Các nhà hoạch định chính sách Thái lan năm 2011 đã không tính tới ảnh hưởng từ Ấn Độ khi thực hiện chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo, nhưng hiện nay chắc chắn họ sẽ khôn ngoan hơn.
Chính phủ Thái Lan đã không may mắn khi áp dụng chương trình thu mua tạm trữ – đã từng mang lại nhiều thành công – từ tháng 10/2011, chỉ đúng một tháng sau khi Ấn Độ xóa bỏ chính sách cấm xuất khẩu gạo phi-basmati áp dụng suốt 4 năm – từ tháng 9/2012.
Ngoài việc gạo Ấn Độ tràn ngập trên thị trường thế giới, Thái Lan vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Việt Nam và Pakistan và với thực trạng nhu cầu giảm sút từ một số khách hàng chủ chốt như Philippine và Indonesia.
Ấn Độ có thể dễ dàng chiếm lĩnh nhiều thị phần của Thái Lan ở châu Phi, nhất là gạo đồ, trong khi Việt Nam có thêm nhiều thị phần ở châu Á. Cả Pakistan và Việt Nam đều có lợi ở thị trường Trung Quốc, và đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo toàn cầu lại không tăng bởi nhiều nước nhập khẩu được mùa lớn, gây tồn trữ phình to ở Ấn Độ và Thái Lan, và kể cả ở Trung Quốc. Không ai biết chính xác Trung Quốc có bao nhiêu gạo trong kho dự trữ của họ, song ước tính khoảng 50-100 tấn và Trung Quốc luôn là khách hàng khôn khéo, mua khi giá giảm thật thấp chứ không phải để đáp ứng nhu cầu tức thì.
Từ khi bắt đầu chương trình thu mua tạm trữ, giá gạo Thái Lan loại 5% tấm đã giảm trên 20% từ mức đỉnh cao khoảng 615 USD/tấn xuống chỉ 470 USD/tấn hiện nay. Gạo Ấn Độ quanh mức 450 USD/tấn bởi giá trong nước vững và đồng rupee giảm.
Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm giá khoảng 10% trong quý 2, giảm xuống mức thấp kỷ lục 60,765 rupee/USD hôm 26/6, và điều này rất thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ giảm giá gạo xuất khẩu.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Với khối lượng xuất khẩu gạo của Thái lan giảm khoảng một phần ba mỗi năm kể từ khi bắt đầu chương trình can thiệp, và giá xuất khẩu không thể đạt mức 700-800 USD/tấn như chính phủ hy vọng, chương trình này đã trở thành một quả bom chính trị hẹn giờ.
Chương trình này luôn bị chỉ trích là lãng phí tiền công và gây ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu lúa gạo. Và đầu tháng 6, chính phủ Thái thông báo giảm giá cam kết thu mua lúa trắng xuống 12.000 baht (khoảng 386 USD)/tấn, giảm khoảng 20% so với mức 15.000 baht (khoảng 483 USD)/tấn trước đó, và đặt ra giới hạn bán gạo tối đa 500.000 baht (khoảng 16.000 USD) cho mỗi gia đình.
Nhưng trước sức ép ngày càng gia tăng từ phía nông dân, ngày 1/7, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng giá thu mua lúa gạo trong vụ thứ hai của niên vụ 2012-2013 từ mức 12.000 baht/tấn trở lại mức 15.000 baht/tấn.
Song giống như một động thái thỏa hiệp để giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ (lỗ trong chương trình thu mua lúa gạo ước tính khoảng 7 tỷ USD tính tới tháng 1-2013) trong bối cảnh tồn kho gạo vẫn ở mức cao và giá gạo Thái Lan cao hơn giá gạo cùng loại của nước khác, mới đây nông dân Thái đã đồng ý giảm 10% giá thu mua.
Được biết, Các đại diện của Hiệp hội Người trồng lúa Thái Lan, Hiệp hội Xúc tiến Nông nghiệp Thái Lan (TFPA) và Hiệp hội Nông dân Thái Lan (TFA) đã đồng ý giảm giá thu mua lúa trắng loại thường đi 10% từ mức 15.000 baht (khoảng 482 USD)/tấn xuống 13.500 baht (khoảng 434 USD)/tấn trong vụ thu hoạch chính 2013-14, sẽ bắt đầu vào tháng 10-2013. Tuy nhiên, các đại diện của nông dân nhấn mạnh rằng giới hạn mỗi gia đình được bán lúa sẽ không thể dưới 400.000 baht (khoảng 13.000 USD).
Và cũng để có tiền mua lúa vụ mới, chính phủ Thái Lan đã quyết tâm bán gạo tồn trữ ra. Song theo các chuyên gia, Chính phủ Thái phải giảm mạnh giá bán mới đủ dể hấp dẫn thị trường.
Việc gia tăng trồng lúa ở Ấn Độ và bán gạo dự trữ ở Thái lan vốn đang làm gia tăng áp lực lên giá gạo châu Á, và sự thay đổi chính sách ở Ấn Độ vẫn đang và sẽ tạo thêm áp lực. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét giảm khối lượng gạo thu mua của dân với giá quốc tế vào đầu tháng 10/2013, một động thái có thể khiến giá gạo tại thị trường này giảm xuống. Việc giá gạo giảm có thể khiến nông dân Ấn Độ giảm diện tích trồng lúa và điều này sẽ có lợi cho giá gạo. Tuy nhiên, cho tới nay chưa thấy dấu hiệu nông dân Ấn Độ giảm trồng lúa, và như vậy việc giá gạo Ấn Độ nếu giảm sẽ gây trở ngại cho các nước xuất khẩu châu Á khác.
Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích trồng lúa vụ chính (kharif) đã tăng lên khoảng 15,5 triệu ha tính tới 19/7/2013, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đủ mưa ở hầu khắp các nơi trên toàn quốc tuần qua tạo thuận lợi cho việc gieo trồng.
Cựu Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, ông Vijay Setia cho biết, nông dân ở các bang Punjab và Haryana đã hối hả mua lúa giống basmati và một số chuyên gia ước tính lượng lúa basmati mà nông dân bán năm nay sẽ gấp đôi năm ngoái. Ông Setia dự báo sản lượng gạo basmati năm nay có thể tăng lên 8 triệu tấn, từ mức 6 triệu tấn năm ngoái.
Và ngay cả các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cũng đang lo ngại về sự sụt giảm xuất khẩu trong năm nay do khách hàng chuyển sang nguồn cung giá rẻ hơn từ Việt Nam và Pakistan sau khi chính phủ Ấn Độ liên tục tăng giá thu mua lúa gạo trong năm vừa qua. Cựu Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, ông Vijay Setia, cho rằng xuất khẩu của nước này có thể giảm 6% xuống 9,5 triệu tấn trong năm bắt đầu từ tháng 4/2013 so với mức 10,1 triệu tấn của năm ngoái, trong đó xuất khẩu gạo phi-basmati dự báo giảm 15% xuống 5,5 triệu tấn
Các nhà hoạch định chính sách Thái lan năm 2011 đã không tính tới ảnh hưởng từ Ấn Độ khi thực hiện chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo, nhưng hiện nay chắc chắn họ sẽ khôn ngoan hơn và xem xét những gì Ấn Độ đang làm và sẽ không làm, nếu không muốn mất thêm thị phần nữa.
Theo Trí Thức Trẻ/Oryza