Nhu cầu vàng đang ở đâu?

Không loại trừ khả năng có hiện tượng đầu cơ vàng từ các phiên đấu thầu vàng của NHNN, vì nếu tính 17 NHTM được phép kinh doanh vàng miếng thì lượng vàng được phép mua không thể nào lớn như vậy.

Cho đến phiên đấu thầu ngày 1-8 của NHNN, lượng cung vàng ra thị trường qua 49 phiên tương đương khoảng 50 tấn vàng. Mục đích ban đầu của việc đấu thầu này là hỗ trợ các NHTM tất toán trạng thái vàng kể từ ngày 30-6. Nhưng sau ngày này, NHNN đã tổ chức thêm các phiên đấu thầu và lượng vàng đưa ra đều được vét sạch. Vậy lượng vàng này đang ở đâu? Để giải mã vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM.
PHÓNG VIÊN:- Thưa ông, gần đây chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của khách hàng gửi vàng tại các NH (xin được giấu tên) khi đến hạn đến rút chờ rất lâu mới có vàng, mặc dù chỉ vài lượng vàng SJC. Phải chăng NH đang mất thanh khoản vàng khi đem lượng vàng này cho vay hay là nguyên nhân nào khác?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ:- Về nguyên tắc, đến ngày 30-6-2013, tất cả các NHTM đều phải thực hiện tất toán trạng thái vàng huy động của người dân. Nghĩa là các NHTM phải mua vàng nếu trước đấy đã cho vay vàng hay chuyển đổi ra tiền đồng cho vay phải mua lại vàng để trả cho người gửi.
Như vậy thể theo đúng quy định của NHNN về quản lý thị trường vàng theo Thông tư 12/2012/2012/TT-NHNN. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ khi tất toán trạng thái vàng, các NHTM đã thỏa thuận với người có vàng để nhận dịch vụ giữ hộ mà không cần trả phí. Gần đây, NHNN đã cấm các NHTM nhận giữ hộ vàng của người dân.
Câu chuyện của người gửi vàng lúc này là do các NHTM đã dùng số vàng này cho các mục đích khác. Tôi xin nêu cách thức biến hóa này sau. Khi số vàng của người gửi được dùng vào việc khác, người gửi đến rút vàng chắc chắn phải chờ một thời gian, vì chi nhánh NHTM sẽ báo cáo về hội sở và chờ thời gian điều chuyển lượng vàng từ nơi người gửi chưa rút đến nơi người gửi rút lại lượng vàng ký gửi.
Vấn đề nằm ở chỗ, NHNN có cho phép các NHTM hoạt động theo Nghị định 24/2012, tức được phép đầu tư kinh doanh vàng miếng với mức đầu tư tối đa theo trạng thái không vượt quá 2% vốn chủ sở hữu. Nếu giả sử một NHTM với quy mô vốn 3.000 tỷ đồng và đầu tư vàng ở mức tối đa 2%, số tiền mua vàng sẽ 60 tỷ đồng.
Với giá vàng hiện tại, NHTM này sẽ mua được khoảng 1.600 lượng vàng. Nếu đem số vàng này để tại mỗi phòng giao dịch, chi nhánh mà NHTM này hoạt động ước khoảng 25 địa điểm trên toàn quốc, vị chi mỗi địa điểm giao dịch chỉ có khoảng hơn 60 lượng. Vậy, với lượng vàng này sẽ không thể đáp ứng nhu cầu kinh doanh và rút vàng bất chợt của người gửi vàng.
– Theo ông, các NH hiện nay đã tất toán xong trạng thái vàng chưa? Hay khi báo cáo với NHNN đã tất toán nhưng thực ra dùng số vàng giữ hộ để bù đắp thiếu hụt?
– Theo tôi, có lẽ các NHTM đã tất toán xong trạng thái vàng theo quy định của NHNN tại Thông tư 12. Điều này cũng dễ phát hiện trên hệ thống báo cáo của NHTM đến NHNN. Điều chúng ta nên nghĩ đến là vàng mà NHTM mua vào để tất toán là từ đâu? Phải chăng từ việc bán ra của NHNN?
Hay các NHTM mua của dân? Ở đây tôi trình bày một nghiệp vụ mà NHTM mua vàng để tất toán nhưng bản chất là chưa mua vàng để tất toán, nên mới có câu chuyện cớ sao sau ngày 30-6-2013 NHNN bán đấu giá vàng bao nhiêu cũng hết?
Giả sử một NHTM đang huy động của người dân trước đây 1.000 lượng vàng và đã chuyển đổi sang tiền đồng. Theo quy định, NHTM sẽ phải mua lại để trả cho người gửi vàng. Bằng cách mua vào 500 lượng để trả cho người gửi, sau đó nhận giữ hộ số vàng này của người gửi có thể lấy phí hoặc không lấy phí. Sau khi nhận giữ hộ vàng,
NHTM sẽ quyết định lượng vàng nhận giữ hộ có thể bán ra để kinh doanh hoặc bán cho chính mình. Trong trường hợp này NHTM sẽ bán lại cho chính mình để tất toán cho số 500 lượng vàng còn lại.
Lưu ý ở đây là 500 lượng vàng giữ hộ không thuộc sở hữu của NHTM, đương nhiên không ghi nhận trong hệ thống báo cáo (gọi là tài khoản ngoài bảng), nhưng họ dùng tài khoản của người gửi để bán ra và phía NHTM mua vào. Vậy là NHTM đã mua đủ 1.000 lượng thể theo Thông tư 12, trong đó có 500 lượng mua của người gửi mà NHTM nhận giữ hộ.
Điều này cho thấy, bản chất vấn đề là NHTM vẫn chưa tất toán hết 1.000 lượng, họ vẫn còn ghi nợ của người gửi vàng 500 lượng. Vì thiếu hụt 500 lượng do đã “chiếm dụng” của người gửi nên NHTM sẽ phải mua vào sau ngày 30-6. Chính vì vậy, dù đã qua thời điểm tất toán, NHNN bán vàng ra vẫn bị các NHTM tham gia mua toàn bộ.
Như vậy, bản chất của việc tất toán này xét trên bình diện nền kinh tế là chưa hoàn tất trạng thái. Tuy nhiên, xét góc độ luật pháp đã đảm bảo và đương nhiên sẽ tồn tại một hoạt động sai luật có thể đe dọa đến hệ thống NHTM lẫn người gửi vàng.
Ngày 11-7, NHNN đã có văn bản chỉ đạo một số NHTM dừng thực hiện nhận giữ hộ vàng của khách hàng, nhưng đây là nghiệp vụ ngoài bảng nên khó lòng NHNN kiểm soát được, chẳng hạn như nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán mà không thu phí, người bán hàng nhận hợp đồng bảo lãnh của NH và an tâm bán hàng cho khách hàng.
Khi khách hàng không trả thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Và điều này nếu có nhiều người đến rút vàng và không thực hiện giữ hộ có khả năng NHTM tại thời điểm đó không có khả năng chi trả hoặc phải mất thời gian người gửi mới nhận được vàng.
– Theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện nay lực cầu vàng trên thị trường rất yếu, nhưng vì sao các phiên đấu thầu vàng sau 30-6 vẫn hút các đơn vị tham gia. Có vấn đề đầu cơ ở đây?
– Như tôi đã có phân tích trên, thực chất của vấn đề tất toán trạng thái vàng trong hệ thống NHTM vẫn chưa hoàn tất nên hệ thống NHTM vẫn phải thường mua vàng vào để chuẩn bị trả lại cho người gửi vàng. Việc mua vào vàng của NHTM qua các phiên đấu giá sẽ tăng mạnh khi giá bán càng thấp hơn mức giá trước ngày 30-6.
Vì NHTM tạm tính mức giá mua vào của lượng vàng nhận giữ hộ trước ngày 30-6 (chẳng hạn 40 triệu đồng/lượng), nay khi NHNN đấu thầu mức giá 38 triệu đồng/lượng, NHTM mua vào và báo cáo tài chính sẽ hoàn nhập một khoản lợi nhuận 2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng có hiện tượng đầu cơ vàng từ các phiên đấu thầu vàng của NHNN, vì nếu tính 17 NHTM được phép kinh doanh vàng miếng thì lượng vàng được phép mua không thể nào lớn như vậy. Báo đã có phân tích vấn đề này và cũng đã từng chỉ ra một lực cầu khá lớn từ sự hỗ trợ của dòng vốn từ hệ thống NHTM cho hoạt động kinh doanh vàng tại các công ty kinh doanh vàng miếng và những nhà đầu tư lớn.
– Xin cảm ơn ông.
Ông TRẦN THANH HẢI, Tổng giám đốc VGB:
Giảm chênh lệch xóa đầu cơ

Để biết vàng đấu thầu đang ở đâu, NHNN vừa có thông báo yêu cầu NHTM báo cáo tình hình kinh doanh vàng miếng vào 14 giờ hàng ngày. Nhưng trên thực tế có thể thấy, hiện nay lượng mua chủ yếu là các TCTD và phân phối đến một chuỗi các tiệm vàng F1, F2, F3, F4, F5…

Giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn chênh lệch đến 4 triệu đồng, do đó với bất cứ một phân khúc cung nào cũng có thể được thị trường hấp thụ. Do chênh lệch cao nên những tiệm vàng F4, F5 dự báo giá vàng có khả năng hạ, họ sẽ đẩy bán ra để chốt lời và chấp nhận bị âm trạng thái, sau đó chờ các đợt đấu thầu vàng giá hạ sẽ mua bù vào.

Cứ mỗi tiệm vàng chấp nhận rủi ro 5-10 lượng, 10 tiệm vàng sẽ âm 50-100 lượng, gom lại cả nước là một khối lượng cầu rất lớn nên vàng đấu thầu luôn cháy hàng cũng dễ hiểu. Với chênh lệch giá như vậy, các NHTM, TCTD và doanh nghiệp dễ dàng tìm được kẽ hở để tham gia tìm kiếm lợi nhuận. Nếu như khoảng cách chênh lệch được rút ngắn lại, có thể đấu thầu vàng sẽ “ế”, thậm chí có thể mua lại.

Có thông tin cho rằng nên dừng “cuộc chơi” vàng của các NHTM, vì các NHTM giữ một lượng tiền huy động rất lớn nên có khả năng làm lũng đoạn thị trường vàng. Bởi ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất nước cũng chỉ dám ôm 5.000-7.000 lượng, không đủ vốn để ôm vài chục ngàn lượng như các NHTM. Nhưng nói NHTM đầu cơ cũng đúng, vì bản thân việc kinh doanh nếu không đầu cơ làm sao sinh lời.

Nếu buộc NHTM dừng cuộc chơi vàng cũng sẽ lại sinh ra các công ty con hoạt động tương tự. Do đó, muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải kéo giảm chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới xuống thấp.
Y. Lam (ghi)

Theo Sài Gòn đầu tư