Nhân viên ngân hàng sốc vì mức lương 2,5 triệu/tháng

Kinh doanh sa sút, nhiều nhà băng đồng loạt cắt giảm mạnh thu nhập, nhân viên mới vào chỉ nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng – thấp hơn cả mức lương bình thường của ôsin.

Nhận một ngân hàng thương mại cổ phần năm 2012 nổi tiếng với việc sa thải hàng loạt nhân sự, Q. – sinh viên một trường đại học tại Hà Nội, cho hay không khỏi cảm thấy hụt hẫng với mức lương xấp xỉ 2,5 triệu đồng/tháng. “Đây là mức ‘không tưởng’ đối với ngành ngân hàng – một trong những ngành có thu nhập tốt nhất những năm trước”, Q. chua chát nói. Mức lương trọn gói mà Q nhận được còn thấp hơn cả mức trung bình của một người làm nghề giúp việc (ôsin) – khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với sinh viên mới ra trường như Q., việc xin được vào ngân hàng và có lương hàng tháng đã là hạnh phúc, do năm nay không nhiều đơn vị hào hứng với tuyển dụng. Q. kể, tại ngân hàng này, chưa tính hoa hồng, lương của nhân viên bộ phận quan hệ khách hàng làm việc từ một năm trở lên cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng – mức khó tin đối với ngành nghề chuyên kinh doanh những nghiệp vụ liên quan đến tiền.
Những nhà băng đã công bố báo cáo tài chính sau 6 tháng hoạt động cũng phát đi tín hiệu không mấy khả quan về lương thưởng, thu nhập dành cho nhân viên. Tại Navibank – ngân hàng đầu tiên trong danh sách các ngân hàng niêm yết tuyên bố lỗ, thu nhập nhân viên cũng giảm mạnh. Báo cáo tài chính quý II của Navibank cho thấy, khoản tiền dùng để chi lương, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên đã giảm từ hơn 128,7 tỷ đồng xuống còn hơn 84,9 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân viên ngân hàng này nhận về hơn 9,1 triệu đồng/tháng.
Theo nhiều người trong cuộc, chuyện lương bình quân như các phép chia trong báo cáo tài chính, là đã tính chung đối với những người làm công tác quản lý, nên không phải cơ sở để xác định đó là mức trung bình của tất cả các cán bộ nhân viên. Ngoài ra, mức lương tại các ngân hàng không cố định mà sẽ phụ thuộc vào bộ phận làm việc và từng đơn vị.
Chẳng hạn, trong nửa đầu năm 2013, vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cũng có lương dao động từ 4 đến cả chục triệu đồng. Cao nhất vẫn là khối những ngân hàng cổ phần quy mô lớn, hay ngân hàng nước ngoài như ANZ, Standard Chatered… Thậm chí, tại một số nhà băng nước ngoài, theo rỉ tai của giới làm nghề, chuyên viên quan hệ khách hàng có thể nhận lương từ hơn 10 triệu đến xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng, chưa kể những bộ phận khác có vai trò quan trọng hơn. Ở những ngân hàng nhỏ hơn, mức lương cho chuyên viên quan hệ khách hàng dao động khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Bộ phận giao dịch viên thường có lương thấp hơn, do công việc không nhiều áp lực như các vị trí chuyên môn khác.
Giai đoạn này, xu hướng tuyển nhân sự cũng diễn ra nhiều tại các ngân hàng có chiến lược mở rộng quy mô trong năm 2013. Như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín vừa phát đi thông báo về việc tuyển 1.000 thực tập viên tiềm năng trong năm nay, có chi phụ cấp, với một số điều kiện tương đối khắt khe về điểm số và ngoại hình. Ngược lại, ở những đơn vị phát triển ổn định, việc tuyển thêm nhân viên chưa được tính đến. Còn tại nhiều đơn vị khác, ghi nhận 2013 là một trong những năm tinh giản bộ máy nhân sự. Trong kế hoạch năm, nhiều đơn vị cũng cho biết sẽ phát triển bộ máy nhân sự theo hướng gọn nhẹ nhưng hiệu quả.
Thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần khác ở Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố để quyết định mức lương cho cán bộ nhân viên, đó là trình độ học vấn và kinh nghiệm; năng lực làm việc; đòi hỏi về vị trí, công việc sẽ đảm nhiệm. Tùy các yêu cầu này mà mức lương thưởng sẽ khác nhau, song nhân tố hợp lý sẽ đặt lên hàng đầu. Vị này cũng thừa nhận, có sự chênh lệch trong mức đãi ngộ giữa các ngân hàng nước ngoài với nhà băng trong nước, với xu thế các đơn vị nước ngoài trả lương hậu hĩnh hơn.
Theo phân tích của ông, quy trình tuyển nhân viên của các ngân hàng nước ngoài khó hơn, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ chuyên sâu, tốt hơn so với ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, khi tuyển dụng, các ngân hàng nước ngoài cũng rất khắt khe trong việc điều tra, xác minh độ xác thực của hồ sơ, giấy tờ cũng như quá khứ của người ứng tuyển, không “dễ dãi” như một số ngân hàng trong nước.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề lương thưởng trong ngân hàng Việt hiện nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu so với mức bình quân của các ngành kinh tế, lương cán bộ nhân viên ngành ngân hàng thuộc hàng trung bình. Bình quân lương của lao động trong thời gian qua tăng, nhưng mức tăng của ngành ngân hàng không cao, chuyên gia này nhận định.
Ông cũng cho rằng, trước đây, so với các ngành kinh tế khác, lương thưởng cũng như các chế độ trong ngành ngân hàng đúng là cao hơn, nhưng hiện tại, mức này ở trung bình. Thậm chí nếu so với các quốc gia xung quanh và trong khu vực về số tuyệt đối, thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng Việt Nam ở mức rất thấp.

Theo Zing/Tri thức