Giá trị cộng hưởng nào cho Prime Group?

Cuối năm 2012, giới kinh doanh xôn xao khi ban lãnh đạo Prime Group chuyển nhượng 85% quyền sở hữu cho tập đoàn đa ngành SCG của Thái Lan với tổng giá trị 7,2 tỉ baht, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng. Từ đây, Tập đoàn SCG đã nắm cổ phần chi phối mọi hoạt động của Prime Group. Việc thêm một thương hiệu Việt bị nước ngoài thâu tóm khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Tổng giám đốc của tập đoàn Prime xung quanh câu chuyện này.

– Prime là một thương hiệu vật liệu xây dựng hàng đầu của VN, khi sáp nhập với SCG, Prime và SCG sẽ có chiến lược để khai thác tiếp tục thương hiệu này, thưa ông ?
Việc sáp nhập giữa Prime và SCG là một bước tiến có lợi cho cả hai bên chứ không đơn thuần chỉ là có lợi cho Prime. Thương vụ này cũng được cả hai phía thảo luận trong một thời gian dài trước khi đi đến sáp nhập chính thức. Với Prime, đây là một bước đi chiến lược quan trọng.
Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện một số quyết định quan trọng và mang tính chiến lược để đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu Prime ngày một lớn mạnh. Việc sáp nhập với SCG là một trong những bước đi chiến lược lớn nhất của chúng tôi nhằm đưa thương hiệu Prime lên một tầm cao mới. Không những thế, việc sáp nhập này sẽ còn đề ra các tiêu chuẩn cao hơn cho ngành công nghiệp gạch men tại VN. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường trong nước, nhưng bây giờ chúng tôi có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và làm khách hàng VN thêm hài lòng, giúp họ có khả năng tiếp cận với các sản phẩm đẳng cấp thế giới.
Về phía SCG, sáp nhập với một thương hiệu có cấu trúc kinh doanh, cơ cấu quản lý và chiến lược hoạt động vững chắc như Prime sẽ là một lợi thế cho họ mở rộng tại thị trường tại VN. Thêm vào đó, sự đa dạng trong hạng mục sản phẩm của SCG cũng là một cơ hội tốt để chúng tôi phát triển và phục vụ tất cả các phân khúc khác nhau của thị trường VN.
– Rất nhiều người lo ngại một thương hiệu hàng đầu của VN sẽ không còn nữa, như nhiều trường hợp DN Việt đã hoàn toàn bị xóa sổ thương hiệu sau các hoạt động M&A ?
Theo tôi, vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của từng DN trước khi sáp nhập. Mọi người thường có xu hướng cho rằng một thương hiệu địa phương khi sáp nhập với một thương hiệu quốc tế bởi thương hiệu VN đang ở thế yếu. Điều này không áp dụng cho trường hợp của Prime bởi vì Prime, vốn đã là một thương hiệu nổi tiếng. Lý do SCG chọn Prime để tiếp cận thị trường VN là bởi chúng ta đã có một hệ thống quản lý vững chắc, một mạng lưới phân phối phủ rộng khắp các tỉnh thành. Trong thời gian khó khăn, sản xuất của Prime vẫn ổn định và doanh thu vẫn tăng cao. 
SCG đồng ý sáp nhập với Prime là do nhận ra tiềm năng của một thương hiệu uy tín và khả năng phát triển kinh doanh mạnh mẽ của chúng tôi và rõ ràng đây là một cơ hội đầu tư tốt.
Vì vậy tôi có thể tự tin khẳng định rằng Prime vẫn sẽ giữ vững và phát triển thương hiệu của mình tại thị trường VN với sự đầu tư về công nghệ đẳng cấp quốc tế của SCG. Tập đoàn Prime sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào về mặt cơ cấu. Điều duy nhất có thể thay đổi là sản phẩm của chúng tôi sẽ được cải thiện nhiều hơn do chúng tôi có thể học hỏi và tiếp nhận công nghệ mới nhất mà SCG mang lại cho chúng tôi.
– Theo giới quan sát thì rất có thể SCG sẽ mang lại giá trị cộng hưởng cho Prime, đặc biệt ở thị trường xuất nơi mà SCG đang có các hệ thống phân phối và khách hàng lớn. Có thể hình dung giá trị cộng hưởng này cụ thể hơn, thưa ông ?
Việc sáp nhập với SCG là một trong những bước đi chiến lược lớn nhất của chúng tôi nhằm đưa thương hiệu Prime lên một tầm cao mới.
Phát triển ra các thị trường xuất khẩu là một trong những mục tiêu lâu dài của Prime. Tuy nhiên trước mắt, chiến lược chính của Prime với những giá trị cộng hưởng của SCG mang lại là tập trung phát triển tăng thị phần tại thị trường VN. Hiện nay Prime chiếm 20% thị phần tại thị trường trong nước nhưng chúng tôi không thể hài lòng với con số này. Nhu cầu về gạch men trong nước lớn gấp 3 lần so với nhu cầu trung bình của khu vực. 70% dân số tập trung ở vùng nông thôn đang phát triển và trên đà đô thị hóa nên VN là một thị trường rất hứa hẹn. Hiện nay Prime không chỉ sản xuất gạch men mà còn cung ứng cho người tiêu dùng VN các sản phẩm gạch ngói và bình nước nóng. Đây cũng là những dòng sản phẩm mà chúng tôi muốn tập trung đẩy mạnh thị phần trong thời gian tới.
Trong những trường hợp nhu cầu của thị trường có chiều hướng đi xuống thì việc xuất khẩu sang các thị trường khác thông qua hệ thống SCG là giải pháp kinh tế hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của thương hiệu.
– Liệu chúng tôi có còn được chứng kiến một “Prime là thịnh vượng, thịnh vượng là Prime” ở VN, hay còn mở rộng hơn thế ở tầm vóc một tập đoàn hàng đầu khu vực ? Trong tầm vóc khu vực đó thì thương hiệu Prime có ý nghĩa gì không, thưa ông ?
Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu chính của SCG khi chọn Prime là đối tác đầu tư tại VN là mở rộng thị trường của họ tại thị trường này. Prime sẽ là đòn bẩy cho SCG trong chiến lược này bởi chúng tôi đã xây dựng một nền móng vững chắc bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mạng lưới phân phối và uy tín thương hiệu tại VN. Hiện tại chúng tôi có 24 Cty con cùng một mạng lưới 100 nhà phân phối và trên 30.000 cửa hàng. Mạng lưới mạnh mẽ này đã giúp chúng tôi mở rộng kinh doanh tại VN trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thâm nhập cả khu vực nông thôn và thành thị. Tất cả những chính sách áp dụng cho các nhà phân phối mà chúng tôi đã thực hiện trước đây vẫn sẽ được giữ nguyên. Họ sẽ tiếp tục nhận được những lợi ích đặc biệt từ Prime giúp thúc đẩy kinh doanh bằng cách thu hút thêm nhiều khách hàng. Những gì Prime cung ứng cho các đại lý phân phối không chỉ là độc quyền sản phẩm và thương hiệu cho họ, mà còn cả trong thiết kế.
Ngay cả trước khi sáp nhập với SCG, Prime đã là một trong những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế. Prime là thương hiệu sản xuất gạch men lớn thứ 5 trên thế giới. Đồng hành cùng SCG, tôi mong muốn tiếp tục mang tới một hình ảnh đáng tin cậy và tận tâm cho các đối tác, các nhà phân phối và nhân viên của mình và giữ vững vị thế của một Cty có uy tín và tầm cỡ quốc tế. Điều này sẽ đảm bảo tính bền vững của Cty, giúp Prime tồn tại ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
– Xin cảm ơn ông !
Nếu nhìn mức định giá SCG đã trả cho Prime xét trên doanh thu và lợi nhuận, theo StoxPlus, nhiều người ngoài cuộc sẽ cho đây là một thương vụ khó hiểu. Bởi doanh thu năm 2011 của Prime cũng chỉ khoảng 170 triệu USD và lợi nhuận sau thuế chỉ 10,5 triệu USD. 9 tháng 2012, doanh thu của Prime cũng chỉ đạt 135 triệu USD và lợi nhuận sau thuế 7 triệu USD. Tuy nhiên, cái nhìn về thị phần, thương hiệu và hệ thống phân phối và tầm nhìn dài hạn trong đầu tư đã mang lại giá trị lớn hơn cả cho bên mua lẫn bên bán. Hoàn tất thương vụ Prime, có nghĩa SCG đã gần như hoàn tất những viên gạch đặt nền móng đưa VN trở thành một thị trường – đối tác chiến lược bao gồm chuỗi 18 Cty thuộc SCG tại đây.

Theo DDDN