Đi xin việc, dù có bằng cấp nhưng vẫn phải giấu?

Tốt nghiệp ĐH hẳn hoi, nhưng khi đi xin việc lại không dám mang bằng ra. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đang là thực tế.

Họ là những cử nhân bình thường. Ra trường với tấm bằng khá hoặc trung bình. Những ngành học thuộc khối xã hội, e rằng khó có SV nào đánh giá được khối lượng kiến thức của mình. Nhưng với những SV học ngành ngoại ngữ, kỹ thuật thì… họ nhận ra ngay, mình đã đi sau thời đại với tấm bằng cử nhân.
Đưa bằng ra lại mắc cỡ
Đã đi làm hơn 1 năm, nhưng Nguyễn Thị Anh Tuyên, cựu SV một trường dân lập vẫn chưa nộp bằng tốt nghiệp ĐH của mình cho sếp: “Đưa bằng ra lại mắc cỡ. Mang tiếng là học 4 năm chuyên ngành Anh văn, nhưng…chỉ giao tiếp được vài câu đơn thuần, chắc thua trình độ bằng B”.
Các bạn của Tuyên, hầu hết cùng chung tâm trạng. Sau khi ra trường, nhiều người trang bị cho mình thêm 1 khoá thư ký, kế toán… và đi làm với chứng chỉ bổ sung này. Khi tìm việc, thấy nơi nào phỏng vấn bằng tiếng Anh là không dám bước vô, cũng không dám nói mình tốt nghiệp ngoại ngữ. Nên thường chỉ dám nộp hồ sơ vào những nơi yêu cầu ngoại ngữ giao tiếp thôi”.
Với Hương – SV khoa Hoá, trường ĐH Công nghiệp, cô không phủ nhận vốn kiến thức lý thuyết mà nhờ những năm học CĐ mình có được. Cũng không phủ nhận rằng 3 năm CĐ đã trang bị cho mình một vốn kiến thức nền tương đối. Nhưng để bắt tay vào làm một công việc trong ngành Hoá thì… không đủ can đảm.
Công thức để pha chế một lít nước rửa chén, trên lý thuyết cả lớp đều nắm. Nhưng khi đi vào thực tế, muốn cho 1 lít nước rửa chén đó ít bazơ lại thì không biết phải làm thế nào. Hay đứng trước một cái máy pha chế tự động, chắc nhiều người cũng không biết cơ chế vận hành ra sao. Vì chẳng bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với máy cả.
Võ Đình Dương, học ĐH tiếng Pháp, lại học thêm cả quản lý khách sạn, du lịch. Nhưng, giờ bảo một SV trong lớp đứng ra thiết kế một tour du lịch thì chịu. Cũng không ai biết được mình phải mời chào khách du lịch nước ngoài thế nào để cho có ấn tượng, tour như thế nào thì phù hợp với tâm lý của khách du lịch người Pháp…
Nhiều SV học ngành Xã hội “tự thú”: Học 4 năm, nhưng khi bắt tay vào làm một nhân viên công tác xã hội thì không biết gì. Cũng không thể tự mình làm một điều tra xã hội nho nhỏ.
Trương Hoàng Hải Long – kỹ sư điện lạnh vẫn còn nhớ như in cảm giác tròn xoe mắt trước các thiết bị, máy móc khi mới ra trường và đi làm; những lần phải im lặng trước các công nhân ở công trình vì kiến thức thực tế không bằng họ, còn lý thuyết thì quên quên, nhớ nhớ. Đành phải lảng qua việc khác, để tối về mở sách ra đọc lại. Long thành thật: “Không biết mà còn lớn tiếng là bị công nhân bẻ lại liền. Mà như thế, lần sau không thể nào nói chuyện với họ được nữa”.
Sau thời gian “ngấm” vì long tong tìm việc, Dương nghiệm ra, chỉ những ai chịu học thêm nhiều, có môi trường để vừa học vừa thực hành thì mới đủ khả năng đi làm. Còn trông cậy thuần tuý vào những kiến thức ở trong trường thì khó mà thích ứng ngay.
Lại điệp khúc “thừa lý thuyết, thiếu thực tế”
Theo B., người đã từng “tu nghiệp” thêm một khóa về du lịch hòng bổ sung cho cái bằng tiếng Pháp, thì trong lớp học của bạn, có những giáo viên dạy về du lịch, nhưng lại không biết hết các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam. Khi SV thuyết trình, phân tích, giáo viên chỉ biết… lắng nghe.
Ngày mới nhập học, nhà trường có thông báo hẳn hoi là sẽ có những chuyên ngành riêng cho SV chọn. Nhưng khi học xong giai đoạn đại cương, số lượng SV không đủ để phân ra nhiều lớp. Gần 20 SV đành học những gì nhà trường dạy. Và nhà trường dung hoà bằng cách cung cấp một mớ kiến thức tổng hợp của nhiều ngành: quản lý khách sạn, hướng dẫn viên, phiên dịch…
Với Nguyễn Chí Tâm, cựu SV trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, SV chỉ có 2 tuần thực tập trong suốt 4 năm học. Và chỉ làm mỗi công việc đơn giản là mang bảng câu hỏi đi điều tra xã hội – giống như một nhân viên nghiên cứu thị trường. Các thao tác còn lại đã có người khác làm thay. Nói như Tâm: “Khả năng ứng dụng trong trường không nhiều, kiến thức thực tế không có thì làm sao không bỡ ngỡ, không thẹn thùng với tấm bằng cho được”.
Với Hải Long, thời gian học trong trường, các thiết bị, máy móc đều được chiêm ngắm qua bản vẽ, sơ đồ, máy vi tính. Sự vận hành của máy cũng học bằng… sự tưởng tượng. Khi thực tập, SV chỉ được dọn nhà kho, tiếp xúc với những máy móc phế thải. “Không bỡ ngỡ mới lạ. Một công trình tư nhân của mình làm mà đã có hàng chục thiết bị, hàng trăm cách mắc nối, rồi còn phải kết hợp với cơ chế này, công trình nọ…”.

Theo Vietnamnet