Kiềm chế lạm phát là một trong những thành công lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô trong năm qua và nửa đầu năm nay.Tuy nhiên, không thể vì thế mà có thể chủ quan khi lạm phát tuy giảm nhưng chưa bền vững.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27% so với tháng trước. Như vậy, CPI đến tháng 7 tăng 2,68% so với tháng 12 năm trước.
Đây là một con số rất thấp so với nhiều năm gần đây khiến nhiều chuyên gia đã lạc quan về dự báo lạm phát 2013. Có ý kiến nhận định rằng, trong những tháng còn lại, dù trong kịch bản xấu nhất lạm phát cũng chỉ ở mức 7%. Lạm phát không còn là vấn đề đáng ngại và đã có thể tạm gác vấn đề lạm phát sang một bên.
Nhìn lại quá trình chống lạm phát trong hơn 1 năm qua và thành quả có được ngày hôm nay thì những nhận định trên chính là sự ghi nhận chính xác trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nỗi lo đình trệ đã được nhiều lần cảnh báo thì những dự báo này càng được chú ý khi nó đặt ra những vấn đề về thay đổi mục tiêu ưu tiên từ chống lạm phát sang phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, với thực tế và kinh nghiệm về lạm phát thì chưa thể vội mừng, chủ quan với lạm phát.
Tháng 7/2013, chỉ số CPI chỉ tăng nhẹ và ở mức thấp nhưng sau 4 tháng tăng giảm đan xen, CPI đã xác lập xu hướng tăng giá rõ ràng. Trong đó ghi nhận rất rõ tác động của việc tăng giá đầu vào các mặt hàng quan trọng lên giá cả chung.
CPI 7 tháng thấp nhưng so với cùng kỳ CPI vẫn tăng 7,29% và bình quân 7 tháng đầu năm nay so với bảy tháng đầu năm trước, CPI tăng 6,81%. Mặc dù đây vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm nhưng vẫn xấp xỉ và vượt trên mốc 7% như được một số chuyên gia đề cập trên đây.
Dù chỉ số cơ bản chỉ ghi nhận mức tăng giá thấp nhưng trên thực tế, gần đây giá cả đã có dấu hiệu tăng lên, nhất là nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Sau 3 lần tăng giá đã khiến cho nhiều mặt hàng, dịch vụ đứng trước sức ép vào đợt điều chỉnh giá mới.
Xu hướng giá dầu thế giới vẫn tăng cao, trong khi các công cụ bình ổn thu hẹp nên khả năng tăng giá tiếp là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, DN và người dân tiếp tục chờ đợi trong lo lắng giá điện có thể sẽ tăng. Hơn thế nữa, bước vào quý 3. cũng lúc chu kỳ tăng giá hàng năm bắt đầu. Khả năng CPI giảm hay tăng thấp như những tháng đầu năm sẽ không còn nhiều.
Một trong những nguyên nhân khiến CPI giảm trong thời gian qua là do suy giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng những yếu điểm cơ bản gây nên bất ổn dài hạn của nền kinh tế như: hiệu quả đầu tư kém, năng suất lao động thấp, khu vực DNNN hạn chế, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công… chưa được khắc phục. Ngay cả vấn đề cơ bản và nóng nhất hiện nay là tái cơ cấu vẫn bị than phiền là triển khai chậm và hiệu quả chưa như mong đợi.
Chính điều này được cho là nguyên nhân chính khiến cho quá trình hồi phục kinh tế sẽ rất khó khăn. Vì thế, tại nhiều diễn đàn, giữa một bên lo lắng về sự đình trệ kéo dài đã đề xuất nới lỏng tín dụng, gia tăng đầu tư thì vẫn có những ý kiến kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô. Cho nên, dù sốt ruột trước khó khăn của nền kinh tế thì sự thận trọng vẫn luôn được nhắc đến trong mọi cuộc thảo luận và các chỉ đạo điều hành.
Với kết quả biểu hiện qua các chỉ số cho đến thời điểm này, các ý kiến trên hoàn toàn có lý khi bước đầu yên tâm với lạm phát. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là nhận định cho một quãng thời gian ngắn từ nay đến cuối năm và đi kèm đó vẫn là các cảnh báo thận trọng để đảm bảo hài hòa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên, nếu lạm phát 7% – thấp nhất trong nhiều năm qua thì thực tế vẫn còn cao hơn dự báo tăng trưởng GDP. Thậm chí, 7% vẫn là một mức cao so với nhiều nền kinh tế cùng trình độ phát triển.
Lạm phát mà nền kinh tế phải gánh chịu chính là hậu quả tích tụ của một thời gian dài trước đó. Không những thế, kinh nghiệm những năm trước đây cho thấy, mỗi khi CPI mới có dấu hiệu đi xuống, nếu mà vội vàng trong việc nới lỏng để bơm tiền, gia tăng đầu tư để thúc đẩy phục hồi thì các chỉ báo lạm phát tăng lên. Thực tế, trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn vất vả lặp di lặp lại giữa việc thắt và nới để cân bằng tăng trưởng và chống lạm phát. Thực tế, cuối cùng vẫn phải chấp nhận một giai đoạn đau đớn, một nhát cắt mạnh trong gần 2 năm qua để tập trung kiềm chế lạm phát.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia cảnh báo, tành quả có được rất khả quan nhưng vẫn được nhận định là còn chưa vững chắc. Trong khi những khó khăn và bất ổn nội tại còn kéo dài chưa khắc phục triệt để thì moi sự vội vàng trước mắt sẽ để lại những nỗi lo lâu dài.
Nỗi lo lạm phát có thể tạm yên trong những tháng tới nhưng nếu không cẩn thận thì câu chuyện cũ lại tái diễn khi lạm phát sẽ quay lại trong một chu kỳ mới. Đó là lo lắng có thật dù nó có thể chưa hiển hiện trong những tháng cuối năm 2013.
Theo Vietnamnet