Trong điều kiện các kênh đầu tư đều khó khăn, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào ngân hàng dù cho lãi suất huy động đang rất thấp cũng là điều dễ hiểu
Mặc dù từ đầu năm, Chính phủ đã có 2 nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường nhưng các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đến nay vẫn chưa rõ triển vọng tăng trưởng. Sự trầm lắng quá lâu của các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, tỉ giá cùng với kỳ vọng lạm phát giảm đã khiến xu hướng gửi tiền tiết kiệm VNĐ tăng lên rõ rệt.
Tiền chảy vào ngân hàng
Ngoại trừ một vài hiện tượng như giá căn hộ chung cư VP5 Linh Đàm (Hà Nội) của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu được sang tay với lợi nhuận 70-280 triệu đồng/căn hộ thì phần lớn thị trường bất động sản cơ bản vẫn đang trầm lắng. Từ chỗ phải ứng tiền mua nhà trên giấy cho chủ đầu tư để lấy vốn thi công, người mua nhà hiện nay có thể được vào ở thử, nếu ưng ý mới trả tiền nên rất ít cơ hội đầu tư có lợi nhuận…
Trong khi đó, chứng khoán lúc “nóng” lúc “lạnh” nhưng chỉ tạo sóng ở một vài mã, không khí bao trùm thị trường vẫn là ảm đạm. Còn thị trường vàng cũng không có cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng mua vào – bán ra trong ngày để kiếm cả triệu đồng/lượng như trước do Ngân hàng (NH) Nhà nước đang siết quản lý thị trường này theo Nghị quyết 24. Riêng tỉ giá gần đây có một vài thời điểm cao bất thường nhưng cũng không đủ tạo sóng cho giới đầu cơ…
Một chuyên gia kinh tế nhận xét: Trong điều kiện các kênh đầu tư đều tắc, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào NH bất chấp lãi suất huy động đang rất thấp, điều này cũng dễ hiểu. Thực tế huy động vốn của các NH đang có mức tăng cao dù lãi suất được điều chỉnh giảm từ ngày 26-3.
Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động VNĐ của khối NH thương mại nhà nước chỉ còn 1%-1,2%/năm (loại không kỳ hạn), kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%-6,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng là 6,5%-7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 8%-9%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn tương ứng của khối NH thương mại cổ phần cũng chỉ cao hơn khoảng 0,5%-1%/năm.
Tuy vậy, huy động vốn của các NH vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Cục Thống kê TP HCM, trong tháng 6, vốn huy động của các NH thương mại nhà nước tăng 2,63%. Tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố tính đến đầu tháng 7 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cuối năm 2012. Đáng lưu ý là vốn huy động bằng ngoại tệ đã giảm 18,2% trong khi vốn huy động VNĐ tăng 19%, trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 54,7% tổng vốn huy động và tăng 32%…
Gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất – kinh doanh đều tốt
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng gửi VNĐ đang là lựa chọn tốt nhất cho người có tiền. Đây không phải kênh đầu tư vì đầu tư phải có rủi ro nhưng gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm là nơi trú ẩn an toàn nhất, đặc biệt là cho tiền nhàn rỗi.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định đây là thời điểm thuận lợi để doanh nhân bỏ tiền đầu tư sản xuất – kinh doanh nhưng nếu muốn an nhàn thì có thể gửi tiết kiệm VNĐ.
Theo tính toán của ông Thành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đối với VNĐ hiện nay khoảng 6,7%-7%/năm, lãi suất gửi USD là 1,25%/năm. Thống đốc NH Nhà nước tuyên bố năm nay tăng tỉ giá tối đa 3%, vừa qua đã tăng 1%, nếu điều chỉnh hết biên độ thêm 2% nữa thì lợi nhuận gửi USD chỉ là 4,25% (1,25% lãi suất + 3% tăng tỉ giá = 4,25%). Như vậy, lợi nhuận từ gửi USD vẫn thấp hơn so với mức lãi suất 6,7%-7% của tiết kiệm VNĐ. Chưa kể, nhiều khả năng lợi nhuận gửi USD còn thấp hơn mức trên vì có thể tỉ giá chỉ tăng thêm khoảng 1% nữa do NH Nhà nước đang rất kiên định với tỉ giá.
Nhấn mạnh đây là thời cơ tranh thủ đầu tư sản xuất – kinh doanh, TS Võ Trí Thành phân tích lạm phát cả năm dự báo được kiềm chế ở mức 6%-7%. Lãi suất thấp, NH dồi dào thanh khoản thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay để phục hồi và mở rộng làm ăn. Nếu tiếp tục đầu tư tài chính vào thời điểm này thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù có lời cũng chỉ mang lại lợi nhuận cho cá nhân, rất ít giá trị mới để đóng góp cho GDP.
Theo Người lao động