Gánh nặng giá cả sau khi “bù đắp” cho EVN

Giá điện tăng trong khi sức mua vẫn chưa được cải thiện đã đẩy hàng loạt các ngành sản xuất khác vào hoàn cảnh hết sức éo le.

Chỉ chờ Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 19 quy định giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, “nhanh như điện”, cùng ngày (31/7), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo chính thức tăng giá điện từ 1/8. Giá điện tăng thêm 5%, tương đương tăng thêm 71,85 đồng (đ)/kwh, như vậy, từ hôm qua giá bán điện bình quân là 1.508,85đ/kwh.
Giá điện tăng trong bối cảnh, trước đó mới 4 ngày, Bộ Công Thương đã tổ chức một hội thảo để “lắng nghe” và bàn giải pháp khắc phục khó khăn cho hai ngành thép và xi măng. Tại đây, ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ, không thể “nói vo” ngành thép ngốn nhiều điện do công nghệ lạc hậu. Bởi lẽ, từ năm 2005 đến nay, các nhà đầu tư đã chọn lựa những công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn.
Thực tế, công nghệ ngành thép Việt Nam so với các nước trong khu vực đều không thua kém. “Gần đây nhiều công nghệ của Việt Nam còn tiên tiến hơn các nước khu vực” – ông Nghi nói. Đơn cử, lượng tiêu thụ điện của thép là 450 kwh/tấn sản phẩm, đây là mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á.
Vì vậy, “việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo lần ba về cơ cấu biểu giá điện, trong đó xác định sẽ tách giá điện bán cho ngành thép và xi măng ra thành một loại riêng, bán với giá cao hơn các ngành sản xuất khác từ 2-16% cho từng loại sản phẩm là không công bằng”.
Hơn nữa, đây là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp, nên nếu áp dụng ở thời điểm này thì đã đi ngược với tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Theo ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), có đến 7/13 công ty con của tổng công ty này đang bị thua lỗ; 5 doanh nghiệp (DN) liên doanh với VnSteel cũng đang trong tình trạng… không thể hòa vốn. Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm của VnSteel cho thấy, giảm sút mạnh khi mới chỉ đạt 42,4% kế hoạch đề ra.
Cùng cảnh, đó là ngành xi măng. Ông Lại Quang Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Việt – Úc nói thẳng, việc áp mức giá điện bán các DN xi măng và thép là “phân biệt đối xử”. Trong khi, ngay tại trung tâm thép của Việt Nam là Hải Phòng đang có nhiều DN phải đóng cửa.
Cụ thể, 4 DN luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa, 3 DN cán thép công suất 60.000 tấn cũng đã dừng hoạt động. “Đằng sau việc đóng cửa của DN là các gia đình khó khăn, an ninh xã hội bất ổn. Với 2.000 lao động không có việc làm thì cần 30.000 tỷ đồng để khôi phục việc làm cho họ, đây là nguồn vốn quá lớn”, ông Trung nhấn mạnh. Được biết, ngành xi măng đang tồn kho tới 2,8 triệu tấn sản phẩm.

“Làn sóng” tăng giá
Dường như “linh cảm” được thời điểm tăng giá điện, hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác, như gas, sữa, cũng đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán từ 1/8.
Theo một số đơn vị kinh doanh mặt hàng gas, kể từ ngày 1/8, giá bán gas sẽ tăng 667 đồng/kg (tương đương 8.000 đồng/bình 12kg) so với đầu tháng 7. Như vậy, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ vào khoảng 386.000 đồng/bình 12kg. Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 6/2013, giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng. Cùng với các công ty kinh doanh gas, các hãng sữa đã thông báo đến đại lý và cửa hàng về việc điều chỉnh tăng giá từ 5 đến 20% tùy theo từng loại sữa kể từ đầu tháng 8.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo, chỉ tính riêng Hà Nội, cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6 – 0,7%. Còn theo một báo cáo mới nhất của nhóm phân tích thuộc Công ty chứng khoán Bản Việt, hiện giá xăng thế giới vẫn cao hơn so với giá xăng bán lẻ trong nước khoảng 500 đồng/lít, có nghĩa là “triển vọng” tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng là khá lớn nếu các công ty kinh doanh xăng dầu không muốn bị thua lỗ.
Theo đó, CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 0,15%. Bên cạnh đó, điều chỉnh giá điện sẽ trực tiếp khiến giá hàng tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 8 và 0,2% nữa trong tháng 9. Dự báo, lạm phát có thể tăng mạnh ở mức 1,4-1,5% trong tháng 8 và đe dọa mục tiêu của Chính phủ kìm chế lạm phạt ở mức 7%.
Nhiều DN vốn đã khó lại càng khó hơn, trong bối cảnh sản xuất đang đình trệ như hiện nay, các chi phí đầu vào thiết yếu như điện, xăng tăng sẽ càng đẩy DN đến “góc tường”.
EVN lý giải việc điều chỉnh này nhằm bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Giá than bán cho điện từ ngày 20/4 đã 37 – 41% tùy từng loại. Giá dầu nguyên liệu của nhiệt điện cũng tăng khoảng 30% kể từ đầu năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tính toán lại chi phí sản xuất để có lộ trình điều chỉnh giá điện. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là một bước để giá điện tiệm cận với giá thị trường nhằm thu hút đầu tư…
Nói chung, có rất nhiều lý lẽ, tuy nhiên có một điều mà tập đoàn này sẽ chẳng bao giờ đề cập trong các lần tăng giá, đó là các yếu kém nội tại không biết đến lúc nào mới được khắc phục, như tình trạng quá tải, tổn thất điện năng, công tác kiểm tra, giám sát công trình… Nghĩa là, trước mắt, ghánh nặng giá cả vẫn cứ “nhường cho người dân gánh hộ”.

Theo Pháp luật Việt Nam