Tính đến hết năm 2012, Masan đã thiết lập mối quan hệ với khoảng 180 nhà phân phối và hơn 2.000 nhân viên bán hàng.
Hệ thống phân phối và bán lẻ không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn là kênh tăng độ phủ thương hiệu.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 tuy đối diện nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khả quan hơn năm 2012, tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 5-5,5%. Đáng lưu ý, tình trạng lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo tăng dưới 10% trong năm 2013.
Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo sức mua của người dân không bị ảnh hưởng bởi yếu tố trượt giá. Do vậy, thị trường phân phối & bán lẻ Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những thị trường năng động và có tốc độ phát triển hàng năm cao trong khu vực.
Masan hiện có hơn 176.000 điểm bán hàng tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước
Những dự báo lạc quan
Mặc dù thị trường bán lẻ VN tụt xuống vị trí thứ 32 trong chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012 (so với vị trí thứ 23 năm 2011), tuy nhiên tiềm năng và cơ hội trong thời gian tới còn rất lớn xét trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất về quy mô dân số, vượt ngưỡng 88 triệu người, trong đó khu vực thành thị đạt 26,88 triệu người, chiếm 30,6% tổng dân số cả nước.
Thứ hai sức mua và chi tiêu dành cho tiêu dùng tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 14,8% trong giai đoạn 2007-2012 và đạt giá trị 89,7 tỉ USD vào cuối năm 2012.
Ngoài ra, các tiến trình tự do hóa thương mại, cải thiện đời sống, gia tăng lượng khách du lịch cũng là những yếu tố tích cực…
Do vậy, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn được xem là một trong những nước có thị trường phân phối & bán lẻ hấp dẫn giai đoạn 2013-2015. Tuy nhiên, doanh số và doanh thu bán lẻ sẽ tăng ở mức 2,2%.
Theo dự báo của Nielsen, trong mức tăng trưởng doanh thu bán hàng bình quân hàng năm của Việt Nam thì giá cả tăng chiếm 70%. Do đó dự báo doanh số bán lẻ giai đoạn 2013-2015 tăng khoảng 8,5%/năm.
Đáng lưu ý, thực phẩm vẫn là ngành quan trọng nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam giai đoạn 2013-2015. Theo dự báo của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế (BMI), doanh thu tiêu dùng thực phẩm năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 481 nghìn tỷ đồng (tương đương 24,28 tỉ USD), tăng 6,78% so với năm 2012. Tiêu dùng thực phẩm bình quân đầu người năm 2013 đạt khoảng 5,3 triệu đồng/người.
Hiện nay mức thu nhập tại Việt Nam vẫn còn khá thấp so với tại các nền kinh tế phát triển và người tiêu dùng vẫn còn tập trung chủ yếu vào các loại lương thực thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tuy nhiên, khi thu nhập ngày càng tăng, thị hiếu và sở thích tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam sẽ thay đổi. Họ sẽ tập trung nhiều hơn vào những loại thực phẩm và đồ uống có giá trị cao-những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và có thương hiệu. Đặc biệt các loại thực phẩm chức năng dự báo sẽ thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới.
Về thực phẩm đóng hộp, doanh thu năm 2013 dự báo sẽ đạt 641,9 tỉ đồng tương đương doanh số khoảng 10,8 nghìn tấn, tăng 12% về doanh thu và 5% về doanh số so với năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống bận rộn cùng với lối sống hiện đại ở các thành phố lớn dẫn đến nhu cầu về các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng ngày nay đang có xu hướng quan tâm và nhận thức tốt hơn về nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Do đó, những lo lắng cho sức khỏe cũng sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua thực phẩm chế biến nhiều hơn là sử dụng đồ tươi sống. Hơn nữa, việc đầu tư mạnh mẽ trong và ngoài nước cho ngành này làm tăng doanh số bán hàng. Mặt khác, người lao động ở các thành phố đang có xu hướng lựa chọn thực phẩm chế biến để tiết kiệm chi phí sinh hoạt vì chi phí sẽ rẻ hơn 20-30% so với đồ tươi sống
Về thị trường bánh kẹo, dự báo doanh số bán hàng bánh kẹo năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 115,8 nghìn tỉ, tăng 5,33% so với năm 2012, doanh thu bán hàng dự kiến đạt 8,8 nghìn tỉ đồng tăng 11,36% so với năm trước.
Trên lĩnh vực đồ uống, theo dự báo của BMI lĩnh vực đồ uống có cồn tiếp tục tăng trưởng mạnh riêng về doanh thu ước đạt 52.030 tỉ đồng với 2,7 tỉ lít trong năm 2013, tăng 11,99% so với cùng kỳ, trong đó bia thống lĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lĩnh vực cà phê cũng chiếm tỉ trọng rất lớn với dự báo doanh số bán hàng cà phê năm 2013 tăng 11% so với năm 2012. Nhìn chung dự báo doanh số bán hàng đồ uống không cồn năm 2013 đạt 2,16 tỉ lít, tăng 9,11% so với năm 2012. Doanh thu ước đạt 8.918 tỉ đồng, tăng 9,91% so với năm 2012. Đây chính là hệ quả của xu hướng đô thị hóa và khách du lịch đến VN có chiều hướng tăng…
Như vậy, mặc dù dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới còn gặp một số khó khăn liên quan đến bất ổn cân đối vĩ mô, tuy nhiên với nhiều lợi thế vượt trội thị trường phân phối & bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tăng trưởng doanh số bán lẻ năm 2013 dự kiến đạt 8,4%, cao hơn so với mức tăng 5,8% của năm 2012. Doanh thu ngành thực phẩm, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngành hàng tiêu dùng, dự kiến tăng 7% so với năm 2012. Doanh thu đồ uống dự báo sẽ đạt mức tăng 7-9% trong năm 2013. Đặc biệt doanh thu thực phẩm đóng hộp dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 13%.
Sở hữu mạng lưới phân phối & bán lẻ sẽ chủ động “cuộc chơi”
Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB), trong bối cảnh thương mại hiện đại ngày nay, do phải đối đầu với các áp lực cạnh tranh thương mại giữa các nhãn hàng trên thị trường nên đầu tư thị trường phân phối & bán lẻ không còn là lĩnh vực độc quyền của các DN chuyên về thương mại (các DN xem hệ thống phân phối & bán lẻ là doanh thu đầu vào và sống bằng việc kinh doanh hệ thống này).
Trên lĩnh vực này đã xuất hiện dòng đầu tư của chính các nhãn hàng, những nhà sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ uống… cụ thể Vissan một trong những công ty chuyên về thực phẩm chế biến của Việt Nam cũng mở rộng hầu bao đầu tư mạng lưới hơn 1.000 cửa hàng và trung tâm phân phối & bán lẻ. Vinamilk một trong những thương hiệu lớn đóng vai trò chủ đạo của ngành sữa cũng đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ, phân phối và chương trình chăm sóc khách hàng hay Masan hiện cũng đã sở hữu một mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 176.000 điểm bán hàng trong tất cả 64 tỉnh thành của Việt Nam…
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Đinh Thế HIển có một sự khác biệt rất lớn, trong khi những “đại gia” chuyên về phân phối & bán lẻ như Metro; Big C; Coop Mart; Nguyễn Kim… phát triển mạng lưới bán lẻ nhằm kinh doanh và nắm thế chủ động đàm phán với các nhãn hàng, nhà sản xuất để sở hữu giá tốt nhằm chủ động trong doanh thu, lợi nhuận.
Ngược lại, các DN Masan; Vinamilk; Vissan…. hệ thống phân phối & bán lẻ ngoài lợi nhuận còn đóng vai trò thực hiện marketing mở rộng độ phủ thương hiệu…
Những nhà sản xuất sử dụng kênh phân phối & bán lẻ để tiếp thị sản phẩm, triển khai đo lường nhận diện và mức độ thích ứng của người tiêu dùng với các sản phẩm của họ. Trên các dữ liệu này, các DN đưa ra các điều chỉnh cần thiết cho đội ngũ R&D mở rộng phát triển sản phẩm mới nhằm củng cố và phát triển thị phần.
Đây mới chính là điều quan trọng nhất trong phát triển mạng lưới bán lẻ của các nhà sản xuất. Mặt khác, sự đầu tư mạng lưới phân phối & bán lẻ của nhà sản xuất ở khía cạnh nào đó còn mang tính thúc đẩy tạo áp lực một cách tích cực cho hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hiện đại.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Venkatesh, Giám Đốc Chiến Lược và Nguồn Vốn Tổ Chức của Masan Group, hiện nay Masan sở hữu một mạng lưới phân phối khá đa dạng gồm cả kênh truyền thống (chợ, tiệm tạp hoá) và hiện đại (siêu thị, đại siêu thị đến hệ thống cửa hàng tiện lợi). Các nhà phân phối của Masan được lựa chọn dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt, ngoài năng lực chuyên môn như khả năng nắm bắt thị trường, có tiềm lực tài chính, khả năng kho vận và đặc biệt là thích ứng nhanh với các biến động thị trường.
Tính đến hết năm 2012, Masan đã thiết lập mối quan hệ với khoảng 180 nhà phân phối và hơn 2.000 nhân viên bán hàng. Những công ty sản xuất hàng tiêu dùng quy mô lớn đều ý thức rất rõ việc sở hữu mạng lưới phân phối đóng vai trò sống còn cho hoạt động của DN. Mạng lưới này giúp đảm bảo giao các sản phẩm của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Như đã phân tích ở trên ngoài công tác tiếp thị, phân phối, mạng lưới này còn đảm nhận là kênh thu nhận và khảo sát nhu cầu thị trường một cách hiệu quả tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty thực phẩm nội địa một cách hữu hiệu với các công ty đa quốc gia khác.
Ngoài ra, việc sở hữu mạng lưới phân phối & bán lẻ một cách chủ động còn giúp các DN vươn tới vùng sâu, vùng xa – những địa phương mà mạng lưới bán lẻ chuyên nghiệp thường “bỏ lơ” vì lợi nhuận thấp. Việc xuất hiện với độ phủ rộng còn giúp các DN chủ động cạnh tranh và đo lường được mức độ xâm nhập của chính các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, qua đó đưa ra các kế hoạch ứng phó phù hợp.
Như vậy, theo TS Đinh Thế Hiển, với xu thế phát triển hiện tại, thị trường phân phối & bán lẻ Việt Nam nói chung và phân khúc thực phẩm nói riêng sẽ đón nhận 2 luồng đầu tư.
Thứ nhất, của mạng lưới phân phối & bán lẻ chuyên nghiệp (với các đại gia như Metro; Coop Extra Plus; Big C; Coop Mart; Maximart; Lotte…) đầu tư phát triển mạnh hệ thống phân phối & bán lẻ hiện đại, mở rộng thị phần tại các thị trường trọng tâm đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Thứ hai, song hành cùng hệ thống trên là hệ thống phân phối & bán lẻ của các DN sản xuất có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường như Masan; Vissan; Vinamilk; Trung Nguyên… cũng nỗ lực đầu tư mạnh vào hệ thống này nhằm khẳng định độ phủ thương hiệu cũng như tăng tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường ở nhiều góc độ từ tiếp thị đến khảo sát và đo lường năng lực tiêu thụ và thử nghiệm hệ thống sản phẩm mới. Đây sẽ là những nét khắc họa chính của thị trường phân phối & bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu tư.