Tại sao càng lỗ lại càng hút nhà đầu tư?

Dù luôn kêu khó khăn, thua lỗ nhưng không có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nào tự động rút lui khỏi thị trường. Trái lại, luôn có thêm những cái tên mới tham gia thị trường này.
Điệp khúc mà dư luận được nghe nhiều nhất từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua luôn là “lỗ” và “xin tăng giá”. Với thị phần chiếm khoảng 90%, các ông lớn gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Saigon Petro, Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vẫn được xem là những đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất.
Thực tế này cho thấy, dù có 4 doanh nghiệp là các công ty tư nhân, công ty cổ phần vừa nhận được giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, nâng tổng số các đầu mối được kinh doanh mặt hàng này lên 17, nhưng điệp khúc “xin tăng giá”, “lỗ” không chắc giảm đi.
Không dừng ở 17 đầu mối
Việc cho thêm các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đầu mối được ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, lý giải là nhằm tạo ra sự cạnh tranh mới trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường.
Dĩ nhiên, cho thêm người tham gia cuộc chơi thay vì chia nhỏ những ông lớn đang hoạt động trong lĩnh vực này là cách làm nhanh nhất với cơ quan hữu trách, bởi những doanh nghiệp ngoài ngành vẫn xem xăng dầu là mặt hàng kinh doanh tốt, chứ không phải chỉ có lỗ như các ông lớn xăng dầu vẫn kêu gào.
Dẫu vậy, trong tương lai, số lượng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 17, bởi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu đều đã được “bật đèn xanh” để thành lập các công ty phân phối, kinh doanh xăng dầu.
Mặc dù theo cam kết gia nhập WTO, bán lẻ xăng dầu không phải là lĩnh vực phải cam kết mở cửa, nhưng hiện tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài tới 75% và Công ty TNHH Lọc dầu Vũng Rô do nước ngoài đầu tư 100% đều đã được Chính phủ cho phép thành lập công ty phân phối sản phẩm xăng dầu của mình sản xuất ra.
Theo kế hoạch, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đi vào sản xuất năm 2017 với công suất 10 triệu tấn dầu thô đầu vào mỗi năm. Với Công ty TNHH Lọc dầu Vũng Rô, công suất 8 triệu tấn/năm, nếu triển khai đúng cam kết thì cũng sẽ có sản phẩm chỉ muộn hơn Lọc hóa dầu Nghi Sơn một chút.
Đáng nói là với sự có mặt của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sản xuất xăng dầu trong nước có thể đáp ứng được trên 60% nhu cầu của thị trường, hứa hẹn những cuộc cạnh tranh mới về giành thị phần.
Giành quyền định giá
Trong lúc chờ đợi nguồn cung xăng dầu được đáp ứng chủ yếu bởi sản xuất trong nước, đảm bảo không biến động mạnh về nguồn cung và thuận lợi hơn trong việc xác định giá bán, thị trường xăng dầu hiện nay vẫn phải tiếp tục đối diện với một bài toán khó, đó là định giá bán lẻ xăng dầu.
Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã quy định, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán; thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa 10 ngày đối với trường hợp giảm giá…
Dù có mục tiêu tốt và muốn vận hành theo giá thị trường thế giới, nhưng cuối cùng thì vào hồi giữa năm 2012 cơ quan chức năng cũng đã phải giành lại quyền định giá bán lẻ xăng dầu sau một thời gian trao quyền này cho các doanh nghiệp.
Dĩ nhiên, các ông lớn chi phối thị trường như Petrolimex, PV Oil không chịu khoanh tay đứng nhìn. Họ đã liên tục kiến nghị cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán để có thể tự mình tăng giá bán lẻ trong nước khi giá thế giới tăng mà không cần chờ cơ quan quản lý cho phép.
Thực tế cũng cho thấy, đã diễn ra những cái bắt tay ngầm giữa các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong việc đề nghị tăng giá bán lẻ mỗi khi giá thế giới tăng. Không chỉ đề xuất mức tăng giá bán lẻ giống nhau, các ông lớn còn làm ngơ hoặc cố “quên” đề xuất giảm giá bán lẻ khi giá thế giới giảm mạnh.
Bởi vậy, giá xăng dầu trên thị trường hiện nay vẫn do Tổ điều hành của liên bộ Tài chính – Công Thương tính toán dựa trên giá cơ sở, đề xuất của doanh nghiệp, cũng như các công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá.
Báo cáo vừa được tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gửi tới Quốc hội cũng khẳng định, nếu không có quỹ bình ổn xăng dầu này thì xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn, và tần suất tăng giá cũng nhiều hơn. “Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ.
Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, liên bộ có công văn chỉ đạo thì doanh nghiệp mới được sử dụng quỹ.
Mức sử dụng quỹ không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (được tính toán công khai theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước”, báo cáo nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, trong khi dư luận lo ngại về việc các doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trở lên sẽ tạo ra sự liên kết trong việc định giá bán có lợi cho mình, thì chính các ông lớn này lại có chút e ngại từ các đầu mối mới được cấp phép.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro cho hay, nhiều hay ít đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu không quan trọng bằng việc kiểm soát sau khi đã cấp phép. Rất có thể xảy ra tình trạng các đầu mối nhỏ chỉ nhập hàng khi giá thế giới xuống, không chịu nhập hàng khi giá thế giới lên. Hệ lụy là sẽ xảy ra tình trạng khan hàng và rối loạn trên thị trường vốn rất nhạy cảm này.
“Giá xăng dầu trong nước nên sát với giá thế giới và khoảng cách điều chỉnh là 10 ngày/lần, chứ không phải là 30 ngày/lần như hiện nay. Quy định khoảng cách 30 ngày như hiện nay đang tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp nhỏ lợi dụng, khiến thị trường rối”, ông Sang nhận xét.
Khác với ông Sang, điều này được thị trường hiểu theo một cách khác, đó là thị trường phân phối xăng dầu chắc chắn sẽ sôi động hơn, khi mà nguồn cung chủ động hơn và số doanh nghiệp tham gia nhiều hơn.
Góc khuất lợi nhuận
Việc dư luận quan ngại về tính minh bạch của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay là điều dễ hiểu nếu nhìn vào câu chuyện truy thu thuế đối với các lô hàng tạm nhập, nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa đang nóng hiện nay hay việc Petrolimex đã hưởng lợi lớn nhờ khai thuế sớm trước thời điểm cơ quan chức năng công bố tăng thuế.
Trong báo cáo thường niên năm 2012 của Petrolimex, sản lượng xăng dầu tiêu thụ chỉ giảm 500 nghìn m3/tấn, doanh thu thuần và giá vốn của hàng bán năm trước so với năm sau chỉ chênh nhau 5-7 tỷ đồng, nhưng số lỗ trong kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đã giảm từ 2.601 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 125 tỷ đồng trong năm 2012.
Vào nửa cuối năm 2012, Bộ Tài chính đã quyết định đưa vấn đề xăng dầu tạm nhập, tái xuất của các đầu mối kinh doanh vào tầm ngắm. Sau khi kiểm tra, thống kê lại các lô xăng dầu tạm nhập nhưng tái xuất không hết và chuyển tiêu thụ nội địa từ năm 2009 đến hết năm 2012, đã phát hiện hiện tượng doanh nghiệp không khai lại hàng nhập khẩu khi chuyển đổi loại hình kinh doanh xăng dầu hưởng lợi từ sự chênh lệch thuế.
Theo một quan chức của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2009-2012, các đầu mối xăng dầu đã chuyển loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa khoảng 2 triệu tấn xăng dầu, có trị giá 1,8 tỷ USD.
Theo quy định hiện hành, khi chuyển đổi loại hình kinh doanh, doanh nghiệp phải kê khai, xác định lại trị giá tính thuế, thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, thay vì kê khai và tính thuế lại khi chuyển loại hình kinh doanh, các đầu mối xăng dầu vẫn áp dụng mức thuế nhập khẩu khi tạm nhập hàng. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2012 có sự biến động mạnh, theo chiều hướng tăng.
Bởi vậy, số tiền mà Bộ Tài chính yêu cầu truy thu từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lên tới gần 300 tỷ đồng cho riêng năm 2012, trong đó Petrolimex chiếm hơn nửa, với gần 170 tỷ đồng. Tiếp đó là PV Oil với khoảng 66 tỷ đồng…
Trước đó nữa, vào tháng 6/2012, Cục Hải quan Khánh Hòa đã có báo cáo nghi vấn về việc Petrolimex tiến hành khai thuế sớm hơn thông lệ với lô hàng nhập khẩu tới gần 20 ngày.
Điều đáng nói là, sau khi ông lớn này khai và nộp thuế sớm cho lô hàng chưa cập cảng thì mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diesel tăng gấp đôi và Petrolimex đã không phải nộp thêm 64 tỷ đồng tiền thuế theo mức mới.
Những thực tế này khiến Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây đã đề nghị ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý với mục tiêu ngăn chặn những hành vi trục lợi trong tạm nhập tái xuất xăng dầu cũng như đầu cơ kiếm lời mỗi lần tăng thuế nhập khẩu xăng dầu.
Chưa biết những kiến nghị này sẽ được xem xét và áp dụng tới đâu, nhưng trước mắt thì điệp khúc “lỗ” và “xin tăng giá” vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối “ca” hoài!

Theo Tạp chí DOANH NHÂN