. 
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ quy định nói trên. Vừa qua STT đã phải lên tiếng đính chính lại thông tin hủy niêm yết sau khi bị HSX hỏi vặn về tỷ lệ cổ đông nhỏ lẻ thông qua kế hoạch. Kết quả, STT vẫn phải bám sàn, chiều lòng cổ đông nhỏ lẻ.
Cách đây 4 tháng, ĐHCĐ Vua tôm Minh Phú (MPC) đã nhanh chóng thông qua phương án hủy niêm yết với lý do thuận tiện phát hành giá cao cho đối tác nước ngoài. Cũng cần lưu ý, trước ĐHCĐ, cổ đông nhỏ lẻ của MPC nắm giữ trên 24% cổ phiếu của công ty này. Việc thông qua phương án hủy niêm yết một cách QUÁ dễ dàng khiến giới quan sát bất ngờ. Theo tính toán, chỉ cần 3 cổ đông nắm giữ gần 5% cổ phần của MPC là đủ để quyết định việc rời sàn. Câu trả lời đã không còn nhiều ý nghĩa khi công ty đang tiến hành các thủ tục hủy niêm yết trên HSX, theo đúng luật định.
Gần đây, việc NLC thông qua phương án sáp nhập vào SJD gây nhiều tranh cãi khi phương án sáp nhập được cho là gây thiệt hại đến cổ đông nhỏ lẻ và nhóm cổ đông này đã không thông qua. Trong khi đó, nghị quyết ĐHCĐ thường niên của NLC đã ghi nhận 76,53% cổ đông tham dự đồng ý với phương án sáp nhập. 
Vấn đề là, trong 76,53% đồng ý, đã có đại diện Tổng công ty Sông Đà (sở hữu 51% vốn điều lệ NLC). Trong khi đó, theo quy định tại Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty, TCT Sông Đà sẽ không được tham gia biểu quyết vấn đề này. 
Vụ việc của NLC vẫn chưa đi đến hồi kết. UBCKNN chưa đưa ra một phán quyết cuối cùng xung quanh vấn đề các cổ đông nhỏ lẻ lên tiếng. Phương án sáp nhâp với SJD rốt cuộc có được thực hiện hay không, vẫn chưa có câu trả lời. 
Việc hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ do phát hiện những sai phạm trong quá trình tổ chức không phải là điều mới mẻ. Và như vậy, cổ đông nhỏ lẻ của NLC vẫn còn cơ sở hi vọng những kết luận có lợi hơn cho họ.

Theo Trí Thức Trẻ