Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tiết lộ về triết lý “nghĩ khác – làm khác” của Viettel.
Ông Hùng giải thích, chiến lược biển xanh là mình làm những việc mà người khác không làm, hoặc người khác đã làm rồi bỏ dở, hoặc làm cùng một việc, nhưng với suy nghĩ khác, cách làm khác.
Cách tư duy này đã giúp Viettel trở thành người khổng lồ, từ 2,3 tỷ đồng tiền vốn ban đầu, chỉ sau 12 năm Viettel có vốn chủ sở hữu tăng gấp 30.000 lần, đạt 69.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 140.000 tỷ đồng (số liệu năm 2012).
Chiến lược “nông thôn bao vây thành thị”
Vì sao phải làm khác? Ông Hùng dẫn câu chuyện của tỷ phú Li Ka Shing người Hồng Kông, cũng là người áp dụng rất thành công chiến lược “biển xanh”, mà cách nói nôm na là “Người ta chạy ra thì mình chạy vào, người ta chạy vào thì mình chạy ra”.
Câu chuyện thành công của Li Ka Shing xảy ra vào cuối những năm 1960. Khi đó nhiều người Hồng Kông, lo sợ Trung Quốc sẽ dùng vũ lực lấy lại vùng đất này, nên vội vã bán nhà, đất tháo chạy khỏi Hồng Kông. Riêng Li Ka Sing thì tin vào tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Mao Trạch Đông và nhận định rằng, Hồng Kông phải là đầu mối để Trung Quốc liên hệ với thế giới. Vì vậy, Li Ka Shing bỏ toàn bộ tiền dành dụm được để mua lại nhà, đất của những người có ý định rời khỏi Hồng Kông. Sau vài năm không xảy ra động tĩnh gì, nhiều người dân đã quay lại và họ phải mua lại chính những mảnh đất, ngôi nhà của mình, với giá đắt gấp 3 lần.
Viettel cũng là một doanh nghiệp áp dụng khá thành công chiến lược biển xanh này. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông đầu tư ở Việt Nam đều tập trung vào thành phố, đô thị, thì Viettel lại kiên trì hướng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi các nhà mạng khác không để ý và khó có điều kiện vươn tới.
Quyết định đầu tư về nông thôn chỉ ra đời, sau khi Viettel có một nghiên cứu về tập tục sinh hoạt của người Việt. Người Việt thường về quê vào mỗi dịp lễ, Tết, nghỉ phép. Sóng điện thoại di động ở khu vực này khi đó còn rất yếu. Vì thế, Viettel đưa ra chiến lược đầu tư mạnh về nông thôn để phủ sóng, phục vụ người dân địa phương và cả đối tượng trên.
Chiến lược này cuối cùng đã rất thành công, nhờ đó mà điện thoại di động vốn là một dịch vụ cao cấp nay đã được phổ cập. Giờ đây, hình ảnh người nông dân, trẻ chăn trâu cũng có một chiếc điện thoại trên tay đã trở nên rất đỗi quen thuộc và dễ dàng bắt gặp hàng ngày.
Đầu tư ra nước ngoài
Chuyện “nghĩ khác” của Viettel trong đầu tư ra nước ngoài của Viettel cũng được ông Hùng kể lại qua câu chuyện đầu tư vào Haiti.
Vào thời điểm động đất xảy ra ở đất nước này, hợp đồng vẫn chưa ký. Khi động đất xảy ra, có ý kiến cho rằng, Viettel nên từ bỏ ý định đầu tư vì rủi ro. Nhưng, lãnh đạo Viettel suy nghĩ và nhận định rằng, vì động đất nên 2 công ty viễn thông đã có mặt tại Haiti khoảng 10 năm gần như cũng bị xóa sổ hoàn toàn, nghĩa là Viettel và họ cùng trở lại ở vạch xuất phát ban đầu. Thứ hai, khi ra nước ngoài, khó khăn lớn nhất là chinh phục người dân địa phương. Viettel rất được người dân Haiti trân trọng, vì họ cho rằng “trong khi động đất, dịch tả hoành hành ai cũng chạy đi, thì các ông lại đến. Quý ở chỗ đó!”. Và điều quan trọng nữa là, ở hầu hết quốc gia chịu một thảm họa thì sau đó là sự hồi sinh rất mạnh mẽ. Thực tế Haiti đang chứng minh đúng như vậy.
Kết quả là, chỉ sau hơn một năm đầu tư, Tổng thống Haiti đã coi Viettel là người bạn của mình và cũng lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, một chính phủ nước ngoài ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp (đó là Viettel). Trong đầu năm 2013, thị trường Haiti đã mang lại những quả ngọt ban đầu cho Viettel, khi bắt đầu có lợi nhuận.
Triết lý nghĩ khác, làm khác của “chiến lược gia” Nguyễn Mạnh Hùng còn được áp dụng tại Viettel qua nhiều câu chuyện khác, như việc Viettel tham gia sân chơi công nghệ thông tin cạnh tranh với FPT, tham gia vào lĩnh vực truyền hình cáp…