Phép thử cho các mặt hàng công nghệ

Cùng với sự phát triển của nghành bán lẻ, cách bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ sản phẩm công nghệ đang dần chuyển đổi theo xu hướng tăng sự trải nghiệm cho khách hàng.
Xu hướng mới
Theo số liệu khảo sát vào năm 2011 của công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, mô hình bán lẻ hiện đại ở Hà Nội đạt tỷ lệ 16%, ở TPHCM là 37% thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực, như ở Thượng Hải (Trung Quốc), tỷ lệ này đạt mức 88%; Kuala Lumpur (Malaysia) là 63%; Bangkok (Thái Lan) 70%; Jakarta (Inđônêsia) 66%.
Các hãng nghiên cứu thị trường cũng cho rằng mô hình bán lẻ dựa trên sự trải nghiệm của khách hàng còn nhiều dư địa để khai thác và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Nhìn lui lại trong vòng hai năm gần đây, nhiều cửa hàng bán lẻ sản phẩm công nghệ đã đi theo hướng này. Công ty Viễn thông A đã cho dỡ bỏ hàng loạt tủ kính trưng bày hàng hóa theo cách truyền thống, và đầu tư hàng tỷ đồng cho việc thiết lập các khu vực dùng thử điện thoại theo từng nhóm sản phẩm: Nokia, LG,… Cách này cho phép khách hàng dùng thử sản phẩm ngay tại cửa hàng nhằm tăng tính thuyết phục đối với các quyết định mua sản phẩm của người tiêu dùng, hay ít nhất cũng tạo cho họ điều kiện trải nghiệm và hy vọng những ấn tượng đối với sản phẩm nơi họ đã trải nghiệm sẽ góp phần vào những quyết định mua hàng trong tương lai. Sau khi chuyển hướng, doanh thu từ các trung tâm bán lẻ của Viễn thông A tăng đến 35% so với trước đó. Trong khi các nhà bán lẻ thiết bị đang không theo kịp xu hướng thì các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đã từ lâu chú trọng vào mô hình khách hàng tự trải nghiệm. Trong đó, Canoon là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển mô hình bán lẻ đi theo xu hướng này.
Phép thử của Canon
Ông Nick Yoshida, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Canon Marketing Việt Nam, cho biết Canon muốn làm phép thử mô hình bán hàng mới tại thị trường Việt Nam – nơi nghành hàng máy ảnh có sự tăng trưởng khá mạnh. Báo cáo của Bộ công thương ước tính nhập khẩu máy ảnh trong bốn tháng đầu năm nay đạt 123.900 chiếc với kim nghạch 26,64 triệu đô la Mỹ, tăng 6,2% về số lượng và 72,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt, máy ảnh kỹ thuật số loại phổ thông có giá dưới 100 đô la Mỹ/ chiếc chiếm hơn một nửa thị trường.
Dù vậy, ông Yoshida vẫn đánh giá đây chưa phải thời điểm dễ thở cho các nhà sản xuất như Canon. Ông chia sẻ : “Trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa, người tiêu dùng trở nên khó tính hơn khi cho ra các quyết định chi tiêu. Điều đó đòi hỏi nhà cung cấp sản phẩm hình ảnh như Canon không chỉ sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ đáp ứng những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng mà còn phải cung cấp những dịch vụ chăm sóc khách hàng tối ưu”.
Do đó, sau 10 năm “mặc áo” văn phòng đại diện, năm 2012, Canon đã quyết định thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để có điều kiện phát triển và cung cấp dịch vụ một cách trực tiếp và thường xuyên hơn đến người tiêu dùng. Bước ngoặt lớn nhất là việc mở hai cửa hàng theo mô hình trải nghiệm sản phẩm Image Square tại TPHCM hồi giữa năm ngoái và tại Hà Nội đầu năm nay.
Ông Yoshida cho biết khi khách hàng tìm đến Image Square của Canon để tìm hiểu về một dòng máy ảnh ống kính rời EOS hay chiếc Powershot N mới ra mắt, họ sẽ được dùng thử, được tư vấn về những điểm mạnh, yếu của sản phẩm cũng như việc chọn mua sản phẩm nào cho phù hợp yêu cầu. “Ngoài ra, Canon còn cung cấp những chế độ hậu mãi hấp dẫn đến tận tay khách hàng ngay tại Image Square”, ông Yoshida nói.
Như vậy, thay cho quá trình mua sản phẩm trực tuyến và tìm hiểu thông tin từ các nguồn không chính thức, đến với Image Square của Canon, người tiêu dùng sẽ được một trải nghiệm là tổng hòa các yếu tố: tận tay dùng thử sản phẩm, được trao đổi và tư vấn thông tin một cách chính xác và cởi mở.
Rất có thể sau những trải nghiệm đó, khách chưa mua hàng nhưng họ có thêm nhiều thông tin, biết mình cần gì và đâu là sản phẩm phù hợp với họ nhất.
Sau khi khai trương Image Square tại TPHCM, Canon đã bán được nhiều dòng máy ảnh và ống kính cho các đối tượng khách hàng khác nhau, trong đó có những dòng ống kính chuyên nghiệp lên đến 250 triệu đồng. Ông Yoshida cho biết mô hình Image Square đã được thử nghiệm ở Ấn độ và đã gặt hái không ít thành công. Chỉ trong vòng một năm, từ 2011-2012, Canon đã triển khai tới 100 cửa hàng .
Image Square được yêu thích ở Ấn độ bởi lẽ đây là nơi trưng bày gần như ngay lập tức những sản phẩm hình ảnh mới nhất của Canon, cùng một hệ thống sản phẩm toàn diện từ đầu vào như máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời EOS, phụ kiện và ống kính; máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn IXUS và PowerShot; máy quay Legria,… đến các sản phẩm đầu ra như máy in nhỏ Selphy, Pixma,..
Canon tin tưởng phép thử mô hình mới tại Việt Nam cũng sẽ nhận được những phản hồi tích cực như ở Ấn Độ. Vì vậy, tập đoàn thiết bị hình ảnh này đã không ngần ngại đặt mục tiêu tới cuối năm 2014 sẽ phát triển chuỗi 20 cửa hàng bán lẻ tên toàn Việt Nam. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 25% cho năm 2013 bằng nhiều nỗ lực, như gia tăng sức mạnh nhân lực, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tiếp thị phù hợp với nhu cầu trong nước, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình bán hàng truyền thống đồng thời với việc tiếp cận và khai thác thêm các thị trường mới”, ông Yoshida cho biết.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.