Ông Chinh E. Chu, một người Mỹ gốc Việt, được trao cương vị dẫn đầu những nỗ lực của quỹ đầu tư nổi tiếng Blackstone nhằm thâu tóm tập đoàn máy tính Dell. Cuộc chiến giành giật Dell đang ngày càng nóng, và có nguy cơ khiến người sáng lập hãng, ông Michael Dell, mất ghế Giám đốc điều hành (CEO).
Hồi đầu tháng 2 năm nay, Michael Dell lên kế hoạch đưa hãng máy tính “con đẻ” của ông từ một công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán trở thành một công ty tư nhân. Theo đó, một liên minh giữa Michael Dell, quỹ đầu tư Silver Lake Partners, hãng phần mềm Microsoft, và một số ngân hàng nhất trí mua lại toàn bộ Dell với mức giá 24,4 tỷ USD. Michael Dell hiện nắm 14% cổ phần của hãng máy tính mà ông thành lập vào năm 1984.
Tuy ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) mà Dell là một trong những hãng dẫn đầu đang gặp vô vàn khó khăn, thương vụ Dell đã ngay lập tức thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Không để Michael Dell và các đồng minh kịp hoàn thành mục tiêu kiểm soát toàn bộ Dell, một loạt “gã khổng lồ” khác đã ngay lập tức nhảy vào cuộc, trong đó mạnh nhất là quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Blackstone và nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn.
Theo tờ New York Times, Blackstone ra giá 14,25 USD/cổ phiếu đối với cổ phiếu của Dell. Các “đồng minh” cùng tham gia với Blackstone trong thương vụ này còn có những quỹ “sừng sỏ” khác gồm Francisco Partners và Insight Venture Partners.
“Thuyền trưởng” dẫn đầu nhóm Blackstone thực hiện vụ thâu tóm này là ông Chinh E. Chu, một thành viên cao cấp có vai trò điều hành trong Hội đồng Quản trị, kiêm đồng Chủ tịch của quỹ. Sát cánh bên Chinh E. Chu trong nhiệm vụ lớn này là David Johnson, người trước đây là Phó chủ tịch cấp cao phụ trách về chiến lược công ty của Dell, và mới sang làm cho Blackstone từ đầu năm.
Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ông Chinh E. Chu là một nhân vật nổi tiếng. Ông là một trong số ít Việt kiều sở hữu tài sản “tỷ đô”. Ông từng được tạp chí uy tín Forbes đưa vào danh sách những nhà quản lý quỹ đầu tư cổ phần tư nhân xuất sắc, với lời giới thiệu rằng, ông rất yêu thích các cổ phiếu thuộc lĩnh vực hóa chất và dược phẩm. Một số tờ báo ước tính, giá trị tài sản của Chinh E. Chu lên tới 1,1 tỷ USD.
Hồ sơ cá nhân của ông Chinh E. Chu trên website của Blackstone giới thiệu ông đã dẫn đầu một loạt vụ thâu tóm lớn của quỹ này như DJ Orthopedics, Biomet, Catalent Pharma Solutions, Alliant, ReAble Therapeutics, Celanese, Nalco, SunGard Data Systems, Nycomed, và LIFFE. Ngoài ra, ông còn tham gia vào các vụ đầu tư của Blackstone vào một loạt công ty bao gồm FGIC, Graham Packaging, Sirius Satellite Radio, StorageApps, Haynes International, Prime Succession/Rose Hills, Interstate Hotels, HFS và Alco Holdings.
Chinh E. Chu có bằng cử nhân tài chính của Đại học Buffalo, một trường ít nổi của Mỹ. Tuy nhiên, với cương vị ở Blackstone, hiện ông giữ vai trò thành viên hội đồng quản trị của rất nhiều công ty mà quỹ này đầu tư vào, bao gồm Alliant, BankUnited, BayView Financial, Healthmarkets, DJO Incorporated, Catalent Pharma Solutions, SunGard, Graham Packaging.
Một số nguồn cho biết, vợ của Chinh E. Chu là ca sỹ Hà Phương, em gái của ca sỹ Cẩm Ly. Chinh E. Chu còn nổi tiếng khi vào năm 2007, ông chi 34 triệu USD để mua toàn bộ tầng 89 và nửa tầng 90 của tòa nhà Trump World Tower ở New York. Căn hộ này của ông có tổng cộng 34 phòng, 12 phòng ngủ và 16,5 phòng tắm, với tổng diện tích gần 1.400 m2.
Chinh E. Chu được cho là đã muốn mua hết cả tầng 90 của tòa nhà, và ông đã cố gắng đàm phán với người hàng xóm ở tầng này, nhưng những nỗ lực của ông không thành công.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Blackstone vào năm 1990, Chinh E. Chu đã có một thời gian làm việc trong bộ phận M&A (mua bán và sáp nhập) của Salomon Brothers – ngân hàng mà trước đây nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng làm việc.
Trong giới đầu tư cổ phần tư nhân, Blackstone được xem là một “ngôi sao sáng”. Tập đoàn này được thành lập năm 1985 bởi cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pete Peterson và ông Stephen Schwarzman. Năm 2007, công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thu về số tiền 4 tỷ USD. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản do công ty này quản lý là 210 tỷ USD.
Hiện tại rất thành công và giàu có, nhưng Chinh E. Chu từng có lần tiết lộ rằng, khi mới ra trường, ông rất khó xin việc. Ông đã gửi 15 bộ hồ sơ xin việc tới các công ty Phố Wall, nhưng đều bị loại. Chính khó khăn này khiến quyết tâm của ông càng thêm lớn.
Theo trang Celebrity Networth, vào năm 2004, Blackstone hoàn tất vụ thâu tóm doanh nghiệp để đưa công ty đại chúng trở thành tư nhân lớn nhất trong lịch sử ở châu Âu. Đó là thương vụ thâu tóm công ty hóa chất Celanese. Thành công có được của Blackstone trong vụ này là nhờ những nỗ lực đàm phán và tài thao lược kinh doanh của Chinh E. Chu.
Trở lại với thương vụ Dell, theo như đề xuất mà Blackstone đưa ra, thì các nhà đầu tư muốn tiếp tục nắm giữ cổ phần của Dell có thể làm vậy. Tuy nhiên, Blackstone chưa nêu cụ thể tỷ lệ cổ phần của Dell mà họ sẽ để lại trong giao dịch đại chúng trong trường hợp nắm được quyền kiểm soát hãng máy tính này.
Theo một số nguồn tin, hiện Blackstone đã có cuộc đàm phán với một vài trong số những cổ đông lớn nhất của Dell về đề xuất thâu tóm. Nguồn tài chính cho thương vụ có thể sẽ do ngân hàng Morgan Stanley sắp xếp cho Blackstone.
Mức giá mà Blackstone đưa ra để mua Dell là hấp dẫn hơn mức giá mà chính nhà sáng lập Dell đưa ra. Nhóm của Michael Dell muốn giành toàn bộ quyền kiểm soát hãng với mức giá 13,65 USD/cổ phiếu. Để có tiền cho vụ này, Michael Dell dự định vay 2 tỷ USD từ Microsoft. Bản thân ông sẽ đóng góp mức cổ phần 16% bên cạnh khoản tiền 750 triệu USD. Ngoài ra, quỹ Silver Lake sẽ đóng góp 1,4 tỷ USD.
Kế hoạch đưa Dell trở thành công ty tư nhân đã đẩy Michael Dell vào thế “cưỡi lên lưng hổ”. Rất có thể ông sẽ không còn giữ được ghế CEO của tập đoàn này nếu hãng Dell rơi vào tay Blackstone hoặc một nhà đầu tư khác đang tham gia cuộc đua là tỷ phú Carl Icahn.
Icahn từ lâu đã được mệnh danh là “kẻ cướp công ty” ở Phố Wall, người chuyên giành giật trong các vụ thâu tóm bằng chiến lược không hòa bình (hostile takeover) – không được sự nhất trí của ban lãnh đạo và hội đồng quản trị công ty bị thâu tóm.
Icahn hiện nắm 80 triệu cổ phiếu của Dell, với trị giá do ông ước tính vào khoảng 1 tỷ USD. Theo kế hoạch của Icahn, ông sẽ thâu tóm khoảng 28,1% của Dell, và để phần còn lại tiếp tục giao dịch đại chúng.
Tuy nhiên, ưu thế trong cuộc đua thâu tóm Dell có vẻ như đang nghiêng về Blackstone. Thấy trước được nguy cơ bị mất ghế CEO, Michael Dell mới đây đã bí mật gặp Chinh E. Chu để đưa ra một kế hoạch thỏa hiệp. Theo một số nguồn thân cận, Michael Dell đề xuất sẽ không bán cổ phần của mình và sẽ đứng về phía Blackstone, với điều kiện ông được giữ ghế CEO. Mặc dù vậy, Blackstone đã tính tới khả năng đưa Mark Hurd, cựu CEO của HP và hiện là Chủ tịch Oracle, về thay thế Michael Dell.
Theo Vneconomy