Nhiều kẻ mạnh mồm tuyên bố rằng, mối bất hòa giữa hai ông lớn chẳng khác nào một cuộc chiến giữa hai ý thức hệ, khi một bên theo đuổi hệ điều hành Android còn bên còn lại chăm chăm phát triển hệ điều hành iOS của riêng mình, âu cũng ít nhiều có lí.
Apple và Samsung đã từng có một mối quan hệ gắn bó với nhau. Bằng chứng là cho đến tận bây giờ, những đứa con cưng iPhone, iPad của Apple vẫn đang sử dụng chipset do phía Samsung sản xuất. Tuy nhiên, một khi đã đụng chạm vào lợi ích kinh tế của nhau thì mọi thứ đều có thể thay đổi hoàn toàn, thậm chí là thay đổi một cách nhanh chóng. Và giờ đây, dường như chưa bao giờ mối quan hệ giữa Apple và Samsung lại trở nên căng thẳng đến thế.
Nhiều kẻ mạnh mồm tuyên bố rằng, mối bất hòa giữa hai ông lớn chẳng khác nào một cuộc chiến giữa hai ý thức hệ, khi một bên theo đuổi hệ điều hành Android còn bên còn lại chăm chăm phát triển hệ điều hành iOS của riêng mình, âu cũng ít nhiều có lí.
Tranh giành thị phần
Với hai kẻ cùng tranh giành một vị trí thống lĩnh trên thị trường thì những con số thống kê trở thành những con số biết nói. Và tất nhiên, những con số thống kê về doanh số cũng như thị phần của Apple và Samsung trong năm vừa qua cũng phần nào cho thấy nguyên nhân mà hai công ty này có thể ngồi chễm chệ ở vị trí “ông lớn” trên thị trường.
Những con số thống kê đã chỉ ra rằng, trong năm 2012, nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thì Samsung vẫn tiếp tục giữ vững vị trí “đế vương” với 22% thị phần, trong khi đó, Nokia về đích ở vị trí thứ 2 với 19% và kế đến mới là vị trí của Apple (8%). Đấy là tính chung cho cả dòng điện thoại phổ thông vốn phổ biến trên thị trường, còn nếu chỉ tính tới thị trường điện thoại thông minh, số sản phẩm mà Apple và Samsung bán ra đã lên tới gần 350 triệu sản phẩm, chiếm đến phân nửa thị phần điện thoại thông minh thế giới.
Sự thống trị này tiếp tục được duy trì trong những tháng đầu của năm 2013 khi Samsung và Apple tiếp tục là hai thế lực nắm phần lớn thị phần của làng di động. Số liệu thống kê đã cho thấy, trong quý 1 năm 2013, Samsung vẫn tiếp tục đà tăng trưởng của mình với việc gia tăng thêm 3.1% thị phần, đẩy mức thị phần của công ty này lên 33.1% thị phần smartphone thế giới. Trái ngược với Samsung, thị phần của Apple đã bị tụt giảm đáng kể khi tính hết quý thứ nhất của năm 2013, Apple chỉ còn nắm giữ 17.9% thị phần.
Tuy nhiên, sự chênh lệch này có thể sẽ được cân bằng nhanh chóng khi Apple thúc đẩy ngày phát hành của iPhone 5S và iPad mini phiên bản 2 trong thời gian tới. Sự cạnh tranh là rất rõ ràng khi chỉ trong tháng 6, Apple có sự kiện WWDC với sự xuất hiện của iOS7 thì Samsung cũng lên kế hoạch tương tự với việc tổ chức sự kiện Samsung Premiere vào cuối tháng với sự góp mặt các phiên bản mới nhất của con át chủ bài Galaxy S4.
Và với tham vọng của mình, dù là Apple hay Samsung thì vị trí thứ 2 cũng đồng nghĩa với sự thất bại!
Cuộc chiến pháp lý
Khi những người khổng lồ đánh nhau, chiến trường của họ tất nhiên không chỉ đứng nguyên một chỗ. Thực tế đã chứng minh, sau trận chiến thị phần, cuộc chiến pháp lý giữa hai công ty này đã trở thành một câu chuyện dài kì mãi không có hồi kết dành cho cánh báo chí.
Apple kiện Samsung rồi đến lượt Samsung “cay cú” tìm cách kiện lại Apple, đã nhiều lần phán quyết được đưa ra từ các bồi thẩm đoàn khác nhau, nhưng có vẻ như mỗi phán quyết đó cũng chỉ là bước khởi đầu cho một vụ tranh cãi khác.
Tất nhiên việc kiện tụng vốn tốn kém tiền của và mất thì giờ ấy không chỉ là để cho vui bởi bất kì điều gì cũng phải có nguyên cớ của nó. Việc ở một vị thế thua thiệt hơn trên thị phần di động buộc Apple phải tìm cách kìm hãm sự phát triển của đối thủ của mình.
Cũng cần phải nói thêm rằng Apple với iOS mới chính là bên tạo ra cuộc cách mạng còn Android của Google chỉ là những kẻ biết lựa theo thế thời, điều trớ trêu là Samsung lại là bên lấn lướt hơn hẳn trong cuộc chiến thị phần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích lý do hình thành nên cuộc chiến. Và hành động khởi kiện Samsung của Apple như là một kết quả tất yếu của những gì sẽ phải xảy ra.
Với Apple, dù thắng dù thua trong mặt trận này thì họ cũng cũng có lợi, nếu thắng thì tất nhiên không có gì phải nói, còn nếu thua ít ra thế giới cũng đã được họ nhắc nhở rằng “chính chúng tôi mới là kẻ dẫn đầu xu thế”. Hơn thế nữa, với vụ kiện này, họ muốn làm cho Samsung phải lùi bước trên thị trường, ít ra là trên khu vực Bắc Mỹ, để làm như vậy cách duy nhất là phải tạo được lệnh cấm của chính phủ Hoa Kì mà nguyên cớ duy nhất để làm được việc đó chỉ có thể là: cái cớ bản quyền.
Và mối ràng buộc chưa có hồi kết
Không chỉ là đối thủ cạnh tranh, ít người biết rằng 2 công ty này còn là những bạn hàng thân thiết của nhau trong suốt nhiều năm trời cho đến tận bây giờ. Theo ước tính của một hãng nghiên cứu thị trường, chỉ tính riêng trong năm 2012, Apple đã chi ra số tiền lên tới 7.5 tỉ đô cho những đơn hàng nhập khẩu từ phía Samsung, con số này thậm chí đã tăng tới 60% so với thống kê của năm trước đó.
Và cũng không nhiều người biết rằng, bộ vi xử lý, trái tim của các thiết bị chạy trên nền hệ điều hành iOS của Apple đều do một tay Samsung thiết kế và phát triển. Càng trớ trêu hơn nữa khi 80% doanh thu từ việc sản xuất các vi mạch cho thiết bị điện tử của Samsung đến từ chính đối thủ không đội trời chung của hãng – Apple.
Có lẽ chính vì tồn tại sự trớ trêu này nên trong thời gian gần đây xuất hiện không ít những tin đồn liên quan đến việc Apple bắt tay với một nhà sản xuất linh kiện điện tử đến từ Đài Loan để giảm bớt dần sự ảnh hưởng của Samsung lên sản phẩm của mình.
Những lời đồn đoán đó có thể đúng, có thể sai, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của Samsung lên các kế hoạch sản xuất của Apple và ít nhất trong tương lai gần thì điều này khó mà có thể thay đổi.
Theo Người đưa tin