Nguyên phụ liệu sản xuất của ngành dệt may: Đừng thấy chuyện nhỏ mà chê

Năm nào cũng vậy, mỗi khi thị trường xuất khẩu hàng dệt may “ấm lên” là nguồn cung nguyên phụ liệu lại thiếu.

Các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đang sốt ruột trước tình trạng nguồn cung một số phụ liệu quan trọng như chỉ may, dây kéo của các thương hiệu nổi tiếng như Coats Phong Phú, YKK thông báo kéo dài thời gian giao hàng hơn trước, do nhu cầu đặt hàng tăng lên khá mạnh thời gian qua.
“Lúc trước đặt một mẫu chỉ may một tuần là có hàng. Bây giờ đợi ba tuần hoặc hơn nhà sản xuất mới có. Đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, nhưng biết làm sao được vì đó là mẫu chỉ chúng tôi cần” – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may GM nói.
Năm nào cũng vậy, mỗi khi thị trường xuất khẩu hàng dệt may “ấm lên” là nguồn cung nguyên phụ liệu lại thiếu. Nghịch lý ở chỗ các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu trong nước, tiếng là đã sản xuất được gần như đầy đủ các loại phụ liệu phục vụ ngành dệt may, nhưng nếu xét đến khả năng cung ứng và đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp may xuất khẩu thì tỉ lệ 50% đã là quá sức.
Chỉ cần ra khu vực chợ Tân Bình, hay quanh khu chợ vải Soái Kình Lâm (TP.HCM) sẽ thấy sự năng động của các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu trong nước bởi cái gì doanh nghiệp cũng làm, thiên hạ có gì thì hôm sau các doanh nghiệp mang mẫu ra chào y chang cho người bán. Nhưng khi hỏi đến quy chuẩn sản xuất, nguồn gốc lao động thì chẳng thấy cơ sở nào đáp ứng được. Trong khi đó, đây là những yếu tố hết sức cơ bản trong một quy trình sản xuất mà các doanh nghiệp may xuất khẩu cần phải biết để cung cấp thông tin với nơi đặt hàng như là một thủ tục bắt buộc.
Đó cũng chính là lý do vì sao các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như lệ thuộc vào các thương hiệu lớn, “vì không một nhà đặt hàng nào chấp nhận việc mua nguyên phụ liệu không có nguồn gốc rõ ràng” – vị chủ tịch HĐQT nêu trên nói. Nếu buộc phải mua phụ liệu trong nước, các doanh nghiệp may xuất khẩu cũng chỉ biết tìm đến Coats Phong Phú hay YKK – những thương hiệu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được các nhà đặt hàng quốc tế thẩm định chất lượng, cũng như đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết khi đứng vào vị trí của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, ngành sản xuất phụ liệu trong nước sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn “quân đông nhưng sức yếu”. Đặc biệt, sự thiếu hụt nguồn cung được đánh giá “sẽ trầm trọng hơn” một khi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực tiễn, bởi sự tranh mua nguyên liệu giữa các nhà sản xuất gần như là chắc chắn, trong khi nguồn cung cấp gần như không thay đổi về số doanh nghiệp cung ứng.
Trong khi đó, để đầu tư được theo đúng quy chuẩn, số vốn doanh nghiệp bỏ ra phải từ vài triệu đến hàng chục triệu USD, trong khi các chính sách hỗ trợ hầu như không có. Đó cũng là lý do vì sao hàng chục năm qua, dù đã có gần cả trăm ngàn doanh nghiệp thành lập, đăng ký mới vào ngành dệt may, nhưng chỉ thấy ồ ạt tập trung vào may mặc, vốn dễ “kiếm ăn” nhất trong số các thể loại mà ngành này cần thu hút đầu tư. 
Còn những ngành “khó nhằn” như dệt, nhuộm, vải, nguyên phụ liệu cao cấp… muốn tìm những thương hiệu có tên tuổi, uy tín trong nước hòng “mang khoe” với nhà đặt hàng quốc tế khó chẳng khác gì mò kim đáy bể.

Theo Tuổi trẻ