Hệ quả của chứng ‘khan’ vàng

Hàng chục nghìn tỷ đồng được ném vào các phiên đấu thầu vàng, tương ứng có từng ấy tiền rút khỏi nền kinh tế vốn đã bị “teo tóp” vì thiếu thanh khoản.
 
Chỉ trong khoảng 3 tháng 11 ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm cấp tập tới 1,116 triệu lượng vàng, xấp xỉ 43 tấn vàng miếng SJC. Nếu phiên đấu thầu vàng hôm nay (ngày 11/7) cũng “cháy hàng”, thì sẽ có thêm 1 tấn vàng nữa được “bơm” ra thị trường. Kỳ lạ thay, lực cầu vàng chưa có dấu hiệu giảm. Mà có vẻ như càng “bơm” ra thì vàng càng đi mất hút. Trong khi ấy, giá vàng vẫn “neo” quanh mức 37,5 – 38 triệu đồng/lượng và “kiên trì” giữ khoảng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

NHNN có lời bao nhiêu?
Hiện nay, NHNN là cơ quan nắm quyền phát hành, quyết định lượng cung và định giá bán vàng. Có thể thấy cơ quan này đang sử dụng chủ yếu giải pháp tăng cung qua đấu thầu vàng để bình ổn thị trường.
Nhưng trong các thông báo phát đi 1 ngày trước phiên đấu thầu vàng, NHNN khống chế khối lượng vàng mà các TCTD và DN được phép đặt mua, tối thiểu là 1.000 lượng và tối đa tới 15.000 lượng. Ở phiên thứ 42, các tổ chức chỉ được mua tối đa 5.000 lượng. Mức giá chào thầu được xác định theo giá thị trường và là “giá sàn” để các tổ chức tham gia đặt giá mua.
Từ lúc tổ chức đấu thầu cho đến trước thời điểm vàng lao dốc, giá trúng thầu vàng của NHNN thường dao động trên ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng. Sau đó, khi vàng thế giới liên tục rớt giá thảm hại thì giá vàng chào thầu và giá trúng thầu cũng giảm theo, có điều là giảm chậm hơn. Điều này khiến cho khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, dao động trên dưới 6 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc chạm mốc 7 triệu đồng.
Chênh lệch giá vàng lớn đặt ra nhiều băn khoăn: Vì sao giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng NHNN không giảm giá vàng đấu thầu? Có hay không việc NHNN đang kiếm lời rất lớn nhờ bán vàng đấu thầu?
Trong các phát biểu của đại diện NHNN trên báo chí, một thông điệp được đưa ra là nhà điều hành lo ngại việc giảm ngay giá vàng trong nước sẽ lại kích thích nhu cầu vàng của người dân, càng làm căng thẳng thêm tình tình. Lo ngại của nhà điều hành là có cơ sở khi cảnh tượng người dân đổ xô đi mua vàng tái diễn vào tháng 6/2013, lúc giá vàng rớt mạnh từ trên 40 triệu đồng/lượng xuống mức 37 – 38 triệu đồng/lượng, có ngày chỉ còn 36,5 triệu đồng/lượng.
Cho đến nay, sau 41 phiên đấu thầu vàng, NHNN chưa tiết lộ đã thu được bao nhiêu tiền chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thử hình dung với mức chênh lệch từ 5 – 6 triệu đồng/lượng, sau khi trừ các chi phí nhập khẩu, thuế, gia công thành vàng miếng, NHNN thu về bình quân 4 triệu đồng/lượng. Với hơn 1,116 triệu lượng vàng đấu thầu thành công, NHNN có thể thu được hơn 4.400 tỷ đồng. Tức là trung bình mỗi phiên đấu thầu, NHNN có “lãi” khoảng 100 tỷ đồng.
Nếu điều này xảy ra thì có vấn đề đáng ngại là để NHNN có được một đồng lời thì các TCTD, DN đã phải bỏ ra số tiền gấp gần 10 lần, khoảng 42.000 tỷ đồng (tính ở mức giá 38 triệu đồng/lượng) để mua vàng. Tương ứng có một lượng tiền như vậy đã rút khỏi nền kinh tế vốn đã bị “teo tóp” để chảy vào vàng.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng thương mại (NHTM) là tổ chức mua vàng đấu thầu nhiều nhất để phục vụ tất toán trạng thái và kinh doanh. Tuy nhiên, “từ trước đến giờ, tôi không đồng ý chủ trương cho phép các NHTM kinh doanh vàng vì rất rủi ro. Các NHTM cũng không nên lấy tiền của dân chúng để kinh doanh vàng.
Đặc biệt, lúc này, nền kinh tế đang cần vốn thì ngân hàng lấy đi lượng tiền rất lớn để mua vàng. Mà đáng lẽ tiền phải dành cho khu vực sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu nói.

“Neo” giá đến bao giờ?
Câu hỏi này có lẽ khó trả lời. Vì giá vàng trong nước tăng hay giảm phụ thuộc giá thế giới và chính sách điều hành của NHNN. Mà chủ trương của NHNN là bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá vàng. Hơn thế, chênh lệch giá vàng vẫn đang hình thành lợi nhuận rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Cho nên, hạ giá vàng là một công việc cần sự thận trọng, không thể vội vàng.
Trong 4 phiên đấu thầu vàng gần đây, NHNN đã tăng quy mô lượng chào thầu tới 40.000 lượng, tăng khối lượng được phép mua tối đa là 15.000 lượng. Các phiên đấu thầu vàng sau ngày 30/6 đều “cháy hàng”, trừ một phiên dư 100 lượng. 
Giá vàng trúng thầu có phiên còn đắt hơn giá thu mua trên thị trường cùng thời điểm. Điều này chứng tỏ các TCTD và DN vẫn “thèm” vàng, có khả năng mua rất lớn nếu không nói là “bao nhiêu cũng hết”. Khối lượng vàng “bơm” ra rất lớn, tới 43 tấn, bằng khoảng một nửa lượng vàng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam trước đây. Thế nhưng, vàng của NHNN “bơm” ra dường như vẫn chưa thấm tháp gì, mà lực cầu không giảm, khiến giá vàng chưa thể hạ nhiệt.
Theo các chuyên gia, trong mấy ngày qua, các TCTD là người mua vàng đấu thầu nhiều nhất, còn lượng người dân mua được không đáng kể. Vì ngoài tất toán trạng thái huy động và cho vay, các TCTD vẫn được phép kinh doanh vàng. 
“Trong xu hướng giá vàng giảm và ngân hàng dư thừa vốn, không cho vay ra được thì họ quay sang mua vàng kiếm lời (không loại trừ mục đích đầu cơ vàng). Miễn sao duy trì trạng thái không quá 2% vốn chủ sở hữu”, ông Hiếu nói. 
Thực tế, tại các cửa hàng kinh doanh vàng, hiện mức chênh lệch giá mua vào – bán ra dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/lượng. Các nhà kinh doanh vàng có thể kiếm lời từ việc mua bán bình thường, dù không lớn nếu so với lợi nhuận từ đầu cơ vàng.
Với sức mua – bán vàng đấu thầu hiện nay và mục tiêu lợi nhuận, các tổ chức kinh doanh vàng sẽ khó giảm giá bán ra thị trường để gánh chịu thua lỗ. Trừ khi giá vàng mua vào (mà nguồn cung chính là từ NHNN do người dân hạn chế bán ra) cũng giảm. Trong lúc này, cả NHNN và các tổ chức kinh doanh vàng cùng “neo” giá vàng, thì khả năng hạ giá vàng cũng như kéo giảm chênh lệch giá xem ra chưa thể xảy ra trong một sớm, một chiều.

Theo Thời báo kinh doanh