Bấp bênh đối với những cổ phiếu khoáng sản

Cổ phiếu khoáng sản luôn có sức hút nhất định đối với nhà đầu tư, khi tăng ào ạt, lúc giảm rất mạnh, nhà đầu tư nào đúng sóng thì thắng, còn không thì chấp nhận thất bại.

Cho nên, lợi nhuận cổ phiếu khoáng sản dù rất bấp bênh, do doanh thu suy giảm, chi phí cao, nhưng đôi khi nhà đầu tư vẫn thích mua vào.
Theo đánh giá của giới đầu cơ, cổ phiếu ngành khoáng sản luôn có sức mê hoặc đối với dòng tiền nóng. Một số phiên biến động mạnh chủ yếu tập trung vào cổ phiếu khoáng sản cũng có tác dụng dẫn dắt thị trường, nhưng vẫn được nhận định đơn thuần là hiện tượng đầu cơ.

Lợi nhuận sụt giảm
Trên thị trường, các công ty ngành Khoáng sản đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh bán niên năm 2013 với mức lợi nhuận sụt giảm mạnh. Một số cổ phiếu lẻ lại có doanh thu và lợi nhuận tốt, nhưng giao dịch trên sàn không mấy sôi nổi.
Theo đó, số lượng công ty báo lãi rất nhiều, nhưng lợi nhuận chẳng bao nhiêu, chỉ đạt 92,6 tỷ đồng, bằng 43% cùng kỳ. Các công ty còn lại đều ghi nhận tăng trưởng âm về lợi nhuận, ngoại trừ LBM tăng trưởng 13% còn KSS, MIC và KSH đã có lợi nhuận dương. Riêng KSS năm trước bị lỗ thì năm nay có lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này có được là do tiết giảm tối đa một số khoản chi phí đầu vào.
Việc lợi nhuận các cổ phiếu ngành Khoáng sản ở quý giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm là do một số doanh nghiệp lớn như SQC chỉ đạt 1,6 tỷ đồng trong quý II, là con số khiêm tốn so với vốn điều lệ, 1.100 tỷ đồng. Điều này được Công ty lý giải bởi mức giá vốn hàng bán tăng cao trong kỳ. Với mức lợi nhuận này, Công ty chỉ hoàn thành vỏn vẹn 5% kế hoạch năm 2013. SQC cũng là cổ phiếu có giao dịch trầm lắng trên sàn, hầu như không xảy ra giao dịch và biến động giá.
Một số doanh nghiệp lãi lớn như HGM, KSB và BMC chiếm hơn 75% tổng lợi nhuận của các công ty báo lãi. Tuy nhiên, lợi nhuận tại các công ty này đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu là Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) với mức lãi sau thuế quý II/2013 gần 28 tỷ đồng, chiếm hơn 33% tổng lợi nhuận của toàn ngành Khoáng sản đang niêm yết nhưng mức lợi nhuận này giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HGM đạt hơn 84.8 tỷ đồng doanh thu thuần, 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 8% và 22% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2013.
Đối với Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) lợi nhuận sau thuế quý II/2013 với gần 23 tỷ đồng, chiếm hơn 27% tổng lợi nhuận toàn ngành. Cũng tương tự HGM, lợi nhuận sau thuế của KSB bị sụt giảm, mất gần 24% so với cùng kỳ năm 2012. Tương ứng mức lợi nhuận này, Công ty chỉ hoàn thành hơn 44% kế hoạch cả năm 2013.
Công ty còn lại có mức ảnh hưởng đáng kể đến tổng lợi nhuận toàn ngành Khoáng sản là Khoáng sản Bình Định (BMC). Quý II/2013, BMC đạt gần 95,5 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ở mức gần 19 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 14% và gần 40% so với quý II/2012.
Với mức lợi nhuận này, BMC chiếm 23% tổng lợi nhuận của ngành trong quý II/2013. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu thuần đạt gần 196 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm hơn 20%, về mức hơn 42,7 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 53% kế hoạch năm.

Sóng mạnh, rủi ro rất lớn
Qua phân tích như trên, cho thấy nhiều phiên cổ phiếu giảm sàn mạnh nhưng nhóm cổ phiếu khoáng sản đôi khi lại gây bất ngờ khi tăng ngược dòng bởi thông tin không cùng hướng trên thị trường. Một số nhóm cổ phiếu được đẩy lên do có lợi nhuận tích cực được giới đầu cơ mua vào mạnh đẩy giá tăng cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, có những phiên cổ phiếu của nhóm biến động giá khá mạnh là do thị giá khá thấp nên dễ đẩy giá tăng cao.
Một số lãnh đạo công ty khoáng sản chia sẻ, cổ phiếu ngành khoáng sản tăng giá đôi khi dựa trên yếu tố độc quyền của giấy phép khai thác mỏ hay trữ lượng khoáng sản. Mà khoáng sản chưa khai thác nằm trong lòng đất nên hư hư thực thực không thể cân đong đo đếm chính xác. Vì vậy, nhà đầu tư chấp nhận trả cho cổ phiếu khoáng sản một mức giá cao ngất ngưởng chủ yếu do yếu tố kỳ vọng.
Có lẽ những yếu tố hư ảo này góp phần tạo nên các cơn sốt cổ phiếu khoáng sản điên loạn. Có thời điểm cổ phiếu MIC, cổ phiếu KSH hay cổ phiếu BMC gây choáng ngợp thị trường khi chỉ biết tăng mà không có điểm dừng. Mặc dù lợi nhuận của những cổ phiếu này rất bấp bênh, nhưng có khi tạo ra sức nóng cho thị trường, trở thành những kỷ lục được ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, sau thời kỳ đỉnh cao sôi động, với khối lượng chuyển nhượng lớn, mức giá tăng cao ngất ngưởng thì sẽ rơi vào khoảng lặng. Một khi dòng tiền đầu cơ rút đi, những cổ phiếu này sẽ sụt giảm mạnh.
Trước đây, được săn đón nồng nhiệt ra sao thì khi lợi nhuận sụt giảm sẽ khiến nhiều nhà đầu tư ngó lơ. Bởi lẽ có nhiều người thành công khi vào đúng sóng nhưng cũng không ít người bị trắng tay.

Theo Thời báo kinh doanh