Hòa Phát Group: Vượt trội, vẫn lo

Tập đoàn Hòa Phát đã duy trì được mức lợi nhuận ấn tượng, vượt trội so với cùng ngành trong bối cảnh DN hết sức khó khăn. Vì sao?

Hòa Phát vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2013. Theo đó, nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 6 lần so với năm trước, nên lợi nhuận trước thuế quý 1/2013 đạt 572 tỉ đồng, tăng 134%, riêng lợi nhuận sau thuế đạt 480,5 tỉ đồng. 
Hơn 80% doanh thu và hơn 70% lợi nhuận năm 2012 của Hòa Phát đến từ các sản phẩm thép như thép xây dựng, ống thép

Thép vẫn là chủ đạo
Hơn 80% doanh thu và hơn 70% lợi nhuận năm 2012 của Hòa Phát đến từ các sản phẩm thép như thép xây dựng, ống thép. Còn lại là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như nội thất văn phòng, sản phẩm điện lạnh… đóng góp 13,6% doanh thu và 22,6% lợi nhuận. Năm 2012, Hòa Phát tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về thị phần thép xây dựng, đạt 13,7% thị phần, sau thép Pomina.
Trên TTCK, trong số 8 cổ phiếu thép tên tuổi hàng đầu một thời, giờ chỉ còn duy nhất cổ phiếu Hòa Phát (HPG) và Tôn Hoa Sen (HSG) được giới đầu tư để mắt. Hoa Sen đứng đầu phân khúc tôn mạ còn Hòa Phát chiếm phân khúc thị trường thép xây dựng. Tuy nhiên, hai Cty là đối thủ trực tiếp của nhau trong lĩnh vực ống thép. Hòa Phát đứng thứ 2 về ống thép còn Hoa Sen ở vị trí thứ 4.
Hòa Phát cũng là một trong những DN sản xuất ống thép lớn nhất VN, tổng sản lượng năm 2012 đạt 164 nghìn tấn. Năm 2013, Hòa Phát đặt mục tiêu tăng 30% sản lượng thép bằng cách đưa giai đoạn 2 Khu liên hợp sản xuất gang thép đi vào hoạt động, nâng công suất toàn khu liên hợp lên 850 nghìn tấn thép thành phẩm mỗi năm. Với sự gia tăng công suất, tập đoàn đặt mục tiêu tiêu thụ 787 nghìn tấn thép xây dựng trong năm 2013.
Ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Cty CP Vận tải thép Hà Đăng cho biết, để đạt mục tiêu số 1 tại thị trường thép VN, Hòa Phát còn phải đối mặt với đối thủ đáng gờm là tôn Hoa Sen. Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất cho kỳ 6 tháng, niên độ tài chính 2012 – 2013 (kết thúc ngày 31/3/2013) với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, đạt 353 tỉ đồng, tăng 130%. Riêng quý 2 (từ 1/1/2013 đến 31/3/2013), lợi nhuận sau thuế đạt 228,16 tỉ đồng, tăng vọt 319% so với quý 1/2012.
Lợi nhuận từ bất động sản
Tại đại hội cổ đông năm 2013 của Hòa Phát, dù đưa ra mục tiêu lợi nhuận của năm 2013 lên đến 1.200 tỉ đồng, nhưng các cổ đông hiểu rằng lợi nhuận lại không đến từ thép. Niềm hi vọng của cổ đông dường như đang được dồn tất cả vào dự án bất động sản Mandarin Garden.
Trong mảng nhà ở, Hòa Phát đang tập trung bán hàng và hoàn thiện dự án Mandarin Garden để bàn giao vào tháng 9/2013. Theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT HPG, doanh thu từ dự án Mandarin Garden khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó dự tính lợi nhuận thu được khoảng 10% (500 tỉ đồng).
Ông Long cho biết, HĐQT vẫn rất thận trọng trong việc hạch toán lợi nhuận từ dự án bởi có thể khách hàng đã đăng ký mua nhà nhưng chưa muốn nhận nhà ngay. Do vậy, năm 2013, HPG dự kiến sẽ có 100 tỉ đồng lợi nhuận từ bán căn hộ Mandarin Garden (bằng 1/5 tổng lợi nhuận dự kiến). Đến nay Cty đã bán được 600 căn hộ.
Đặc biệt, việc áp dụng linh động giảm giá căn hộ tới gần 50%, từ mức 45 triệu đồng/m2 dự kiến xuống chỉ còn khoảng 26 triệu đồng/m2 chưa có nội thất, đã mang về kết quả doanh thu từ Mandarin ước khoảng 5.000 tỉ đồng, với tỉ suất lợi nhuận khoảng trên 10%. Tức Hòa Phát có thể sẽ thu được khoản lợi nhuận tới 500 tỉ đồng, tương đương gần 50% lợi nhuận của cả năm 2012 mà DN đã đạt được. Tính tổng chung các lĩnh vực, năm 2013, HPG đặt kế hoạch 1.200 tỉ đồng lợi nhuận, trong đó quý I đã đạt 450 tỉ đồng. “Ban lãnh đạo đang suy nghĩ tăng mục tiêu lên 1.500 tỉ đồng nhưng vẫn phải thận trọng”, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Cty Kiểm toán AVA VN cho rằng, tình trạng sản lượng thép tồn kho tại các nhà máy liên tục tăng là cản trở lớn để Hòa Phát bứt phá đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các DN thép trong khu vực khi VN đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo các cam kết WTO và các hiệp định song phương và đa phương. Theo cam kết gia nhập khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA), từ năm 2015 trở đi, thuế suất nhập khẩu thép là 0%.

Theo DDDN