Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm và chưa rõ nét.
Xuất khẩu tăng cao, công nghiệp ổn định, tồn kho giảm là những gì được ghi nhận trong 8 tháng qua. Điều đó cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam được duy trì ổn định, tuy nhiên theo đánh giá, sự phục hồi còn chậm và chưa rõ nét.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 84,8 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%. Bộ Công Thương nhận định, khả năng đảm bảo và vượt mục tiêu đề ra của cả năm là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, nhập siêu là 577 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Mức tăng nhập khẩu như vậy được đánh giá là không quá cao so với mức tăng xuất khẩu và cán cân thương mại có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Xuất khẩu có được thành tích cao không thể không kể đến sự ổn định của sản xuất công nghiệp. Điều đó được khẳng định khi kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng cao. 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai thác đóng góp 0,05 %; ngành chế biến, chế tạo 4,6 %; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,55 % và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 %. Một số ngành có mức tăng cao trong 8 tháng so với cùng kỳ là: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,9%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 10,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 10,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,9%.
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và tạo tiền đề cho năm 2014, trong những tháng cuối năm đòi hỏi phải có sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo các cấp các ngành và sự nỗ lực của các DN.
Một điểm đáng chú ý, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt 1705,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chính điều này đã góp phần giảm sức ép tồn kho. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/8, toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% – đây là mức tăng tồn kho thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm và chưa rõ nét. Mặc dù duy trì được sự tăng trưởng ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhập khẩu tăng thấp một phần theo đánh giá là do công tác kiểm soát tốt nhưng mặt khác cũng cho thấy sản xuất chưa thật sự hồi phục. Trong xuất khẩu, yếu tố ngoại đang chiếm ưu thế, nếu kể cả dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gấp gần 2 lần so với khu vực kinh tế trong nước. Hơn nữa, những mặt hàng đang chiếm ưu thế về kim ngạch xuất khẩu phần lớn là những hàng gia công với giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam là nông sản, thuỷ hải sản lại khó khăn bởi giá cả vẫn có xu hướng giảm phần nào làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Theo Báo Công thương