Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bất động sản niêm yết lâm vào cảnh khó khăn là do ôm quá nhiều dự án và đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.
Để có thể vực dậy trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tốt nhất nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn là chấp nhận lỗ để thoái vốn.
Âm thầm thoái vốn
CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (UDC) công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 và chuyển nhượng dự án. Cụ thể, HĐQT của UDC thống nhất chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án chung cư Bàu Sen.
Đây là dự án trọng điểm của UDC tại thành phố Vũng Tàu với quy mô 21 tầng lầu, 588 căn hộ, giá bán từ 16 triệu đồng/m2.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý IV-2013, nhưng đến nay công trình vẫn đang dang dở do sản phẩm căn hộ bán chậm nên không đủ vốn để tiếp tục hoàn thiện dự án. CTCP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng đang cân nhắc khả năng thoái vốn khỏi dự án Hòa Hải (Đà Nẵng).
Đây là một dự án không hiệu quả do SJS đầu tư vào thời điểm năm 2010, khi giá đất tại Đà Nẵng đang ở mức cao. Tuy nhiên, cũng giống như UDC, khả năng thoái vốn thành công của SJS rất thấp dù chấp nhận bán lỗ. Mức giá vốn của SJS tại dự án này khoảng 8 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện tại đã giảm khoảng 35-40% so với giá mua của SJS.
Trước đó, Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) cũng thông báo thoái vốn tại CTCP Nhà và Thương mại dầu khí. Theo đó, PET đã hoàn tất chuyển nhượng 100% vốn đã đầu tư (tương đương 30% cổ phần) tại công ty này. Sau khi chuyển nhượng, PET đã thu về toàn bộ số tiền đầu tư vào công ty này.
Thế nhưng PET lại không công bố giá cũng như đối tác nhận chuyển nhượng. Tương tự, CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) thông báo hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình tại Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà Đoàn Nguyên (Đoàn Nguyên), nhưng không hề công bố thông tin về đối tác và giá trị chuyển nhượng. Được biết, KDH đã đầu tư vào Đoàn Nguyên gần 150 tỷ đồng (chiếm 99,9% vốn điều lệ).
Thà một lần đau
Theo BCTC quý II-2013 của UDC, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt gần 66,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 157 triệu đồng và lãi hợp nhất âm 621 triệu đồng. Việc ôm đồm quá nhiều dự án trong khi năng lực có hạn đã khiến hiệu quả hoạt động của UDC ngày càng đi xuống.
Và đây có lẽ là lý do chính khiến lãnh đạo UDC đưa ra quyết định bán bớt dự án chung cư Bàu Sen. Tuy vậy, dự đoán khả năng bán được dự án Bàu Sen không cao, lãnh đạo UDC đã lên phương án dự phòng. Theo đó, nếu không chuyển nhượng được dự án sẽ thống nhất điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển dự án chung cư Bàu Sen từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội để dễ tiêu thụ hơn.
Quay lại với trường hợp của KDH. Việc thoái vốn khỏi Đoàn Nguyên đã được HĐQT KDH xác định từ đầu năm khi nhận thấy thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu hồi phục. Theo đó, KDH đã chủ động tạm ngừng triển khai nhiều dự án từ năm 2012 nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính. Trước khi công bố thoái vốn khỏi Đoàn Nguyên, KDH đã thực hiện thoái vốn tại nhiều dự án.
Điển hình là việc chuyển nhượng 25% vốn trong Công ty liên doanh CVH Mùa Xuân cho CapitalLand để không phải tăng thêm vốn cho việc xây dựng dự án. Đầu tháng 8, KDH cũng công bố hoàn tất chuyển nhượng gần 70 tỷ đồng giá trị góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (tương đương 25% vốn điều lệ).
Trong bối cảnh hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp ráo riết bán bớt dự án đầu tư, theo nhiều chuyên gia, giống như hành động “vứt bớt hàng hóa xuống biển để giúp con tàu dễ dàng vượt bão”. Thực tế cũng đã chứng minh, đã có không ít doanh nghiệp vượt thoát sau khi chấp nhận bán bớt dự án để cắt giảm chi phí, tập trung vào những dự án có hiệu quả hơn.
Đơn cử là trường hợp CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) bán dự án Hòa Bình Tower tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hay CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) rút hết vốn khỏi các dự án bất động sản, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất tôn. Đặc biệt, ngay cả doanh nghiệp ngoại cũng không nề hà việc thoái vốn khỏi các dự án bất động sản, như GS E&C bán khu sân golf và biệt thự tại Củ Chi cho CT Group; Limitless bán 51% cổ phần tại dự án Halong Star cho Sovico Holdings…
Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính