TS. Hiếu nhận định, các ngân hàng lớn vẫn sẽ có ảnh hưởng như nhà tạo lập thị trường, việc giảm lãi suất huy động để chủ động “nắn” đường cong lãi suất thay vì đợi thị trường điều chỉnh.
Khó tạo làn sóng giảm lãi suất
Đầu tuần qua BIDV cũng đã nối gót Agribank và Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động (LSHĐ) kỳ hạn 1 tháng xuống còn 5%/năm. Như vậy, trong khối NHTM lớn chỉ còn VietinBank đang áp dụng LSHĐ kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm.
Tại sao các ngân hàng lớn có động thái giảm lãi suất mạnh như vậy? Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cho rằng, đây là động thái cần thiết của ngân hàng nếu không muốn “chết” trên đống tiền. Nhìn vào thực tế, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank âm (-) 1,1%; VietinBank cũng chỉ tăng vẻn vẹn 1,5%… Như vậy, giải pháp trước mắt để các ngân hàng có thể làm nhằm kéo tín dụng tăng là… giảm lãi suất cho vay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cùng chung quan điểm khi cho rằng, ngân hàng chả dại gì ôm vốn giá cao chờ chết. Hơn thế, lãi suất chỉ là giá của món hàng. Khi món hàng không trở nên hấp dẫn nữa thì việc giảm giá là đương nhiên.
Trước việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất, dư luận đặt câu hỏi liệu làn sóng hạ lãi suất có lan rộng trên toàn hệ thống? Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, viễn cảnh này khó xảy ra bởi trên cơ sở khả năng tài chính của mình, các ngân hàng tự đưa ra quyết định về giá vốn chứ không thể chạy theo các ngân hàng lớn.
Thực tế dù mức LSHĐ không hấp dẫn bằng các NHTM nhỏ, nhưng với uy tín và vị thế của mình, các NHTM nhà nước vẫn giữ được chân khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có số dư gửi lớn. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ lại sử dụng LSHĐ như một lợi thế cạnh tranh để lôi kéo các nguồn tiền nhỏ lẻ, nhàn rỗi từ bộ phận dân cư. “Dù không xảy ra phổ biến trên diện rộng, nhưng đâu đó vẫn có ngân hàng phải trả lãi suất huy động cao hơn quy định, hay nói cách khác là vượt trần” – một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiệu ứng giảm LSHĐ lần này không tác động trên diện rộng đối với thị trường. Thực tế, trong tuần (15 – 19/7), khối NHTMCP cũng chỉ “túc tắc” giảm với bước điều chỉnh nhỏ như một động thái thăm dò thị trường. Ví dụ: Techcombank, Eximbank điều chỉnh nhẹ lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ mức 6,8%/năm xuống 6,7%/năm.
Dự báo mới nhất của WB về lạm phát của Việt Nam năm 2013 có thể lên tới 8,2% thay vì 6 – 7% như dự kiến. Như vậy, LSHĐ sẽ khó còn “dư địa” để tiếp tục giảm trong năm nay vì người dân Việt Nam chưa dễ chấp nhận việc gửi tiền vào ngân hàng chỉ với mục đích là bảo đảm an toàn, chứ không nhằm mục tiêu kiếm lời như người dân ở các nước phát triển. Vì vậy, cho dù tín dụng tăng trưởng thấp thì các NHTM vẫn phải duy trì mức LSHĐ dương (+) để giữ chân và “lôi kéo” người gửi tiền. Tuy nhiên, mức “dương” này đang được điều chỉnh giảm dần, hợp lý hơn cùng với nỗ lực sắp xếp lại các bộ phận và tăng năng lực quản trị trong từng NHTM.
Khung lãi suất hợp lý hơn
TS. Hiếu nhận định, các ngân hàng lớn vẫn sẽ có ảnh hưởng như nhà tạo lập thị trường, việc giảm LSHĐ để chủ động “nắn” đường cong lãi suất thay vì đợi thị trường điều chỉnh là tín hiệu tích cực, thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong việc dẫn dắt toàn hệ thống ngân hàng phục vụ hiệu quả hơn cho nhu cầu vốn của xã hội.
Theo Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, “đường cong lãi suất” được nắn lại phải theo nguyên lý phù hợp với kỳ hạn cũng như đánh giá mức độ rủi ro. Vì khi giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn mà vẫn giữ mức lãi suất cao cho kỳ hạn dài sẽ giúp ngân hàng cân bằng nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản tốt hơn.
Nhớ lại trước đây, từ tháng 9/2011 cho đến tận 22/12/2012, đường đồ thị biểu diễn LSHĐ của các TCTD gần như là một đường thẳng với 2 “phân khúc”: từ 1 đến 12 tháng là 9%/năm; trên 12 tháng là 10 đến 12%/năm. Hiện LSHĐ của đa số NHTM được duy trì khá hợp lý là: không kỳ hạn 1,2%/năm; dưới 6 tháng 5% – 6%/năm; và trên 6 tháng trở lên ở mức 7% – 8,5%/năm, tùy theo ý chí đánh giá mức độ rủi ro và cơ cấu kỳ hạn của từng ngân hàng.
Có thể nhận ra ý nghĩa của đường cong lãi suất mới được thiết lập của từng ngân hàng cũng là dấu hiệu để khách hàng và cơ quan quản lý Nhà nước phân định được “sức khỏe” của từng ngân hàng trên thị trường.
Song các chuyên gia ngân hàng lưu ý, với những giải pháp, chính sách nhằm kích tăng trưởng kinh tế, lạm phát dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới, nên nếu tiếp tục giảm mạnh LSHĐ, các ngân hàng có thể gặp khó khăn về vốn khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh vào cuối năm.
TS. Hiếu cho rằng, với mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp hơn sẽ giúp các DN có cơ hội tiết giảm chi phí vốn, phục hồi sản xuất và tác động trở lại – kích “cầu” tăng trưởng tín dụng. Hiện tại, nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay đối với DN rất thấp so với 1 năm trước đây. Chẳng hạn như: gói lãi suất 7,77%/năm ở VIB, 6%/năm ở VPBank, 7,5%/năm ở Vietcombank… nhưng mới chỉ áp dụng cho vay ngắn hạn, hoặc 3 đến 6 tháng đầu của khoản vay trung, dài hạn. Như vậy, cùng với việc nắn đường cong LSHĐ, các NHTM cũng đang chủ động hình thành đường cong lãi suất cho vay hợp lý hơn.
Trong nội dung của Chỉ thị 03/CT-NHNN vừa ban hành, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp tín dụng nhằm quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% trong năm nay. Thống đốc cũng yêu cầu các NHTM chủ động cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Đặc biệt, Thống đốc cũng lưu ý: các giải pháp mở rộng tín dụng của NHTM phải vừa đảm bảo hiệu quả và an toàn. Theo đó, trên cơ sở định hướng điều hành lãi suất của NHNN, các ngân hàng xem xét ấn định LSHĐ theo kỳ hạn hợp lý để ổn định mặt bằng chung thị trường. Đặc biệt, các ngân hàng phải triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
Cụ thể: chủ động rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính và kết quả thẩm định phương án sản xuất – kinh doanh trong hồ sơ vay vốn của khách hàng, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn đối với các DN và hộ kinh doanh nhỏ…
Nhiệm vụ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình giao cho toàn hệ thống NHTM phải đạt được mức tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, ở thời điểm này, được các chuyên gia cho là sẽ cần rất nhiều nỗ lực, không chỉ từ phía ngành ngân hàng mà còn phải được “cộng hưởng” từ các chính sách và nỗ lực đồng bộ khác đến từ các bộ, ngành, địa phương và cả từng DN.
Đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 4,5%, để về đích, các TCTD sẽ phải tìm nhiều giải pháp và sáng kiến nhằm tăng cung ra thị trường vốn. Cùng với chỉ đạo sát sao của NHNN, thị trường đang có nhiều dấu hiệu tích cực ủng hộ xu hướng này: NHNN đã và đang phối hợp với Bộ Xây dựng để vận hành gói tín dụng “hỗ trợ nhà ở xã hội” chuyển động tốt hơn; theo quy luật, nhu cầu tín dụng từ phía các DN, hộ kinh doanh nhỏ thường tăng vào cuối năm; nền kinh tế thế giới có dấu hiệu sẽ chuyển biến tốt hơn…
Từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tín dụng, nhưng đây là giai đoạn để các NHTM xây dựng “trật tự thị trường” mới, đúng quy luật hơn, giảm thiểu rủi ro trong tương lai khi lãi suất đầu vào – đầu ra hình thành hợp lý, bám sát cung cầu thị trường.
Theo Thời báo ngân hàng