Với việc mang đến một thói quen ăn uống mới, lẩu Kichi Kichi đã thắng trong khởi sự kinh doanh. Nhưng qua đi háo hức ban đầu, giờ đây có vẻ như Kichi Kichi đang bí hướng đi?
Tập trung vào đặc tính của sản phẩm là một cách để Kichi Kichi duy trì “nhu cầu gốc” về lẩu băng chuyền
Xuất hiện lần đầu tiên tại tầng 1 siêu thị Big C Hà Nội vào tháng 2/2009 với cái tên rất Nhật Bản lẩu Kichi Kichi, Golden Gate đã tạo ra một trào lưu mới về cách ăn lẩu cho người Việt: cá nhân hơn và thỏa thích hơn.
Thành công của người dẫn đầu
Sau thành công của nhà hàng đầu tiên, chuỗi nhà hàng lẩu Kichi Kichi thực sự bùng nổ như hiệu ứng Domino. Khái niệm “lẩu băng chuyền” cũng vì vậy mà được nhân rộng, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo thực khách. Từ 1 cửa hàng đến nay, Kichi Kichi đã có 18 nhà hàng, trong đó có 2 nhà hàng vừa mới khai trương ở khu vực Bình Dương và Đồng Nai.
Trước đó, Golden Gate đã từng thử nghiệm đưa lẩu Kichi Kichi sang Singapore, nhưng đáng tiếc là không thành công. Tuy vậy, Kichi Kichi vẫn đang chiếm thế thượng phong trên thị trường trong nước (không chỉ duy trì mà còn mở rộng thêm số lượng cửa hàng lên con số 18, trong khi đối thủ trực tiếp như F1 đã phải đóng cửa 2 nhà hàng và website, Coca Express cũng đã đóng cửa 1 nhà hàng…). Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Cao Trí – Giám đốc Kichi Kichi chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2012, mặc dù doanh thu của đơn vị này không tăng, nhưng lợi nhuận tăng 10% nhờ những cắt giảm chi phí không cần thiết.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình – Trưởng phòng marketing hệ thống nhà hàng Sen, một người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về các chuỗi nhà hàng, thì sở dĩ Golden Gate thành công với thương hiệu Kichi Kichi là do họ đã dám đi tiên phong trong việc áp dụng một mô hình kinh doanh mới, một khái niệm ẩm thực mới tại Việt Nam. Nếu như trước đây, trong tâm thức của mỗi người Việt, khái niệm ăn lẩu là phải ăn tập thể, nhiều người quây quần bên nồi lẩu, vừa ăn vừa giao tiếp, uống rượu và trò chuyện thì từ khi Kichi Kichi xuất hiện, một quan niệm mới về ăn lẩu ra đời: cách ăn hiện đại hơn, cá nhân hơn, ít có không gian cho sự giao tiếp tập thể hơn vì khoảng cách hai người đối diện và cả ngồi ngay cạnh nhau đều xa hơn bình thường, muốn cụng ly cũng khó, nên xét về bản chất đó là một hành vi ăn uống mới.
Không chỉ có lợi thế của người dẫn đầu, cũng như các nhà hàng khác trong chuỗi của Golden Gate, Kichi Kichi thường được đặt ở các vị trí chiến lược như ở các tuyến đường lớn, đi lại thuận tiện, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nên dễ dàng tạo ra sức hút với khách hàng. Bên cạnh đó, trong chiến lược marketing của mình, Golden Gate rất chú trọng đến công tác quảng bá, marketing (xuất hiện trên các báo về ẩm thực, các hoạt động trên facebook, website mang tính cộng đồng như lamchame, webtretho…) để nhắm vào các khách hàng mục tiêu. “Golden Gate làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) rất tốt. Backlink của họ rải khắp nơi, tìm kiếm các từ khóa liên quan đến lẩu đều ra thương hiệu của họ trong những kết quả đầu tiên”, ông Bình nhấn mạnh.
Với lợi thế của người đi đầu, lẩu Kichi Kichi sớm tạo được một lượng khách hàng của riêng mình và dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, Kichi Kichi thuộc chuỗi nhà hàng lẩu băng chuyền cao cấp nên mức giá của đơn vị này cũng thuộc top cao nhất (hiện dao động ở mức 189-219 nghìn đồng/suất, cao hơn các chuỗi nhà hàng khác trung bình từ 30-50 nghìn đồng/suất). Mặc dù đơn vị này vẫn đang liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, nhưng theo nhận định của các chuyên gia marketing, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu vẫn duy trì ở mức giá cao thì Kichi Kichi sẽ khó tạo ra sức hút. Thêm vào đó, người Việt cũng đã qua thời tò mò và vẫn chưa thực sự mặn mà với lẩu băng chuyền. Trong bối cảnh ấy, cộng với chi phí mặt bằng đắt đỏ, liệu Kichi Kichi có giữ vững được vị thế của người dẫn đầu và tiếp tục”hot” như thuở mới ra đời?
Muốn “hot”: hãy tập trung vào sản phẩm
Tự nhận là người yêu thích các thương hiệu của Golden Gate, ông Bình cho rằng, có nhiều cách để Kichi Kichi nói riêng và các thương hiệu khác nói chung duy trì “nhu cầu gốc” về lẩu băng chuyền, trong đó, việc tập trung vào đặc tính của sản phẩm là một trong những nhân tố quan trọng nhất.
Theo phân tích của ông Bình, điểm mạnh nhất của lẩu băng chuyền là thực khách có thể ăn thỏa thích. Nếu như đi ăn lẩu truyền thống, gọi thêm món là phải trả thêm tiền thì với các món ăn “không ngừng chuyển động” của lẩu băng chuyền, thực khách có cơ hội ăn nhiều hơn khoản tiền họ phải trả. Nếu làm cho khách hàng tin rằng, mình trả 1 để ăn 4, Kichi Kichi sẽ thành công.
Do đặc điểm lẩu băng chuyền là ăn mang tính cá nhân, ít phải giao tiếp với người khác nên khách hàng sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc nhìn ngắm các món ăn. “Do đó chất lượng món ăn sẽ được khách hàng chú ý hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc Kichi Kichi cần sự đầu tư về nội dung của chiến lược kinh doanh mà ở đó các món ăn là trung tâm. Bên cạnh đó, nhà hàng cần phải đưa ra nhiều hoạt động để khách hàng cảm giác bớt đi sự bất tiện của lẩu băng chuyền”, ông Bình phân tích thêm.
Hiện nay, để thu hút khách hàng, Kichi Kichi liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại như tặng voucher, giảm 5% cho khách sử dụng thẻ G-People, giảm 10% cho khách khi đi nhóm 10 người trở lên, đặc biệt là kết hợp với các website mua theo nhóm giảm giá cho khách hàng… Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, trong kinh doanh, chỉ số về doanh thu và thị phần có thể vẫn tăng đều, nhưng chưa đủ để đảm bảo một chỉ số phát triển bền vững trong kinh doanh. Nếu doanh thu chủ yếu đến từ khách hàng mới – do tiền marketing bỏ ra và do chưa hiểu hết về quy mô thị trường – thì đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu gốc về lẩu băng chuyền đang giảm. Và gợi ý mà chuyên gia marketing này đưa ra là: “Muốn tăng số lượng khách hàng quay trở lại lần sau, các nhà hàng lẩu băng chuyền phải cải thiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng như ban hành chính sách khách hàng, chương trình để họ thể hiện lòng trung thành với doanh nghiệp, cải thiện trải nghiệm sản phẩm…”. Và chắc hẳn, dẫu thị trường khó khăn, nhưng Golden Gate vẫn muốn băng chuyền lẩu Kichi Kichi quay đều và việc thu hút khách hàng sẽ được chú trọng trong các chiến lược kinh doanh của họ.
Theo DN360