Mai Linh thua toàn diện ở sân nhà trước Vinasun

Cách đây 18 năm, Mai Linh bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực taxi. Cũng năm đó, Vinasun được thành lập nhưng phải 8 năm sau, năm 2003, Vinasun mới nhảy vào lĩnh vực này khi Mai Linh đã là một thế lực lớn.
Sinh sau đẻ muộn nhưng Vinasun đã nhanh chóng tận dụng thời thế để vươn lên thống trị khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Những năm gần đây, trong khi Mai Linh vật lộn với khó khăn để tồn tại thì đối thủ lại đang ăn nên làm ra. Năm 2007, doanh thu Mai Linh gấp đôi đối thủ nhưng đến năm 2012, doanh thu taxi của Vinasun đã lên đến 2.700 tỷ, vượt xa mức 2.100 tỷ của Mai Linh.
Đấy là tính trên cả nước, còn doanh thu tại khu vực phía Nam của Mai Linh chưa đến 500 tỷ và giảm liên tục trong những năm gần đây.
Với con số này thì có lẽ Vinasun đã trở thành doanh nghiệp taxi lớn nhất nước về cả doanh thu và lợi nhuận.

Sau khi sớm có những thành công ban đầu, Mai Linh đã có tham vọng mở rộng ra khắp cả nước, thâm nhập cả vào những tỉnh có nhu cầu đi lại bằng taxi thấp. Đến cuối năm 2012, công ty đã hiện diện ở 50 tỉnh thành.
Do hiện diện ở nhiều tỉnh nhỏ nên hiệu quả kinh doanh thấp: Bình quân một ngày một xe của Vinasun thu về 1,83 triệu đồng trong khi của Mai Linh chỉ đạt 1,33 triệu. Việc mở rộng chủ yếu bằng vay nợ đã dẫn đến những khó khăn dai dẳng đến tận ngày nay.
Chính Mai Linh đã thừa nhận trong báo cáo thường niên 2012: Trong khi Mai Linh lo giải quyết các vấn đề nội tại thì các đối thủ tranh thủ đầu tư mạnh mẽ, gia tăng sức ép ở 2 thị trường chủ lực là Hà Nội và Tp.HCM, khiến Mai Linh xa dần vị trí số 1 cùng doanh thu sụt giảm ở 2 thị trường chủ lực này.
Trong khi Mai Linh tiến ra khắp cả nước cùng bộ máy phình to thì Vinasun chỉ tập trung giành thị phần tại Tp.HCM cùng các tỉnh bên cạnh như Bình Dương, Đồng Nai, BRVT…
Tính chung giai đoạn 6 năm từ 2007-2012, Mai Linh lỗ ròng 380 tỷ thì Vinasun lãi ròng 680 tỷ đồng. Mai Linh lỗ ngay từ năm 2007, năm đầu tiên cơ cấu lại theo mô hình tập đoàn.
Câu nói trên có phần đúng với Mai Linh, ám chỉ những hệ thống cồng kềnh khó có thể xoay chuyển linh hoạt. Với gần 10 nghìn phương tiện cùng đội ngũ 27 nghìn người chinh chiến tại 50 tỉnh thành thì việc xoay xở khi tình hình khó khăn như hiện nay là không dễ dàng.
Điều quan trọng lúc này là giải pháp để đưa công ty hoạt động ổn định trở lại.
Dù đã đã đang giảm bớt nợ được nợ vay nhưng cục nợ của Mai Linh vẫn còn rất lớn; lãi vay và chi phí quản lý khổng lồ sẽ cản trở khả năng sinh lời. Lúc này, Mai Linh cần phải tìm thêm những cổ đông mới có tiềm lực tài chính chứ không thể dựa mãi vào vốn vay.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh cũng không dễ dàng khi mà các đối thủ chính đang ăn nên làm ra. Mai Linh cũng cần xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình.
Các tập đoàn hùng mạnh trên thế giới khi gặp khó khăn đều sẵn sàng cắt bỏ những khoản đầu tư ít quan trọng để cứu lấy đại cục.
Mai Linh muốn là số 1 ở tất cả các địa bàn tham gia kinh doanh nhưng cái giá phải trả để dẫn đầu ở nhiều thị trường nhỏ không thể bù đắp cho việc tụt hậu tại thị trường chính.
Cắt bỏ các lĩnh vực kinh doanh không phải thế mạnh là chưa đủ, lúc này, việc thu hẹp địa bàn hoạt động để tập trung cho một số thị trưởng chủ lực nên được tính đến.

Theo Trí Thức Trẻ