Đầu tư chứng khoán chỉ mang về lợi nhuận nghèo nàn nhưng vì sao nhiều ngân hàng đầu tư không thèm để ý mà vẫn tiếp tục theo đuổi.
Tháng tư năm 1859 một cuộc cách mạng quét qua thành phố Paris, ít nhất là trên thị trường chứng khoán. Khoảng 20 nhà môi giới chứng khoán không có giấy phép đã bị bắt giữ và bị tịch thu giấy tờ. Nhưng những thế lực trên thị trường chứng khoán Paris cũng thấy mình đang bị tấn công từ phía khách hàng, những người muốn tiếp tục kinh doanh với các nhà môi giới không có giấy phép. Không chỉ vì rẻ hơn, nhà môi giới trái phép còn có thể chịu rủi ro thay vì chỉ đơn giản kết nối người mua và người bán trên thị trường. Một phóng viên tại thời điểm đó đã lên án rằng: “Vụ việc gây chấn động như vậy mà chính phủ lại vô cùng hoảng sợ”. Chỉ vài ngày sau, các nhà môi giới trái phép đã được phóng thích.
Sự cạnh tranh trong buôn bán cổ phiếu có lẽ không bao giờ khốc liệt như hiện nay. Từ năm 2007, doanh thu tạo ra bởi đầu tư cổ phiếu đã liên tục giảm. Đầu tư chứng khoán, từng là mảng kinh doanh lợi nhuận của ngân hàng đầu tư, bây giờ chỉ chiếm chưa tới 1% doanh thu và còn nhỏ hơn nữa nếu tính trên tổng lợi nhuận của toàn ngành tài chính. Sự sa sút này một phần được giải thích bởi sự tăng trưởng ngoạn mục của các nghiệp vụ kinh doanh trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ và đã trở thành lĩnh vực đem đến nhiều lợi nhuận nhất cho các ngân hàng đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán như “con chim kim tước trong mỏ than”. Năm năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, cùng với sự giảm sút trong khối lượng giao dịch và sức ép không ngừng về doanh thu và lợi nhuận, chi tiêu bị lãng phí cho các bộ phận nợ của ngân hàng, đầu tư chứng khoán hầu như không còn hấp dẫn. Các nhà đầu tư cho rằng bỏ tiền vào ngân hàng tốt hơn là mua cổ phần của ngân hàng đó.
Không bán, không mua
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế ở châu Âu đi kèm những lo ngại về khu vực đồng tiền chung euro và vách đá tài khóa của Mỹ khiến cho các công ty không còn hứng thú để tiếp quản, sáp nhập hay phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu. Kể từ khi khủng hoảng tài chính diễn ra, trung bình khối lượng cổ phiếu giao dịch tại Mỹ, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 37%. Một phần do bất ổn kinh tế; một lý do khác là các nhà đầu tư đang chuyển tiền của họ cho các quỹ quản lý.
Dường như nơi chịu ít tổn thất nhất là quỹ ETF, một loại quỹ tương hỗ chuyên đầu tư một cách thụ động nhằm tạo ra lợi nhuận tương đồng với mức tăng trưởng của một chỉ số cổ phiếu, một chỉ số ngành hay một nhóm cổ phiếu nhất định.
Quỹ ETF đã phát triển bùng nổ trong vài năm qua. McKinsey tính toán rằng giá trị tài sản trong giao dịch trao đổi sản phẩm tài chính (được định nghĩa hơi rộng hơn so với ETF), trong năm 2010 đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD và sẽ tăng hơn 3 lần vào năm 2015.
Kinh doanh cổ phiếu cũng đang đối mặt với áp lực lớn về lợi nhuận. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase lưu ý rằng 30 năm trước, chi phí trung bình cho giao dịch một cổ phiếu là 15 cent, nhưng đến năm 2011, con số đó chỉ là 1,5 cent. Tốc độ thay đổi đang tăng tốc, chẳng hạn như bãi bỏ quy định cho phép cổ phiếu được giao dịch tại nhiều địa điểm khác nhau, cũng như hệ thống “dark pool” cho phép giao dịch cổ phiếu với lô lớn mà có thể giữ bí mật về thông tin giá trước khi thương vụ được tiến hành chính thức.
Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ mới cũng đã góp phần chuyển nhiệm vụ tiến hành giao dịch từ người sang máy tính. Khoảng 60 năm trước, giao dịch tần số cao (HFT) và giao dịch thuật toán hầu như không được biết, nhưng hiện nay lại đang chiếm gần 70% các lệnh trên sàn giao dịch chính.
Sự gia tăng của giao dịch HFT và giao dịch thuật toán đã cải thiện tính thanh khoản của nhóm các cổ phiếu lớn nhất và đạt khối lượng giao dịch cao giống như các cặp tiền tệ thường xuyên được giao dịch trên thị trường ngoại hối. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán của một cổ phiếu thu hẹp đi đáng kể
Lợi thế đã chuyển từ người môi giới hoặc ngân hàng sang những người bán “mau miệng” và sang nhà đầu tư nào sở hữu chiếc máy tính nhanh nhất và thuật toán tốt nhất. Paco Ybarra, trưởng bộ phận thị trường toàn cầu của Citibank cho biết: “Đó là cuộc chiến của máy tính chống lại máy tính và cơ bản chính là một cuộc chạy đua vũ khí.”
Cuộc chiến tranh của máy móc chủ yếu làm thay đổi phân phối lợi nhuận doanh thu trong ngành. Theo mô hình cũ, với việc sử dụng con người để giao dịch, một vài phiên sẽ thắng lớn, một vài sẽ thua lỗ nặng và phần lớn thu về lợi nhuận trung bình, do đó họ sẽ có thu nhập ở mức trung bình. Với các thuật toán và giao dịch tốc độ cao, số tiền đặt cọc phải cao hơn cho các máy tính nhanh nhất và các với các thuật toán tốt nhất, do đó nhà đầu tư có thể mất một phần lợi nhuận kinh doanh của mình.
Công nghệ cũng có tác động trái ngược lên các giao dịch cổ phiếu và chứng khoán phái sinh. Một mặt, công nghệ làm giảm rào cản gia nhập, cho phép tạo ra người đăng nhập điện tử mới. Các nhà tạo lập thị trường nổi tiếng được biết đến như Getco của Mỹ hay Optiver của châu Âu.
Công nghệ chắc chắn giúp làm giảm sự ôm đồm và tăng khối lượng cổ phiếu giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng sự dễ dàng gia nhập là tốt cho tổ chức các nhà đầu tư lớn. BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn tỏ ra khó chịu vì đa số các tài khoản ma bay hơi một cách nhanh chóng khi các nhà đầu tư cố gắng mua hoặc bán số lượng lớn cổ phần, thường được gọi là “khối”.
Có thể giao dịch khối lớn là quan trọng đối với các nhà quản lý tài sản bởi vì họ có thể muốn tăng hoặc giảm cổ phần trong công ty mà không ảnh hưởng đến giá thị trường hoặc không để lộ cho đối thủ cạnh tranh biết. Trong một báo cáo gần đây của BlackRock cho biết, giao dịch theo khối với 10.000 cổ phiếu hoặc hơn trong một công ty duy nhất chỉ chiếm chưa tới 7% tổng khối lượng giao dịch của các công ty có cổ phiếu niêm yết trên S&P 500, đồng thời tỷ lệ này giảm mạnh so với con số của những năm 1990 là 50%.
Phần lớn sự sụt giảm này là do giao dịch thuật toán ngày càng phổ biến. Nếu nhà tạo lập thị trường sở hữu công nghệ đặc biệt và giao dịch tần số cao, họ có thể rải khối cổ phiếu vào hàng trăm giao dịch nhỏ nhằm phân tán rủi ro xung quanh thị trường, tương tự các tổ chức đầu tư có thể thực hiện như vậy. Tuy nhiên, một phần lý do khác được giải thích bởi hầu hết các ngân hàng được phân bổ ít vốn để đầu tư cổ phiếu và không sẵn sàng để rủi ro trong cùng một khối lớn. Điều đó làm giảm cơ hội thu lãi từ chênh lệch lớn, thay vào đó ngân hàng đầu tư đành chấp nhận mức hoa hồng khiêm tốn hơn để thực hiện các thủ tục giấy tờ và giao dịch cơ bản.
Tiếp đến, thách thức đối với các ngân hàng đầu tư là có thể chấp nhận rủi ro từ khách hàng nhưng không cần phải tốn quá nhiều vốn. Đổi lại ngân hàng sẽ dành được miếng bánh thị trường lớn hơn. Thị phần của một ngân hàng lớn hơn, cho dù trong đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay tiền tệ thì điều tốt hơn ở chỗ ngân hàng có thể nhanh chóng đánh hơi thấy sự thay đổi của thị trường và dễ dàng hơn trong việc kết nối giữa người bán và người mua.
Bên cạnh đó, ngân hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch hơn, đầu tư hiệu quả hơn và nhanh hơn. Theo ước tính nhanh của Matt, một nhà phân tích tại Deutsche Bank, lượng cổ phiếu trong tổng chứng khoán vốn của 5 ngân hàng hàng đầu (Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse, JP Morgan và Bank of America) đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong vài năm qua.
Đáng tiếc cho các đối thủ nhỏ
Các ngân hàng nhỏ đang phải vật lộn để trang trải chi phí cố định và có nhiều khả năng cả việc đánh giá sai rủi ro. Kevin Buehler của McKinsey cho biết: “Nếu bạn thuộc top 3 đối thủ hàng đầu có thể bạn có thể đạt tỷ lệ chi phí trên thu nhập là 85%” (mức tối thiểu để có lợi nhuận). Nếu bạn không nằm trong top 3 đó, rất khó có thể quay trở lại một cách tích cực do những gì bạn phải chi tiêu cho thế hệ công nghệ hiện nay.”
Tại sao vẫn còn rất nhiều ngân hàng vẫn kinh doanh trong lĩnh vực này?
Nhiều người đứng đầu ngân hàng đầu tư đang hy vọng cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán và nghĩ rằng họ có thể tồn tại mà không cần bổ sung một lượng lớn vốn cho hoạt động kinh doanh này. Nếu tốt sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, còn không đó sẽ là vấn đề của người kế nhiệm. Tuy nhiên, các ngân hàng phải miễn cưỡng đóng cửa các hoạt động không có lợi nhuận, “mang thịnh vượng trở lại ngành ngân hàng là một triển vọng xa xôi hơn bao giờ hết”, Matt nhà phân tích của Deutsche Bank cho biết.
“Còn bao lâu nữa, đối thủ cạnh tranh của tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mà họ biết là không nên, bởi vì họ vẫn nuôi kỳ vọng thống trị cả thế giới?”, ông chủ của một ngân hàng toàn cầu đặt ra câu hỏi và khẳng định những ngân hàng khác có thể cắt giảm bớt hoạt động của họ nhưng không phải là ngân hàng của ông. Chắc chắn rằng, cắt giảm hoạt động không phải là không chứa rủi ro. Một số ngân hàng cho biết họ muốn giữ lại các hoạt động kinh doanh chứng khoán vốn bởi nó luôn gắn bó và bổ sung cho những thứ khác họ làm, chẳng hạn như tư vấn sáp nhập hoặc bảo lãnh cho các công ty phát hành chứng khoán nợ hay bán cổ phiếu.
Họ sợ rằng nếu họ bắt đầu thoát ra khỏi phần làm ăn đang thua lỗ, có nguy cơ toàn bộ hoạt động của họ có thể bị cắt bỏ. “Nếu quay ngược lại thời gian trước kia, bạn sẽ thấy chẳng ngân hàng nào từ bỏ cái gì”, Jamie Forese, người đứng đầu tổ chức khách hàng của Citibank cho biết. “Mọi người lo lắng rằng nếu bạn hạn chế tiếp cận vị trí địa lý thuận lợi hoặc từ bỏ các sản phẩm tài chính mà bạn muốn thì phần còn lại, những tham vọng của bạn cũng sẽ giảm xuống”.
Ngân hàng UBS là một ví dụ, vẫn quyết tâm ở lại thị trường chứng khoán vì nếu không thị phần sẽ bị mất vào tay các nhà quản lý tài sản. Bất chấp việc cắt giảm chi phí trong đầu tư chứng khoán là vô cùng khó khăn và tính thế tiến thoái lưỡng nan trước những phân tích chứng khoán khách quan. Cung cấp các nghiên cứu phân tích cổ phiếu là một trong số ít những cách thức mà các ngân hàng đầu tư có thể thu hút sự chú ý của các tổ chức nhà đầu tư chứng khoán lớn. Khách hàng doanh nghiệp cũng có nhiều khả năng tìm đến một ngân hàng để được tư vấn nếu họ nghĩ rằng các nhà phân tích tại đây am hiểu ngành tài chính.
Tuy nhiên trên thực tế, các phân tích tốt rất đắt tiền và lượng cổ phiếu lớn có thể đi theo sau theo tâm lý bắt chước kiểu bầy đàn. Có đến 40 người bắt chước như vậy nên rất khó để họ “đứng lên” trong đám đông. Thay vào đo, họ sẽ bình tĩnh ngồi xuống và tiến hành những giao dịch ít hơn và ôm chặt tiền hoa hồng. Chưa kể, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng đầu tư cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ các đơn vị nghiên cứu độc lâp, trong đó chi phí đầu tư phải trả trước thay vì chi theo tỷ lệ phần trăm hoa hồng thu được.
Vì vậy, hầu hết các nhà môi giới đang lặng lẽ cắt giảm số lượng hoặc chất lượng của bộ phận nghiên cứu, cũng vì thế mà có ngày càng ít các nhà phân tích làm việc cho các công ty môi giới hơn. “Các nhà phân tích nghiên cứu có thể làm việc chăm chỉ hơn nhưng đang kiếm được số tiền ít nhất trong vòng 15 năm qua”, Simon Hayes của đến từ công ty săn đầu người Odgers Berndtson chia sẻ
Một số ngân hàng hiện nay bắt đầu đặt câu hỏi: liệu họ còn muốn duy trì hoạt động này? Bob Gach của công ty tư vấn Accenture nói: “Trong thời buổi này, tất cả 20 ngân hàng hàng đầu đều khẳng định muốn nằm trong top 3”.
Ngân hàng Hoàng gia Scotland đóng cửa nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của mình vào năm 2012. Nomura đã mua các bộ phận thực hiện hoạt động kinh doanh này của Lehman Brothers tại châu Á và châu Âu vào giữa cuộc khủng hoảng, kết cục cho đến năm cuối của khủng hoảng, họ đã rút lui khỏi một số thị trường chứng khoán. Ngân hàng Barclays đã mua một phần của Lehman Brothers tại Mỹ cũng không tránh khỏi quyết định cắt giảm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư của mình.
Tất cả những điều này đều có thể chấp nhận được nếu các bộ phận khác của ngành ngân hàng được mở rộng. Nhưng ngân hàng đầu tư đang phải đối mặt với sự sụt giảm thậm chí còn sâu hơn của doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực mà trong những năm gần đây đã được coi là trái tim của ngân hàng đầu tư: sản phẩm có thu nhập cố định, sản phẩm trên thị trường tiền tệ và hàng hóa (FICC).
Theo DV