Trong tháng 7, cổ phiếu đánh bại trái phiếu

Cổ phiếu toàn cầu đã có tháng tốt nhất kể từ tháng 6/2012.

TTCK toàn cầu đã tăng điểm trong tháng 7, đánh bại các loại tài sản khác là trái phiếu và đồng USD với mức chênh lệch lợi suất cao nhất kể từ tháng 1. Hàng hóa có lợi suất tốt nhất trong 11 tháng trở lại đây trong bối cảnh lợi nhuận của các doanh nghiệp tốt hơn dự báo và nhà đầu tư thay đổi nhận định về thời điểm Cục dự trữ liên bang (Fed) giảm qui mô gói kích thích.

Tháng tốt nhất cho cổ phiếu
Theo số liệu từ Bloomberg, chỉ số MSCI All-Country World Index theo dõi diễn biến của 45 thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã tăng 4,8% trong tháng 7. Chỉ số Standard & Poor’s 500 lập kỷ lục mới. Giá trị vốn hóa của TTCK toàn cầu đã tăng thêm khoảng 2.400 tỷ USD trong tháng 7 với các công ty (từ Bank of America đến Apple hay Daimler) đều có lợi nhuận vượt dự báo.
Cổ phiếu toàn cầu đã có tháng tốt nhất kể từ tháng 6/2012 với 36/45 thị trường tăng điểm. Chỉ số EGX 30 của TTCK Ai Cập tăng điểm mạnh nhất (14%) sau khi quân đội đảo chính và lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi. Sự kiện này khiến Ai Cập được hứng “cơn mưa viện trợ” 12 tỷ USD từ các nước vùng Vịnh. Ngược lại, chỉ số Ipsa của TTCK Chile là chỉ số tồi tệ nhất khi giảm 7,4%. 

Lợi suất trái phiếu tụt dốc
Trong khi đó, các loại trái phiếu mang về mức lợi suất trung bình 0,3% và chấm dứt 2 tháng giảm liên tiếp. Trái phiếu Mỹ giảm 0,2% và đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Dự đoán cho rằng Fed sẽ bắt đầu thu hẹp qui mô chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức 2,75% trong phiên 8/7 – cao nhất kể từ tháng 8/2011. Tuy nhiên, lợi suất này nhanh chóng tuột khỏi mốc cao nhất 2 năm sau khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke khẳng định hôm 19/7 rằng nước Mỹ vẫn cần đến kích thích. 
Chỉ số Global Broad Market Index được Bank of America Merrill Lynch công bố đã giảm tổng cộng 0,9% kể từ đầu năm đến nay. 
Trong tháng 7, trái phiếu chính phủ Hy Lạp là loại trái phiếu có diễn biến tốt nhất, tăng 4,8%. Trái phiếu Nam Phi có diễn biến tồi tệ nhất khi giảm 0,8%. 

Nhà đầu tư rời bỏ USD
Dollar Index – chỉ số đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với 10 đồng tiền chủ chốt khác – giảm 1,4% do nhà đầu tư tìm kiếm tài sản sinh lợi hơn. Đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2012 trong bối cảnh nhà đầu tư dự đoán chính sách tiền tệ của Fed vẫn linh hoạt. 
Đồng Zloty của Ba Lan tăng 4% so với USD và tăng mạnh nhất trong số 31 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Đồng ringgit của Malaysia có diễn biến tồi tệ nhất trong số các nước mới nổi, giảm 2,6%. 

Thị trường hàng hóa khởi sắc
Chỉ số S&P GSCI Total Return Index gồm 24 loại hàng hóa tăng 4,9%, mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Theo Sandy Lincoln, chiến lược gia đến từ công ty quản lý tài sản BMO Global, khi nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế toàn cầu (trong đó có Mỹ) đang ổn định và có những tín hiệu tích cực, họ sẽ chuyển sang các tài sản có độ rủi ro cao hơn.
Xăng, dầu thô và vàng đều có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2012 và là những hàng hóa tăng giá mạnh nhất.

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg