Trước các nghi vấn về chuyển giá được đặt ra trong thời gian qua với các DN FDI, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Khoa Mỹ – Giám đốc đối ngoại Coca-Cola VN.
Thời gian qua, báo chí có nói nhiều đến vấn đề nghi vấn chuyển giá và trong những cái tên được nhắc đến có Coca-Cola Việt Nam. Ông có thể nói gì về mối hoài nghi này thế nào?
Mục tiêu của chúng tôi cũng giống như các doanh nghiệp khác là tạo ra lợi nhuận. Đó là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng có. Chúng tôi chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế nhà thầu v.v. và giá trị kinh doanh của chúng tôi gián tiếp tạo ra các thu nhập khác cho ngân sách từ thuế VAT, thu nhập cá nhân.
Công việc kinh doanh của chúng tôi tạo ra giá trị lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và người lao động trong nước. Trách nhiệm doanh nghiệp còn thể hiện qua các yếu tố khác như tạo công ăn việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cho hàng ngàn lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng cao và đầu tư phát triển xã hội qua các hoạt động cộng đồng. Điều quan trọng nữa là chúng tôi đặt ra quyết tâm thay đổi với những kế hoạch cụ thể nhằm đạt kết quả kinh doanh tốt đẹp hơn.
Chúng tôi luôn giữ cầu nối về truyền thông với các cơ quan chính phủ để thông báo và cập nhật đầy đủ về các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình, lắng nghe các ý kiến phản hồi cũng như những lời khuyên để phát triển kinh doanh một cách toàn diện và đúng đắn. Quan trọng không kém, chúng tôi luôn hợp tác với chính phủ về thông tin, tuân thủ đầy đủ các qui định của luật pháp.
Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam cách nay gần hai thập kỷ, chắc hẳn Coca-Cola đã đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Xin ông cho biết, đến nay Coca-Cola đã làm được những gì?
Tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi đã và đang làm đã tạo dựng được vị trí nhất định của chúng tôi hôm nay. Đó là đầu tư về hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, phát triển quan hệ với các đối tác trong nước, tạo công ăn việc làm, phát triển con người, đầu tư cộng đồng, xây dựng thương hiệu của mình để tạo nên sự gắn kết ở đây nhằm phát triển xa hơn trong tương lai.
Có những ý kiến xuất phát từ tư duy kinh tế cho rằng thua lỗ là phải đóng cửa doanh nghiệp. Tôi nghĩ nhận định này đúng nhưng chưa đủ, bởi vì quyết định đóng cửa hay tiếp tục đầu tư nằm ở cách đánh giá của doanh nghiệp đó về cơ hội của thị trường, chiến lược và mục tiêu cho tương lai, và khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi chiến lược đó. Tôi xin nhấn mạnh cách tư duy của chúng tôi đó là khi đưa ra quyết định đầu tư hôm nay, chúng tôi nghĩ đến triển vọng, cơ hội trong tương lai. Đó là cách thức mà chúng tôi tiếp cận ngay từ đầu và cũng là lí do chúng tôi thành công ở nhiều nơi trên thế giới.
Coca Cola là một tập đoàn với thương hiệu và hoạt động mang tính toàn cầu và đã tham gia đầu tư ở rất nhiều nước. Ông thấy môi trường cạnh tranh ở Việt Nam có khác gì so với ở những thị trường đang phát triển như Việt Nam, và những thị trường ở các nước phát triển như ở Mỹ và châu Âu?
Theo tôi, mỗi thị trường đều ở những giai đoạn phát triển khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội với những tập quán và thói quen đặc thù. Coca-Cola đã tồn tại hơn 127 năm trên thế giới, và đó là quãng đường để chúng tôi chứng minh những điều chúng tôi làm ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở để phát triển. Cũng giống như 206 thị trường khác, ở Việt Nam chúng tôi hướng đến một mục tiêu kinh doanh lâu dài, không chỉ là một vài năm mà là 10 năm, 20 năm và nhiều thập kỷ sắp đến nữa. Khi chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư, chúng tôi nghĩ đến cơ hội mà những đầu tư đó mang lại và tập trung để nắm bắt các cơ hội đó.
Chắc chắn rằng, môi trường kinh doanh và điều kiện cạnh tranh ở mỗi quốc gia đều khác biệt, nên chiến lược kinh doanh cũng phải thay đổi cho phù hợp. Xin ông cho biết chiến lược kinh doanh, cạnh tranh của Coca-Cola ở Việt Nam có nét gì đặc thù?
So với các thị trường khác trên thế giới, thị trường nước giải khát không cồn tại Việt Nam vẫn còn nằm trong giai đoạn phát triển ban đầu với mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp. Mức tiêu thụ sản phẩm nước giải khát không cồn bình quân đầu người ở Việt Nam là 128 sản phẩm so với 220 sản phẩm ở Philippines, một thị trường với dân số và thu nhập bình quân tương đương.
Mặc dù có thị phần ưu thế trong ngành nước giải khát có gas nhưng Coca-Cola lại chiếm thị phần khá khiêm tốn trong nhóm các loại sản phẩm khác trong danh mục các sản phẩm nước giải khát không cồn – bao gồm trà pha sẵn, nước tăng lực, nước uống đóng chai, sữa, nước hoa quả và nước uống vận động.
Để làm được điều đó, chúng tôi trước tiên cần phải đầu tư xây dựng nền tảng cơ bản và tăng cường vị thế của mình trên thị trường. Niềm tin đó nằm ở khả năng chúng tôi tạo ra quy mô và mục tiêu kinh doanh lớn hơn. Và quy mô đó được tạo ra từ những đầu tư mới. Chúng tôi rất tự tin rằng với đầu tư như vậy, với mong muốn tạo ra nền tảng kinh doanh lớn hơn thì chúng tôi sẽ thành công. Và niềm tin đó không phải là suy nghĩ chủ quan mà được tạo nên bởi những trải nghiệm đã xây dựng ở những thị trường khác mà chúng tôi tồn tại.
Nếu không đề cập đến vấn đề lợi nhuận, nhìn chung Coke là một thương hiệu đã rất thành công và được yêu thích ở Việt Nam? Ông có ý kiến gì về quan điểm này?
Đây là một nhận định khá thú vị và công bằng nếu xét về góc độ cảm quan. Sức mạnh của Coca-Cola được tạo ra từ nhãn hiệu đã tồn tại 127 năm và hiện đã có mặt tại 207 thị trường. Sức mạnh này có tác động đến từng người tiêu dùng không chỉ vì những giá trị tại chỗ mà nhãn hiệu đó tạo ra mà còn là những gì nhãn hiệu đó tạo ra trên toàn thế giới.
Coca-Cola ở Việt Nam thừa hưởng giá trị mà nó tạo ra trên toàn cầu, và chúng tôi hiểu mình phải hành động và ứng xử như thế nào tại đây để gìn giữ và phát triển giá trị toàn cầu đó, và tôi cũng nhắc lại lời mà lãnh đạo cao cấp của tập đoàn đã chia sẻ, rằng chỉ bằng cách làm những điều đúng đắn thì chúng tôi mới tránh không để những giá trí mà phải mất hàng thế kỷ để xây dựng nên bị hủy hoại.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Coca-Cola Irial Finan từng chia sẻ với báo chí rằng Coca-Cola muốn biến mình thành một thương hiệu địa phương. Ông có thể nói rõ hơn Coca-Cola đã và sẽ làm gì để biến điều này thành hiện thực?
Coca-Cola được đánh giá là một trong những thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu và có mức độ nhận biết cao nhất. Điều này theo tôi đồng nghĩa với việc Coca-Cola cũng phải là một thương hiệu địa phương ở mỗi một trong số 207 thị trường mà Công ty có hiện diện. Tính địa phương ở đây không chỉ là sự hiện diện rộng khắp của nhãn hiệu mà còn là những tác động về mặt xã hội mà doanh nghiệp có thể tạo ra ở địa phương.
Chúng tôi có gần 2.000 nhân viên, hơn 99% trong số đó là người Việt Nam và hơn 50% ban quản trị cấp cao là người Việt Nam. Cả ba nhà máy của chúng tôi trải đều trên ba miền của đất nước Việt Nam, đồng nghĩa với việc chúng tôi là một phần và cũng là một người hàng xóm của nhiều cộng đồng Việt Nam.
Đa số nguồn nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác có nguồn gốc tại Việt Nam, và quan trọng hơn cả, sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam là để phục vụ thị trường Việt Nam.
Với các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản và lâu dài, ngoài mục tiêu lợi nhuận thì việc đóng góp cho sự phát triển cộng đồng và nền kinh tế địa phương cũng rất quan trọng. Điều này có đúng với Coca-Cola VN?
Để nói đến tác động về kinh tế và xã hội, chúng ta có thể bàn đến những đóng góp trực tiếp về mặt tài chính, nhưng cũng có thể bàn đến các khía cạnh đóng góp khác mà chúng tôi thường gọi là tác động lan tỏa. Như đã đề cập ở trên, chúng tôi chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác. Tổng số các loại thuế chúng tôi đã đóng từ năm 2008 đến nay là hơn 33 triệu USD.
Công việc kinh doanh của chúng tôi tạo ra giá trị lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và người lao động trong nước. Trách nhiệm doanh nghiệp còn thể hiện qua các yếu tố khác như tạo công ăn việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cho hàng ngàn lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng cao và đầu tư phát triển xã hội qua các hoạt động cộng đồng. Điều quan trọng nữa là chúng tôi đặt ra quyết tâm thay đổi với những kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao kết quả kinh doanh. Tôi cho rằng tác động mà một doanh nghiệp FDI có thể tạo ra nên được nhìn nhận và đánh giá từ nhiều góc độ tích cực hơn. Về phía công ty, chúng tôi lạc quan về những tiến bộ đạt được, và tự tin về những triển vọng sắp tới.
Theo Dân trí