Theo quan sát của chúng tôi hầu hết các loại mứt, lạp xưởng, bột… đều chỉ đóng túi nilon thủ công, buộc chun, tên hàng hóa được viết bằng tay lên các túi.
Chỉ gần một tuần nữa là tới rằm Trung thu, để ngày tết này thêm ý nghĩa hơn, nhều người muốn tự tay làm ra những chiếc bánh nướng, bánh dẻo xinh xắn.
Bên cạnh đó, nhiều bà nội trợ lựa chọn nhân bánh Trung thu làm sẵn để tiết kiệm thời gian cũng như chọn các nguyên liệu sẵn có tại các chợ. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với những mặt hàng không nhãn mác.
Dễ dãi với hàng không nguồn gốc
Dạo qua các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội (Đồng Xuân, Bắc Qua, chợ Hôm, Nghĩa Tân, Bưởi…) hay trên các con phố như Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Mã… thời điểm này, các mặt hàng phục vụ việc làm bánh Trung thu khá đắt khách với giá cả rất phải chăng.
Giá của các mặt hàng vừa túi tiền người tiêu dùng như: Lạp xưởng giá 150.000 đồng/kg, trứng muối giá 5.000 đồng/quả, bột làm bánh có giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, mứt bí 80.000-100.000 đồng/kg…
Theo quan sát của chúng tôi hầu hết các loại mứt, lạp xưởng, bột… đều chỉ đóng túi nilon thủ công, buộc chun, tên hàng hóa được viết bằng tay lên các túi. Khi khách cần, người bán hàng chỉ đổ ra cân và đóng gói để khách mang về. Không hề có bất kỳ thông tin gì về các loại nguyên liệu này từ nơi sản xuất, thành phần hay hạn sử dụng…
Khi đề cập đến xuất xứ của các mặt hàng này, chị Thanh Vân-chủ cửa hàng 125 Hàng Buồm cho biết: “Đây là hàng thủ công trong nước, bao bì đơn giản cho khách dễ mua lẻ, giá cả hợp lý đồng thời chị cam đoan đảm bảo về chất lượng, không ngon có thể trả lại.”
Trong khi đó, chủ một ki-ốt ở chợ Bưởi lại tỏ vẻ khó chịu khi bị phóng viên hỏi về vấn đề nhãn mác: “Tôi bán như thế này quen rồi, khách thấy mua được thì mua thôi chứ chẳng bao giờ hỏi nhiều về nhãn mác cả.”
Dạo qua các chợ đều thấy một tình trạng chung về việc hàng hóa không nhãn mác được bày bán công khai với giá rẻ hơn khoảng 1/3 đến một nửa so với giá bán sản phẩm của các cơ sở sản xuất có nhãn mác. Đây cũng là lý do người tiêu dùng vẫn tìm đến với các mặt hàng này trong thời buổi khó khăn thắt chặt chi tiêu.
Chị Hằng Nga, một khách hàng ở Mã Mây, chia sẻ: “Thực ra để làm bánh cho gia đình, nguyên liệu không cần quá nhiều nên tôi thường mua lẻ, vừa rẻ vừa tiết kiệm và người bán có cung cấp hàng có nhãn mác hay không cũng không rõ nữa.”
Chính một bộ phận khách hàng vẫn còn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần tiếp tay cho hàng hóa không nhãn mác lưu hành…
Ngoài các nguyên liệu trên, để tiện cho các bà nội trợ tiết kiệm thời gian hơn nữa trong việc làm bánh, các loại nhân nhuyễn trộn sẵn được nhiều tiểu thương làm tại nhà rồi bán. Loại nhân này đặc biệt là về chỉ việc dùng ngay do đó, nhiều bà nội trợ cũng đặt niềm tin vào một số cơ sở nhất định. Tại Hà Nội, những cửa hàng có nhân bánh bán sẵn trên phố Hồng Hà được khá nhiều những “tay làm bánh” Trung thu lựa chọn.
Chị Ngọc Tiến, ở Ba Đình cho hay, từ đầu vụ Trung thu tới nay chị đã làm mấy chục chiếc bánh, chị chọn mua nhân bánh trộn sẵn ở một cửa hàng uy tín trên phố Hồng Hà để đảm bảo chất lượng.
Chị Tiến giải thích, qua tìm hiểu rất kỹ lưỡng và tỷ mỷ, chị được biết nhân bánh ở của hàng chị hay mua là của những người làm bánh trong hội làm bánh của Hà Nội làm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy chị mới tin tưởng mua.
Như tại Cơ sở làm bánh tại địa chỉ 1023 Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), 79 Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) là những địa điểm quen thuộc của những người thích làm bánh. Giá các loại nhân này như sau: Đậu xanh giá 80.000 đồng/kg; nhân trà xanh, hạt sen giá 100.000 đồng/kg; khoai môn, đậu đỏ giá 70.000 đồng/kg…
Không coi thường nguyên liệu làm bánh, đặc biệt là nhân bánh, chị Hương – chủ cơ sở 1023 Hồng Hà – cho biết: “Nhân bánh chiếm đến 85% trọng lượng của bánh, lớp vỏ bánh chỉ chiếm một phần nhỏ. Quá trình làm nhân bánh Trung Thu là lâu nhất, thường thì phải làm từ trước 2-3 ngày rồi bảo quản. Ngon hay không là do nhân bánh thế nên nhân bánh là nguyên liệu cực kỳ quan trọng cả về hương vị lẫn sự an toàn.”
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, ngay ở những địa chỉ được coi là “uy tín,” chất lượng của những sản phẩm này có đảm bảo thực sự hay không thì vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Nguy cơ mất vệ sinh là có thật
Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong dịp này, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công tác kiểm tra tập trung vào thanh kiểm tra các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
“Thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận huyện đi kiểm tra, các xã phường cũng tổ chức kiểm tra. Đối với thành phố thì thành phố thành lập 6 đoàn, trong đó có 2 đoàn của Sở Y tế và các đoàn này chia nhau đi các quận huyện để kiểm tra,” ông Hạnh cho hay.
Ngày 11/9 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm số 2 của thành phố Hà Nội đã kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại xã La Phù (Hoài Đức).
Đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh tìm độ ôi, khét trong nhân bánh nướng, bánh dẻo của một cơ sở tại đây, kết quả đạt yêu cầu. Đoàn cũng lấy mẫu bánh nướng, bánh dẻo của hai cơ sở trên để xét nghiệm các chỉ số lý, hóa, vi sinh và sẽ có kết quả trong vòng một tuần.
Về nhân bánh, ông Hạnh cũng nhấn mạnh, vừa rồi lực lượng của Sở Y tế đã đi kiểm tra một cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Đan Phượng sản xuất nhân bánh, kết quả cho thấy đảm bảo, quy trình sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn ISO.
Đề cập đến vấn đề quản lý đối với các cơ sở làm và bán nhân bánh Trung thu nhỏ lẻ trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay tại mỗi quận, huyện, xã phường đều có ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm đi kiểm tra, nếu các sản phẩm của các cơ sở đó đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mới được lưu hành. Vì vậy, người dân nên mua các sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận và cấp phép, tránh mua các sản phẩm trôi nổi không có nhãn mác trên thị trường.
Là một chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm, tiến sỹ Lâm Quốc Hùng – Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phân tích, để chuẩn bị làm ra chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh. Đặc biệt, bánh được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình.
Phân tích về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tiến sỹ Hùng cho hay, mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu…)
“Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn,” ông Hùng nhấn mạnh.
Vì vậy, để Tết Trung thu nhà nhà đều có niền vui trọn vẹn, tiến sỹ Hùng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý mua nhân bánh và bánh Trung thu phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản…; Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu./.
Theo Vietnam+