Hiện giá củ đậu bán trung bình dao động từ 5.000- 6.000 đ/kg. Năng suất một sào đạt 3 – 3,5 tấn, nếu được chăm sóc tốt có thể đạt 4- 4,5 tấn/sào, đem lại khoản thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/sào/vụ.
Vài năm trở lại đây, người dân ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã chuyển đổi nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng củ đậu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Trên cánh đồng bạt ngàn cây củ đậu lá xanh thẫm, người dân đang tất bật dỡ cây, thu hoạch. Xe tải dựng hai bên đường chờ sẵn chở đi tiêu thụ. Bà Lộc Thị May, ở thôn Kéo Mật, vui mừng cho biết: “Năm nay củ đậu được mùa, được giá, bà con mừng lắm. Gia đình tôi trồng 2 sào thu được 6 tấn. Thu xong có thương lái đến tận nơi mua và đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ”.
Cũng theo bà May, củ đậu là loại cây màu dễ trồng, chỉ sau 4 tháng trồng, đã cho thu hoạch. Ở đây người dân trồng hai vụ trong năm. Vụ một được trồng vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 3 để thu hoạch sớm; đợt hai trồng vào tháng 8 đến tháng 9 để thu hoạch dịp cuối năm. Sau 4 tháng tập trung chăm sóc, cây củ đậu đang “đẻ” ra tiền.
Tuy nhiên, nếu người dân trồng trên đất mới thì củ đậu sẽ ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn. Hiện giá bán trung bình dao động từ 5.000- 6.000 đ/kg. Năng suất một sào đạt 3 – 3,5 tấn, nếu được chăm sóc tốt có thể đạt 4- 4,5 tấn/sào, đem lại khoản thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/sào/vụ.
Ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Bằng Khánh cho biết: “Diện tích trồng củ đậu toàn xã khoảng 25 ha tập trung ở các thôn Kéo Mật, Nà Ngần, Bản Tẳng… Tuy không phải là cây trồng chủ đạo nhưng cây củ đậu góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mỗi năm Bằng Khánh thu hàng trăm triệu từ loại cây này”.
Theo ông Ninh, hiện nay bà con trong xã đang vào vụ thu hoạch. Ngoài việc dễ trồng, cây củ đậu còn có nhiều ưu điểm khác như ít sâu bệnh, đầu tư thấp, ít phải chăm sóc, có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Chính vì vậy mà đây là một trong những loại cây màu được bà con nông dân đầu tư trồng nhiều, ở các diện tích phải chờ nước, thiếu nước cây củ đậu đều phát triển được.
Trước kia, cũng chỉ có vài hộ dân trong thôn Kéo Mật đưa cây củ đậu về trồng với diện tích nhỏ lẻ. Nhưng từ năm 2009, thấy việc trồng cây củ đậu không khó, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã học tập nhau cùng mua giống về trồng. Theo đó, diện tích cây củ đậu ngày càng được mở rộng, đến nay gần như toàn xã trồng.
Với 3 sào củ đậu, hiện nay giá củ đậu đang cao nên gia đình anh Hoàng Văn Văn ở thôn Bản Tẳng đang khẩn trương dỡ củ để bán. “Sau mấy tháng chăm sóc củ đậu đã “trả ơn” cho chủ. Năm nay ít sâu bệnh, giá cả được, khâu tiêu thụ thuận lợi, gia đình tôi thu được 10 tấn. Bốn sào đầu tư hết khoảng 4 triệu, như vậy sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu trên 40 triệu đồng. Tính ra lãi gấp mấy lần trồng lúa”, anh Văn phấn khởi nói.
Tuy là loại cây trồng còn mang tính tự phát nhưng mô hình trồng cây củ đậu của xã Bằng Khánh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa và đây cũng là một trong những cách làm hay trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng của người nông dân ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình.
Theo Nông nghiệp Việt Nam